Địa đạo Tam Giác Sắt hay còn có tên là địa đạo Tây Nam là một di tích lịch sử nổi tiếng ở thành phố Bến Cát của tỉnh Bình Dương. Địa chỉ của nơi này ngày nay nằm ở tỉnh lộ 744, khu phố Lồ Ồ, phường An Tây, thành phố Bến Cát, tình Bình Dương. Di tích này đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 18/3/1996.
Địa đạo Tam giác sắt - Tây Nam Bến Cát xưa nằm trên vùng đất 3 xã gồm An Điền, An Tây và Phú An. Địa đạo có vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình độc đáo được xây dựng từ năm 1948, với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau như một “Làng ngầm” kỳ diệu. Địa đạo Tây Nam Bến Cát giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, vừa làm nơi ăn, ở, sinh hoạt và phòng tránh bom đạn an toàn cho nhân dân, vừa là nơi đóng trụ sở của chính quyền địa phương lãnh đạo quân dân chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến thắng lợi của quân dân cả nước.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trước đây, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm được nổi danh với chiến khu An Thành. Thuở đó, An Thành đã từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu Bộ Miền Đông, Xứ ủy Nam Bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Điều đặc biệt và lý thú là vào năm 1948, hệ thống địa đạo đầu tiên xuất hiện từ vùng đất này. Sau đó năm 1960, du kích Củ Chi đến học tập kinh nghiệm và xây dựng hệ thống địa đạo ở địa phương mình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần càn quét nhưng chúng không khuất phục nổi lòng dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở Miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở cuộc càn Ce-da-phôn (2/1-21/1967) với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân Bến Cát lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng, Mỹ phải rút lui với sự thất bại thảm hại là 3.200 tên Mỹ ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy. Trong trận này nổi lên anh hùng bắn tỉa: Nguyễn Văn Đực, chỉ 10 viên đạn tiêu diệt 9 tên xâm lược, hoặc Võ Thị Huynh, anh hùng lực lượng vũ trang từng lăn mình dưới làm bom đạn để chăm sóc, bảo vệ thương binh. Sau những thất bại liên tiếp, kẻ thù đành bất lực, chúng phải gọi vùng này là vùng “Tam giác sắt”.
Di tích địa đạo Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát là biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến của quân và dân Bến Cát nói riêng, Bình Dương nói chung. Với phương tiện thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ky xúc đất bằng tre, quân và dân 3 xã Tây Nam đã tạo nên công trình đồ sộ với hàng trăm con đường hầm ngang dọc trong lòng đất, nối liền các xã với nhau. Hệ thống địa đạo dài gần 100 km, khoảng 50 ô ụ chiến đấu và nhiều hầm để trú ẩn, cứu chữa thương binh, dự trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm.
Khuôn viên di tích hiện nay có diện tích khoảng 27 ha, gồm các hạng mục công trình như: nhà tưởng niệm, đài vọng cảnh, mô hình địa đạo, nhà trưng bày, khu tượng đài trung tâm, khu cây xanh, vườn hoa,... và đã trở thành địa chỉ đỏ quen thuộc của Bến Cát nhất là trong những hoạt động du lịch về nguồn, sinh hoạt truyền thống,...
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy