Xây dựng thương hiệu cây có múi Bắc Tân Uyên

Với diện tích trồng cây có múi gần 2.000 ha, Bắc Tân Uyên đang là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn trái có múi của tỉnh. Quả cam, bưởi, quýt không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trong tỉnh những năm qua, mà nó còn là sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng ngon, ngọt, sạch và an toàn của vùng đất Bình Dương.

binh duong image

Thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp sạch

Từ năm 2014 đến nay, huyện Bắc Tân Uyên đã triển khai 5 dự án về điện, trên 10 dự án về thủy lợi và hàng chục dự án về giao thông với số vốn lớn nhằm phục vụ cho phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái nói riêng. Bên cạnh đó, công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp cũng được huyện quan tâm đầu tư. Cụ thể, hàng năm Phòng Kinh tế của huyện phối hợp tổ chức từ 15 - 20 lớp tập huấn, chuyển giao 3 - 5 mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân. Tính đến nay, toàn huyện có khoảng 500 ha cây ăn trái đã cho thu hoạch, trong đó có hơn 100 ha sản xuất theo hướng VietGAP và hơn 60 ha đã được chứng nhận VietGAP.

Đến xã Hiếu Liêm, một trong những xã có diện tích cây ăn trái có múi lớn nhất huyện, mọi người mới thấy hết sự phát triển nhanh chóng của vùng chuyên canh cây ăn trái có múi Bắc Tân Uyên. Thực tế, cây cam, cây quýt mới phát triển gần 10 năm trở lại đây tại Bắc Tân Uyên, khi những nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long khám phá ra vùng đất này thích hợp để canh tác trồng cây có múi. Là người đưa cây cam từ Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp lên bén rễ trên vùng đất mới, ông Lâm Thành Thắm, ở xã Hiếu Liêm hiện có vườn cam thuộc diện lớn nhất tỉnh với diện tích khoảng 150 ha, mỗi năm cho thu nhập hàng chục tỷ đồng. Để cho trái nghịch mùa, ông Thắm đã thử nghiệm thành công phương pháp dùng tấm bạt nylon phủ lên những liếp cam nhằm chủ động, kiểm soát được nguồn nước tưới và bón phân, thuốc cho cây. Phương pháp này hiện là bí quyết “ép nước” cho trái nghịch mùa bằng cách tạo khô hạn tạm thời cho vườn cây, đã được ông Thắm và nhiều nông dân áp dụng rất hiệu quả. Từ thành công của ông Thắm, mô hình trồng cây có múi đã lan nhanh ra các xã Hiếu Liêm, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định với hàng trăm hộ nông dân tham gia và cho thu nhập rất tốt. Đến thời điểm các vườn trái cây đi vào thời kỳ cho trái ổn định, sản lượng dự kiến lên đến hàng chục ngàn tấn quả mỗi năm, mang lại thu nhập từ 600 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng/ha.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam, quýt 2 ha của gia đình tại xã Hiếu Liêm, ông Lương Văn Phụng cho biết, trong đợt thu hoạch trái gần đây nhất, đối với 1 ha cam của gia đình ông cho sản lượng khoảng 65 tấn, 1 ha quýt khoảng hơn 50 tấn. Hiện ông đang tiến hành đăng ký và áp dụng kỹ thật trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP cho vườn cây của mình.

binh duong image

 Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên được công nhận là tiền đề để thương hiệu cây ăn trái có múi Bắc Tân Uyên vươn xa hơn. 

Nâng tầm giá trị cây có múi

Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, giải quyết tốt về đầu ra cho các loại trái cây này đang là vấn đề khó khăn đối với địa phương. Nhằm hướng tới thị trường bền vững, bảo vệ quyền lợi và xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây đặc sản của địa phương, năm 2015 UBND huyện Bắc Tân Uyên đã phê duyệt Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện. Trên cơ sở này, Phòng Kinh tế của huyện đã phối hợp cùng với Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam khảo sát, lập bản đồ vùng trồng cam, bưởi; nghiên cứu về ý nghĩa, tầm nhìn và các tiêu chí cần có của mẫu nhãn hiệu; cùng với đó là xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu tập thể...

Sau 2 năm chính thức triển khai, Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển cam, bưởi huyện Bắc Tân Uyên, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên”, với nhiều trang trại, vườn cây được trồng theo mô hình đạt chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên cho biết, khi đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể, một trong những vấn đề được huyện quan tâm nhất chính là tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm. Khi sản phẩm cam, bưởi Bắc Tân Uyên được chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp, giá trị sản phẩm, uy tín của người sản xuất cũng sẽ được nâng cao, đồng thời các ngành chức năng có điều kiện quản lý tốt về quy trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cũng như kiểm soát được chất lượng của sản phẩm. Đây được coi là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện để các sản phẩm cam và bưởi Bắc Tân Uyên vươn xa ra thị trường quốc tế.

Ông Thái Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên khẳng định, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên chỉ mới là bước đầu của dự án. Để nhãn hiệu có thể phát triển thành thương hiệu là cả một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn không chỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện mà còn rất cần đến sự ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh để quảng bá, thông tin, tuyên truyền về nhãn hiệu tập thể của huyện.

 Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, hiện nay tại xã hầu hết diện tích trồng cây ăn quả có múi đều canh tác theo hướng ứng dụng kỹ thuật cao, như sử dụng hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt dưới gốc, tưới phun sương trên cao, bón phân theo quy trình… nhằm đạt sản lượng cao nhất. Việc triển khai thử nghiệm mô hình trồng cây ăn quả có múi theo chuẩn VietGAP tại xã đã phát huy hiệu quả; đây cũng là cơ sở để xây dựng vùng chuyên canh cây có múi đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, khi sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, người trồng bưởi trong xã sẽ tích cực thực hiện đúng các quy trình sản xuất, tiêu chí về trọng lượng quả, độ đường theo quy trình, từ đó cung ứng trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín ra thị trường.

Theo: baobinhduong.vn