Chùa Ông Bổn Chánh Nghĩa ( Phước An Miếu)
Giới thiệu về Chùa Ông Bổn Chánh Nghĩa ( Phước An Miếu) ở Thủ Dầu Một
Hiện tại ở Bình Dương có 5 ngôi miếu Ông Bổn (mà dân quen gọi là chùa). Đó là chùa Ông Bổn Chánh Nghĩa (Phước An miếu), miếu Ông Bổn Bà Lụa, miếu Ông Bổn chợ Búng, Miếu Ông Bổn Lái Thiêu và miếu Ông Bổn Tân Phước Khánh (Tân Phước Khánh Nghĩa đường) của họ Lý, họ Vương dòng Phước Kiến. Miếu Ông Bổn Chánh Nghĩa tọa lạc ở khu phố 7, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Miếu có diện tích không lớn, chừng 4m (ngang) và 5m (dài). Mái lợp ngói âm dương, trên có hình lưỡng long tranh châu. Đao mái gắn những con nghê trong rất sinh động. Chất liệu xây miếu là gạch, xi măng, đá rửa mài nhẵn sơn hồng. Theo các vị cao niên thì miếu Phước An được xây dựng vào năm 1906.
Đối với người Hoa, Ông Bổn có nghĩa là “Ông tổ”, “Bổn” có nghĩa là gốc. Ông Bổn chỉ là một biểu tượng, không phải là một nhân vật cụ thể. Đa số người Hoa đều quan niệm rằng “Ông Bổn” là “Phước Đức Chánh Thần”. Tuy nhiên mỗi bang người Hoa đều có những quan niệm và tín ngưỡng riêng về Ông Bổn. Người Hoa (gốc Phúc Kiến) ở Chợ Lớn đã cụ thể hóa “Ông Bổn” là Châu Đạt Quan – Một vị quan đời Nguyên. Người Hoa gốc Triều Châu, Hải Nam ở miền Tây Nam bộ lại cụ thể hóa là Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa – Người đời Minh. Người Triều Châu (ở Hội An) cụ thể hóa là Phục Ba Tướng quân Mã Viện. Người Quảng Đông ở Chợ Lớn cho Ông Bổn của họ là Thần Thổ Địa… nhưng những người Hoa họ Vương gốc Phúc Kiến ở Bình Dương cho rằng Ông Bổn của họ là Huyền Thiên Thượng Đế và họ Lý (gốc Triều Châu) cho Ông Bổn của họ chính là Ông tổ họ Lý.
Bàn thờ chính điện chia thành hai tầng để đặt các bức tượng cao chừng 4-5 tấc. Phía trước là bàn bày biện khí tự và các vật phẩm dâng cúng. Miếu Phước An, hay như cách gọi của người dân địa phương là chùa Ông Bổn họ Lý phường Chánh Nghĩa, thờ Thất Phủ Vương Gia Công, hay Thất Phủ Đại Nhân. Đây là đối tượng thờ chính của miếu, được đặt trang trọng ở bàn thờ cao nhất.
Chính điện Phước An miếu có 7 tượng chân dung. Đây là Thất Phủ Đại Nhân, là bảy thánh nhân đứng đầu bảy phủ mang họ: Tiêu, Chu, Triệu, Châu, Lý, Lịch và Quách, trong đó phủ đại nhân họ Tiêu được xem là "lớn nhất", giữ vị trí trung tâm. Tương truyền thất đại nhân là bảy vị quyền cao chức trọng ở Phúc Kiến, được vua phong sắc, trao cho quyền tiền trảm hậu tấu, nhưng khi hỏi về lai lịch cụ thể của mỗi vị thì không ai biết và cũng chưa thấy có tài liệu nào ghi lại rõ ràng. Phía trên các tượng thờ có đại tự ghi hai chữ "Hiển Hách", và các bức hoành bày tỏ ước vọng của người dân, như "Phong điều vũ thuận", "Quốc thái dân an",...
Phía trước miếu, hai bên cửa có kiệu ông. Kiệu được đóng bởi những gỗ to bản ghép lại, tương tự ghế ngồi, được sơn đỏ. Vào ngày lễ, ghế được dán bùa. Trên ghế có bàn chông sắt sắc nhọn, nơi đặt hai chân cũng có bàn chông. Hai tay vịn của ghế, phía sau dựa lưng đều có các thanh gươm rất sắc, sáng quắc. Trong quá trình tổ chức lễ hội nếu có người lên cốt (do một vị thần nào đó nhập vào) người đó sẽ ngồi lên kiệu, coi hát… nhưng không bị đứt bởi gươm hay chảy máu vì các bàn chông sắc nhọn.
Bên trái và ngay cạnh miếu Phước An là từ đường (nhà thờ) họ Lý. Trước từ đường có bức hoành lớn khắc bốn chữ "Lý Thị Gia Miếu" (tức là miếu thờ gia tộc họ Lý). Trong từ đường có ba bàn thờ. Chính giữa là bàn thờ Lý Lương Phát, được xem là ông tổ họ Lý, quê Phúc Kiến, cách nay 20 đời. Bên phải bàn thờ Lý Lương Phát là bàn thờ dòng tộc họ Lý ở Bình Dương. Bên trái là bàn thờ Phước Đức Chánh Thần. Người Hoa ở Chánh Nghĩa quan niệm Phước Đức Chánh Thần của họ là thổ thần, là Ông Địa, tức là thần đất đai nơi cư trú.
Phía trước miếu Phước An, vào dịp đại lễ ba năm một lần người ta dựng một sân khấu để biểu diễn tuồng. Đây là sân khấu tạm, có thể tháo dỡ, không làm cố định như võ ca trong đình miếu của người Việt. Miếu Phước An được quản lý bởi một Ban trị sự gồm 12 người do con cháu trong dòng tộc bầu vào dịp tổ chức lễ hội ba năm một lần.
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy