3 ngôi đình của Bình Dương được công nhận là Di tích cấp Quốc gia

Giới thiệu về 3 ngôi đình được công nhận là Di tích cấp Quốc gia của tỉnh Bình Dương gồm đình Phú Long, đình Tân An và đình Dĩ An

Tính đến hiện tại, Bình Dương có 65 di tích được công nhận và xếp hạng trong đó có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 52 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Trong số những di tích cấp quốc gia của Bình Dương có 3 ngôi đình nổi tiếng đó là đình Phú Long, đình Tân An và đình Dĩ An.

 

ĐÌNH PHÚ LONG

Đình Phú Long là ngôi đình cổ nằm bên bờ sông Sài Gòn, nay thuộc phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đình cách chợ Lái Thiêu tầm khoảng 1 km. Đình Phú Long do cư dân người Việt tại tổng Bình Chánh Thượng huyện Bình An xây dựng vào khoảng năm 1842 (có tài liệu cho là vào năm 1822 nhưng cả hai niên đại này chỉ là phỏng đoán theo sự truyền khẩu từ các vị cao niên). Nhưng chắc chắn đình có trước năm 1853 (niên hiệu Tự Đức thứ 5, năm được nhà vua phong sắc cho đình). Lúc đầu, đình được xây dựng bằng tre gỗ, nền đất thô sơ. Sau đó đình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1865, 1935, 1997,… nhưng lần sửa chữa 1865 có quy mô lớn với việc xây tường bằng vôi gạch, mái lợp ngói gần giống hiện trạng ngày nay. Đình nằm ở một vị trí thuận lợi cho việc sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cư dân trong vùng và nằm gần sông nên tạo thêm phong cảnh hữu tình, mát mẻ cho dân chúng khi về đây.

Đình được xây dựng kiểu chữ tam ( 三 ) theo lối “trùng thềm điệp ốc”,  lợp ngói âm dương, nền lót gạch hoa, diện tích xây dựng là 1258m2 trên khoảng đất rộng hơn 1hecta. Ngôi chánh điện gồm: tiền, trung và hậu điện. Tiền điện hình chữ nhật ( 日 ) ba gian, hai chái, mái được làm hai lớp. Trên trần nhà, chánh điện hai bên đầu hồi là hai lỗ tròn có nắp đậy che mưa nắng tạo thành một nóc kín. Chính nóc kín này về sau được vận dụng làm nơi ẩn náu rất tốt cho các hoạt động của nhiều lớp cán bộ chiến sĩ cách mạng tại địa phương trong suốt thời kỳ tiền cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Do thiết kế và vị trí đặc biệt nên sự tồn tại của ngôi đình, ngoài việc đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, còn luôn gắn liền với hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng. Bằng chứng là sau ngày giải phóng, khi tôn tạo lại ngôi đình, người ta phát hiện ở nóc đình nhiều thứ như cờ đỏ sao vàng, cờ mặt trận giải phóng, võng ni công, mũ cối,  thuốc đỏ, bông băng cứu thương,…

Nói thêm về kiến trúc của đình, toàn bộ mặt tiền, phần bê tông được cẩn bằng các mảnh gốm sứ đầy màu sắc. Mặt khác thì Lái Thiêu cũng là nơi nổi tiếng với nghề gốm nên cũng không quá khó hiểu khi nghệ thuật trang trí bằng gốm sứ được ưa chuộng. Mái võ ca được trang trí bốn con lân đứng hàng ngang hướng về sân đình, hai đầu hồi là hai rồng dao. Trên mái Trung điện, ở giữa có hình nhật nguyệt, đầu hồi là hình Long, Lân, Qui, Phụng. Phần mái hậu điện cũng có các hoa văn cá hóa long, lưỡng long trân châu. Nhà đông lang hai bên trang trí  rồng, giữa là đầu lân, long mã, các con thú và cây quả. Hai bên nhà đông lang là hai con Phụng, giữa là hình nhật nguyệt.

Trong chánh điện là án thờ sắc thần Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban năm 1853, hai bên thờ Tả Ban và Hữu Ban. Ở đây còn thờ các vị có công với làng với đình theo thứ tự từng án thờ có lập bài vị. Riêng án thờ được đặt cao nhất là hình một chiếc ghế dựa bằng gỗ hình vuông, chạm thủng hình Mai, Lan, Cúc, Trúc, với long vị đắp nổi trông rất uy nghi (gọi là ngự). Gian đầu hồi, bên trái đặt bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương, bên cạnh đặt một cái mõ dài 1,8m, bên phải đặt bàn thờ ông hổ, bên cạnh có một cái trống để sử dụng vào các dịp cúng tế lễ hội. Các bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền cũng được thờ phụng tôn nghiêm. Từ ban công nhìn thẳng vào chánh điện, có hàng lỗ bộ gồm nhiều loại binh khí với bốn cặp hạc đứng trên lưng rùa. Hai cửa trung môn nối liền với Đông lang, Tây lang, là nơi chuẩn bị lễ vật cúng Thần, ngày thường là nơi giải quyết một số công việc của cộng đồng xã thôn. Ngoài ra đình còn có nhà bếp đầy đủ tiện nghi để phục vụ các lễ tiệc ngày hội đình.

Nói thêm về đình Phú Long thì ngôi đình được trang trí theo lối cổ lầu, tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng màu sắc rực rỡ và có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững dài lâu, xưng tụng công đức của tiền nhân, thần thánh. Ngày 28/12/2001, theo quyết định số 53/QĐ –VHTT, đình Phú Long được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa – Kiến trúc  nghệ thuật cấp quốc gia.

 

ĐÌNH TÂN AN

Đình Tân An còn có tên gọi dân gian là đình Bến Thế bởi nằm gần bến sông Bến Thế, bên cạnh đình còn có chợ Bến Thế nên người dân ở đây còn gọi là đình Bến Thế. Trước kia đình có tên là Tương An miếu (có biển hiệu lớn treo giữa đình là Tương An miếu). Sở dĩ có tên gọi này bởi một phần hình dáng ban đầu của đình rất đơn giản, chỉ có một gian ngói nhỏ.

Đình được xây dựng vào năm 1820 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Ban đầu đình chỉ là mấy gian nhà lá đơn sơ nên đặt tên chữ là “Tương An miếu”, do nhân dân của 4 xã: Tương Bình (nay là Tương Bình Hiệp), Tương An (nay là Tân An), Tương Hòa (nay là Định Hòa) và Cầu Định (nay là Tân Định) lập để thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, vị trí đình được đặt tại làng Tương An. Khoảng 30 năm sau đó, tổ tiên dòng họ Nguyễn (làm chức Ban biện) đứng ra chủ trì xây dựng lại ngôi đình với quy mô lớn, có hình dáng như ngày nay. Mặt khác, dòng họ Nguyễn là một trong những lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất Tân An khai hoang lập nghiệp và có công trùng tu ngôi đình làng nên được dân làng tôn làm “Tiền hiền - Hậu hiền” và được thờ trong ngôi chánh điện để tỏ lòng thành kính.

Vào năm 1869, vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc phong vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long.

Về tổng quan kiến trúc, ngôi đình được làm toàn bằng gỗ Sao, có lối kiến trúc hình chữ Tam, còn gọi là lối sắp đọi, dân gian gọi là đình ba nóc, theo kiểu xuyên trính, hai mái, hai chái, gồm 40 cây cột vuông bằng gỗ, hành lang rộng gồm 30 cột gỗ (do thời gian mưa nắng đã làm cho một số cột ở hai bên hành lang bị hư hại nên được thay bằng cột xây bằng gạch, vôi). Mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói vây cá qua nhiều năm mưa nắng mái ngói phủ rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền lát gạch đỏ (gạch tàu) hình lục giác. Toàn bộ ngôi đình có chiều rộng 50m, dài 70m, được xây trên diện tích hơn 10.000m2 (số liệu theo bảng đồ địa chính của di tích). Đặc biệt, toàn nội thất trong đình như hiện vật bàn thờ, tủ thờ, tấm hoành, bao lam, cột gỗ, câu đối… đều bằng gỗ quý được các bàn tay nghệ nhân chạm khắc rất tinh xảo với nhiều chủ đề khác nhau làm tôn lên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của đình. Ngoài ra, đình còn lưu trữ một công trình chữ Hán rất phong phú còn lại cho đến ngày nay qua các cặp liễn đối, hoành phi, sắc thần…

Đình được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được xếp hạng ngày 02/06/2004. Ngày 26/4/2014 Đình Tân An được Bộ Văn hóa Thể thao và Di lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 1261/QĐ-BVHTTDL.

 

ĐÌNH DĨ AN

Đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vào năm 2019, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia (QĐ số 1185/QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2019). Đây cũng là ngôi đình thứ 3 ở Bình Dương ( sau đình Phú Long và đình Tân An) được công nhận là di tích cấp quốc gia. Theo sử liệu ghi lại, ngôi đình này được gọi là miếu bởi ban đầu chỉ dựng tạm bằng tranh tre, nứa lá. Khoảng năm 1838, khi dân số nơi đây đông hơn, người ta chung tay xây dựng ngôi miếu thành đình thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh (theo bản sắc phong của vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho đình thần Dĩ An). Đình Dĩ An là nơi thờ Thành Hoàng cũng là nơi dân làng tổ chức hội hè, lễ bái hàng năm. Vào thời kỳ nhà Nguyễn, đình còn là nơi làm trụ sở hành chính của địa phương, là nơi làm việc của hương chức, hội tề. 

Trải qua nhiều lần tu sửa, bảo quản, đình Dĩ An vẫn giữ được kiến trúc cũ, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian cho người dân địa phương. Các lễ lớn của đình Dĩ An có thể kể đến như: Lễ Kỳ Bông (16/6 âm lịch) cầu cho mùa màng bội thu. Lễ Kỳ Yên (16/11 âm lịch) cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm, ở đây còn tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương rất trang nghiêm, thành kính với rất đông người đến bái vọng, hướng về đất tổ với tấm lòng ẩm thủy tri nguyên, luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Đặc biệt hơn, “Lễ hội Kỳ yên Đình Dĩ An” thuộc danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định công bố vào ngày 2/2/2023. Đây là Di sản văn hóa Phi vật thể quốc gia thứ 5 của tỉnh Bình Dương đã được công bố.

Nếu có dịp đến thăm đình thần Dĩ An, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những nét đẹp xưa của đình làng Việt Nam nói chung và đình làng Nam bộ nói riêng. Cổng đình được xây theo kiểu cổng tam quan (một cửa chính và hai cửa phụ), mái bậc thang, mặt trong và mặt ngoài cổng được trang trí bởi nhiều đề tài hoa văn phong phú cùng những câu đối chữ Hán ở cột cổng đình.  Bước qua khỏi cổng tam quan là một khuôn viên rộng lớn, với những cây cổ thụ quý hiếm có tuổi thọ trên trăm tuổi, như: sao, giá tỵ, gõ mật, cám, dầu... Trong khuôn viên đình còn có: miếu bà Ngũ Hành, đền Ngọc Hoàng, Sơn Quân, đền Mẫu, hữu Bạch Hổ, Thần Nông và bia mộ liệt sĩ... ẩn mình dưới những tán lá xanh tươi như tạo thêm vẻ yên tĩnh và linh thiêng cho đình. Phần thờ tự chính (đình thần) là một dãy nhà được thiết kế theo kiểu hình chữ nhật, gồm: võ ca, chánh điện, nhà khách và nhà túc.

 

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy