Văn minh mùa lễ hội

Mỗi dịp đầu năm, các chùa trên địa bàn tỉnh như Bà Thiên Hậu, núi Châu Thới, Tây Tạng, Hội Khánh… khá đông khách thập phương đến viếng. Họ đến đây để thưởng ngoạn vẻ đẹp danh thắng, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an… Để Lễ hội Rằm tháng giêng năm nay đẹp trong mắt du khách, Ban tổ chức (BTC) lễ hội tại các chùa đã xây dựng nhiều hình ảnh đẹp, văn minh.

binh duong image

Niềm vui cho người mù, người khuyết tật

Đến hẹn lại lên, mỗi năm từ ngày 30-12 đến 15-1 (âm lịch), thời điểm diễn ra Lễ hội Rằm tháng giêng, tại các điểm có tổ chức lễ hội bố trí bàn trước cổng, hay trong khuôn viên chùa để người mù (NM), người khuyết tật (NKT) bán vé số. Một việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Anh Lê Văn Xây, du khách đến từ quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh, nói: “Đầu năm, tôi và gia đình đến Bình Dương để viếng chùa. Những năm trước, khi bước chân vào cổng chùa chúng tôi thường gặp NM, NKT đứng, ngồi bán vé số trong cái nắng gay gắt rất đáng thương. Năm nay, các chùa ở Bình Dương đã bố trí chỗ ngồi cho những NKT bán vé số. Việc làm này rất hay và ý nghĩa, giúp NKT mưu sinh trong văn minh, trật tự”.

Sắp xếp chỗ ngồi và có mái che nắng cho những NM bán vé số trước cổng chùa Bà Thiên Hậu đã phần nào giúp họ mưu sinh trong điều kiện thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Thanh Hồng, SN 1956, phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một bị mù bẩm sinh. Hàng ngày ông mò mẫm trên các con đường trong thành phố để bán vé số. Thời gian trước, mùa lễ hội do người đông, khó di chuyển nên ông ngồi một góc khuất trong khuôn viên chùa để bán vé số. Năm nay, ông và một số NM khác được UBND phường Phú Cường sắp chỗ ngồi bán ngay ngắn, đúng quy định. Mỗi ngày, ông bán được khoảng 200 tờ, thu nhập tăng cao. “Tôi thay mặt những NM đang bán vé số ở đây cảm ơn sự quan tâm của chính quyền dành cho chúng tôi. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng sống tốt, dùng đôi tay, đôi chân thay cặp mắt để làm ăn, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội”, ông Thanh Hồng nói.

Tại chùa núi Châu Thới cũng vậy, NM, NKT được sắp xếp một chỗ cố định bên hông chùa để bán vé số cũng là hình ảnh đẹp. Ý thức được số phận, công việc, những NKT, NM tại đây không bao giờ giành giật nhau chỗ ngồi, hay chèo kéo khách. Họ chỉ nhẹ nhàng chào mời “Anh chị mua giúp em tờ vé số!”. Riêng chỗ ngồi do không đánh số thứ tự nên ai đi trước ngồi phía trước, ai đi sau ngồi sau. Họ ngồi ngay ngắn và hành xử rất lịch sự.

 Bảo đảm an toàn

Ngày nay, khi đời sống của nhân dân được nâng cao thì số người tham gia lễ hội ngày một đông như câu nói “phú quý sinh lễ nghĩa”. Điều đáng nói ở đây là việc đi lễ thì có nhưng văn hóa lễ hội thì có vẻ chưa được phổ biến rộng rãi. Hòa vào dòng người hành lễ sẽ được chứng kiến cảnh người ta thi nhau khấn vái mong được phù hộ mà khấn lớn tiếng át tiếng của nhau. Chưa kể đến nhiều người cho rằng, cứ lễ to là lộc lớn, nên trên các ban biện của chùa các loại bánh trái được bày la liệt. Thêm nữa, việc một người cầm cả nắm nhang đốt và thắp khắp chùa cũng dễ gây cháy nổ, mất đi vẻ đẹp văn minh.

Trước những việc làm chưa “phải phép” của du khách, nhất là vấn đề phòng chống cháy nổ, BTC lễ hội tại các chùa ở Bình Dương đã đưa ra nhiều cách để bảo đảm an toàn cho du khách. Tại chùa Bà Thiên Hậu, lực lượng bảo vệ trong khuôn viên chùa thường xuyên nhắc nhở du khách hạn chế thắp nhang. Mỗi người được cầm 3 cây nhang mang vào trong điện để thể hiện lòng thành tâm. Những ngày cao điểm (thứ bảy và chủ nhật), mỗi du khách chỉ được đem vào điện 1 cây nhang. Số nhang còn lại do du khách mang đến được lực lượng bảo vệ giữ lại thắp cho những người không mang theo nhang. Cách làm này cũng được thực hiện tại chùa núi Châu Thới, chùa Thới Sơn Núi Cậu và chùa Tây Tạng…

Trong suốt những ngày diễn ra lễ hội, một số cá nhân, nhóm người đã thể hiện tinh thần tự nguyện quét dọn rác xung quanh chùa, phục vụ nước uống miễn phí… Cô Ngân, làm công quả chùa Tây Tạng, nói: “Ý thức một số người tham gia lễ hội vẫn còn hạn chế, có người ăn uống xong rồi vứt rác ngay tại chỗ. Nhiều nhóm thanh niên lên đây vãn cảnh, đem theo đủ thứ đồ ăn thức uống rồi tiện tay vứt rác ngay bên cạnh. Do đó, chiều nào chúng tôi cũng dọn dẹp để trả lại vẻ đẹp cho ngôi chùa”.

Theo baobinhduong.vn