Bảo tàng Quân đoàn 4 nơi lưu giữ bộ tranh " Kí họa chiến trường" của họa sĩ Võ Xưởng
Bộ tranh “Ký họa chiến trường” của họa sĩ Võ Xưởng nguyên Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng
Bộ tranh “Ký họa chiến trường” của họa sĩ Võ Xưởng nguyên Trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 4 được ông vẽ từ năm 1967 – 1975.
Họa sĩ Võ Xưởng (Vũ Hữu Xưởng) quê quán xã Tuy Lai, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (hiện nay cư trú tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh). Ông nhập ngũ tháng 02/1964 thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Tháng 06/1966, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường miền Nam. Với năng khiếu hội họa nên trong suốt chặng đường hành quân vượt Trường Sơn, đến mỗi trạm dừng chân ông lại tranh thủ kí họa các hoạt động của bộ đội, nhân dân và phong cảnh nơi đơn vị hành quân qua.
Khi Sư đoàn 7 được thành lập, ông được nhận nhiệm vụ làm trợ lý Tuyên huấn Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn. Từ 1965 – 1975, ông cùng đơn vị tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông, vừa cầm súng, vừa cầm bút kí họa lại các gương chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng và cảnh làng mạc quê hương trong kháng chiến. Với năng khiếu và môi trường công tác ông đã thể hiện hết tài năng của mình qua từng tác phẩm.
Sau giải phóng miền Nam, ông được cử đi học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, khóa 1975 – 1981. Sau khi ra trường ông về công tác tại Nhà Văn hóa, Quân khu 7 cho tới khi nghỉ hưu (năm 1990) và tham gia Câu lạc bộ Mĩ thuật thành phố.
Thế mạnh của ông là tranh sơn dầu, tranh hoành tráng khổ lớn và khả năng đặc biệt trong tạo hình nhân vật. Song công chúng biết nhiều về ông qua các tác phẩm ký hoạ kháng chiến về mảng đề tài “Lực lượng vũ trang, Chiến tranh Cách mạng”. Những bức ký họa ra đời từ việc ghi lại những hình ảnh, sự kiện, nhân vật qua chiến tranh mà ông được chứng kiến được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều bức tranh có giá trị nghệ thuật, lịch sử.
Tháng 4/2018, hoạ sĩ Võ Xưởng đã tặng cho Bảo tàng Quân đoàn 4 hơn 40 bức tranh, trong đó đa số là tranh kí hoạ; được ông sáng tác từ năm 1967-1975. Tranh được vẽ bằng bút sắt, màu nước, chì than; chất liệu giấy và kích thước không đồng đều; nét vẽ nhanh, mảng màu phết vội, bút pháp đơn giản đã thể hiện rõ đặc trưng của Tốc hoạ (Kí hoạ chiến tranh: nhanh, chân thực, cảm xúc); ẩn chứa sự rung động đặc biệt của người hoạ sĩ. Ông từng tâm sự:“Tôi vẽ để trả nợ cho đồng đội”, nên các tác phẩm đều mang tính chân thực, tình cảm sâu sắc với những kí ức khó quên trong suốt thời gian tự hào và bi tráng lịch sử của dân tộc.
Bức tranh “chết đứng còn hơn sống quỳ” phác họa tấm gương chiến đấu kiên cường, bất khuất của anh hùng, liệt sĩ Trần Quang Đắp trưng bày tại Bảo tàng Quân đoàn 4.
Trong số những tác phẩm tranh ông tặng và tranh lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 4, có bức tranh “Chết đứng còn hơn sống quỳ” (gia đình liệt sĩ tặng). Tranh sơn dầu,vẽ lại cảnh tra tấn của địch đối với Anh hùng liệt sỹ Trần Quang Đắp, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, ngày 21/11/1967 tại Làng 5, Hớn Quản, thuộc tỉnh Bình Phước. Đây làđmột trong những tác phẩm gây xúc động mạnh tới khách tham quan. Mặc dù ông không chứng kiến sự hy sinh cao cả của liệt sĩ, nhưng qua lời kể lại của đồng đội, ông đã phác họa lại “hành động anh hùng” của liệt sỹ Trần Quang Đắp bằng tài năng nghệ thuật của mình.Tác phẩm đã truyền tải được những thông điệp thể hiện gương anh dũng hy sinh, khí tiết gan dạ, kiên trung tuyệt đối trung thành của liệt sĩ Trần Quang Đắp với Đảng, với nhân dân. Ngoài mặt trận, hình ảnh chiến sĩ nuôi quân chăm lo từng bữa ăn cho bộ đội cũng được họa sĩ ghi lại một cách chân thật nhất. Điển hình có bức tranh “Nắm cơm mang ra trận địa đường 13, chiến dịch Nguyễn Huệ”. Trong suốt 150 ngày đêm chiến đấu phòng ngự ở khu vực xa hậu phương, đời sống bộ đội vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, Sư đoàn 7 đã có chủ trương và biện pháp khai thác hậu cần, kỹ thuật tại chỗ cũng như vùng mới giải phóng để duy trì sức chiến đấu cho bộ đội. Việc bảo đảm ăn uống hàng ngày cho bộ đội do từng đại đội tổ chức, có một bữa cơm nóng, hai bữa cơm nắm. Việc đưa cơm, nước ra chốt thực hiện vào buổi tối; từ 3 – 4 ngày mỗi người có một lượt tắm giặt do bộ phận tiếp cơm trực tiếp gánh nước ra trận địa và mang quân áo về phía sau giặt. Các chiến sĩ hậu cần đã thể hiện tình yêu thương đồng chí, đồng đội, không quản ngại hy sinh, gian khổ vượt qua sự đánh phá ác liệt của địch để đưa cơm đến tận chiến hào cho từng chiến sĩ.
Với khẩu hiệu “tất cả giành cho trận tuyến”, anh nuôi Xa Văn Ngũ thuộc Đại đội 6 đã vượt qua bom đạn ác liệt của địch hàng ngày để mang cơm, nước, báo chí rồi cáng thương, giặt quần áo cho đồng đội. Cảm kích trước tinh thần vì đồng đội của Xa Văn Ngũ, họa sỹ Võ Xưởng đã ký họa bức tranh “Xa Văn Ngũ – Anh nuôi Đại đội 6” trong tư thế trườn tiến về phía trước, mặt ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, cương trực, tay xách thùng đựng khẩu phần ăn cho bộ đội ngoài trận địa.
Bức tranh “Trạm Quân y trung chuyển”
Trong chiến đấu, công tác cứu chữa thương bệnh binh của đội ngũ y, bác sĩ luôn được chú trọng, giải quyết và điều trị kịp thời, đạt hiệu quả, giảm tổn thất thương vong. Đặc biệt, trong chiến dịch Nguyễn huệ, phải đối đầu với kẻ địch mạng hơn ta gấp nhiều lần, chiến trường hết sức khốc liệt, bộ đội ta thương vong nhiều nên quân y Sư đoàn 7 phải lập các trạm trung chuyển để cứu chữa kịp thời cho thương binh ngoài trận địa. Thấm nhuần câu nói của Bác “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đội văn công Sư đoàn 7 đã xuống từng đơn vị biểu diễn văn nghệ phục vụ để cổ vũ, động viên tinh thần cho bộ đội sau mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch. Họa sĩ Võ Xưởng đã ký họa lại không khí tập dượt hăng say trước giờ biểu diễn nhằm đem đến những tiết mục tốt nhất cho bộ đội qua bức ký họa “Văn công tập dượt trước giờ biểu diễn”. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu là nhiệm vụ đấu tranh chính trị và binh vận, Phòng Chính trị Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã chỉ đạo trung đoàn làm nhà Thông tin Văn hóa trên đường 13, đoạn bắc Bàu Chư. Ngôi nhà gỗ 4 gian, được lợp lá trung quân dựng trên một khu đất cao ráo, nhìn ra lộ 13. Tại đây trưng bày những bức tranh, hình ảnh chiến công của sư đoàn và trung đoàn từ ngày vào chiến trường miền Nam để nhân dân và binh lính ngụy vào tham quan, giúp họ hiểu đúng hơn về những chiến sĩ quân giải phóng, để họ yêu mến, tự hào hơn về lực lượng vũ trang cách mạng. Triển lãm đã thu hút nhiều bà con và cả binh lính địch nơi đơn vị đóng quân… Lấy cảm hứng từ hình ảnh người dân dừng chân vào xem triển lãm, họa sĩ đã ký họa bức tranh “Bây giờ mới hiểu những sự thật tốt đẹp của cách mạng - xem triển lãm”.
Có thể nói, bộ tranh ký họa của Họa sĩ Võ Xưởng tặng Bảo tàng Quân đoàn 4 có ý nghĩa rất sâu sắc với khách tham quan bảo tàng. Thông qua những tác phẩm tranh đang được trưng bày tại Bảo tàng đã giúp khách tham quan thấy được hình ảnh người chiến sĩ cách mạng và con người, phong cảnh của làng quê Việt Nam trong kháng chiến. Những tác phẩm đã góp phần tái hiện một cách chân thực nhất về cuộc sống và chiến đấu anh dũng, gian khổ của bộ đội Sư đoàn 7 nói riêng và của quân, dân miền Đông Nam bộ nói chung. Đây là tư liệu lịch sử vô giá, là tư tưởng tình cảm mà người họa sĩ - chiến sĩ nơi chiến trường để lại cho thế hệ hôm nay. Họa sĩ Võ Xưởng đã ghi lại cảm xúc của mình thông qua những tác phẩm hội họa, đây được xem như những thước phim sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là minh chứng góp phần khẳng định lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng những kỷ niệm hào hùng về một thời hoa lửa sẽ còn được lưu giữ mãi trong ký ức của các thế hệ Việt Nam và nơi góp phần bảo vệ, tôn vinh những giá trị còn mãi là các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.
Lê Thị Gấm – Bảo tàng Quân đoàn 4
Bài viết tiếp theo
Du lịch bằng xe đạp - thêm một sản phẩm du lịch thú vị, hấp dẫn
Giới thiệu Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”
Chương trình Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022
Bộ nhận diện thương hiệu Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022
Bài viết liên quan
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)
Hình ảnh làng nghề gốm sứ Bình Dương xuất hiện trên tờ vé số truyền thống
Huyện Bàu Bàng tổ chức Lễ tưởng niệm 61 năm ngày anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố hy sinh (18/10/1963 - 18/10/2024)