Di tích lịch sử Làng cao su thời Pháp thuộc ở huyện Dầu Tiếng

Di tích lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc hiện tọa lạc ở ấp Hiệp Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Di tích thuộc lô 50 của Nông trường Cao su Trần Văn Lưu, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và di tích đã được công nhận Di tích văn hóa cấp Tỉnh vào ngày 01/04/2009 và được trùng tu xây dựng với diện tích 6,9 ha; khánh thành vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty (21/5/1981 – 21/5/2011) và đón khách cho đến nay.

Công ty các đồn điền cao su Michelin (Société des Plantations et Pneumatiques Michelin au Vietnam) thành lập năm 1917. Trụ sở công ty được đặt tại Dầu Tiếng. Chủ công ty là một người Pháp có tên De Lafon. Thời ấy trong tay ông có 10.000 ha cao su mà đa số tập trung ở Dầu Tiếng. Một nhà máy sản xuất vỏ ruột (săm lốp) xe hơi và xe đạp được xây dựng tại đây để sử dụng nguồn nguyên liệu cao su tại chỗ. Theo tài liệu của Hội khoa học lịch sử Bình Dương, những năm đầu mới thành lập, công ty Michelin sử dụng lao động nhàn rỗi tại chỗ nên thời gian làm việc không ổn định. Những ngày giáp hạt, thiếu ăn nông dân vào đồn điền làm công. Đến mùa vụ họ trở về với mảnh đất khu vườn của gia đình để tiếp tục kế sinh nhai. Từ những năm 1925, hàng nghìn người lao động được đưa đến để cạo mủ, có thời cao điểm lên đến hàng trăm nghìn người. Công việc chính của họ là khai phá đất rừng, cạo mủ... và phục vụ nhà máy sản xuất lốp xe.

Với số lượng phu đông, để quản lý, chủ hãng Michlin đã chia đồn điền thành 22 làng. Cuộc sống của người phu cao su trong 22 làng này vô cùng cơ cực. Ngoài việc chịu đựng sự bóc lột, đánh đập của chủ đồn điền, người phu cao su còn phải chịu thêm sự khắc nghiệt của vùng rừng thiêng nước độc. Những lần đình công, đấu tranh để chống sự bóc lột, đánh đập của chủ các đồn điền, đòi ngày làm 8 giờ, chống chế độ gạo mục cá thối, bảo đảm tiền lương liên tục xảy ra. Tháng 3/1933, hơn 2.000 công nhân mang theo dao, gậy làm vũ khí tiến hành đình công. Cuộc đình công kéo dài mấy ngày liền, vườn cây bị bỏ hoang, nhà máy bị đình trệ sản xuất. Chủ đồn điền không còn cách nào khác nên phải nhượng bộ và hứa sẽ thỏa mãn những yêu sách do công nhân đưa ra. Năm 1936, hàng nghìn công nhân làng một và làng 14 đã đứng dậy chống lại việc quản lý hà khắc, bóc lột kiệt quệ của chế độ cai trị. Cuộc đấu tranh đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân ở Dầu Tiếng. 

Di tích lịch sử Làng cao su thời Pháp thuộc được chia thành nhiều khu trưng bày với các hiện vật có giá trị được sưu tầm nguyên bản, bao gồm: 3 căn nhà ở của phu mủ cao su ngày trước với hai căn xây bằng đá, căn còn lại xây bằng gạch được hoàn thành vào những năm 1925 – 1935. Ngoài ra, ở đây vẫn còn đó một nhà máy chế biến mủ tờ dời từ phần của nhà máy trung tâm do người Pháp để lại ngày trước cùng một máy bửa củi. Ngoài ra, khu vực nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật như khuôn đúc làm tô mủ, thùng trút mủ vào thời kỳ trước cũng xuất hiện tại đây. Du khách khi đến đây sẽ nhìn thấy vô số hình tượng người công nhân với tư thế đứng cạo mủ, tay xách thùng cùng những dụng cụ lao động thô sơ khác. Bên cạnh đó, ở đây còn tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt trong nếp sống thường ngày của người công nhân một cách sinh động. 

Di tích lịch sử Vườn cao su thời Pháp thuộc là một di tích lịch sử, địa chỉ đỏ mà bạn không nên bỏ qua. Nơi đây đã chứng kiến những tháng ngày đen tối và khốn khổ đến cùng cực của những kiếp người nhỏ bé, thân phận đầy cực khổ, đắng cay của những người phu cao su. Đến với Dầu Tiếng, bạn nhất định phải một lần ghé đến di tích này để hiểu rõ hơn về lịch sử và thêm yêu quê hương, đất nước.

 

Ảnh : Tổng hợp

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy