Tân Uyên là vùng đất có nhiều ngôi đình cổ gắn với quá trình khai ấp, lập làng. Trên Cù Lao Rùa (tức xã Thạnh Hội ngày nay) có một ngôi đình cổ tên là Đình Nhựt Thạnh. Đình Nhựt Thạnh thuộc ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3912/QĐ-UBND ngày 27/12/2019.
Đình Nhựt Thạnh được xây dựng vào khoảng năm 1848. Theo các vị cao niên trong làng, ban đầu đình được làm bằng gỗ tạp, mái lợp lá, vách bằng nan tre, nền đất. Sau đó, bà con trong làng cùng nhau góp công, góp của xây dựng đình với kiểu kiến trúc ba gian hai chái. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số ngôi đình ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa bị thực dân Pháp chiếm đóng dùng làm đồn bót hoặc là nơi phục vụ cho hoạt động quân sự của chúng. Vì vậy, bà con làng Nhựt Thạnh đã tháo dỡ ngôi đình, khi chiến tranh tạm thời lắng xuống mới dựng lại ngôi đình với những gì đã có sẵn trên nền đất cũ. Đình Nhựt Thạnh trải qua nhiều lần tu bổ, lần lớn nhất là vào năm 1957. Đến năm 1970 xây dựng thêm nhà túc và năm 2018 tu bổ lại mặt chánh diện ngôi đình như hiện nay.
Đình Nhựt Thạnh thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban tặng sắc phong vào năm 1852 nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại đình từ khi được ban cho đến nay. Ngoài việc là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng.
Về tổng thể đình Nhựt Thạch có tổng diện tích 10.326,3m2, trong đó ngôi đình có kiến trúc theo lối kết hợp giữa ngôi nhà ba gian và nhà tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu, với diện tích 247,3m2. Chánh điện đình gồm hai ngôi nhà: một ngôi nhà ba gian phía trước, một ngôi nhà tứ trụ được sắp liền kề, giàn khung rường hoàn toàn bằng gỗ, tường bao quanh được xây bằng gạch. Phía trên mái được lợp bằng ngói móc. Mặt tiền trang trí nhiều hình ảnh đẹp như rồng, hổ… và được cẩn nhiều dĩa gốm cổ tạo nên vẻ đẹp độc đáo, cổ kính của ngôi đình. Tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng và cẩn ốc có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững lâu dài, xưng tụng công đức của bậc tiền nhân và thần thánh. Cách trang trí chạm trổ trên các bao lam, đề tài qua hình tượng các vật linh làm nổi bật lên sức mạnh quyền lực của rồng, sự sang trọng của phụng, mạnh mẽ của lân và phúc thọ của hạc trên lưng rùa, tất cả đều thể hiện vẻ tôn nghiêm cổ kính. Qua đó thể hiện được bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân ở địa phương.
Trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngôi đình vừa là nơi chiến sĩ cách mạng tổ chức rèn luyện chiến đấu, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương trên vùng đất cù lao được bao quanh bởi dòng sông Đồng Nai. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, về cơ bản đình Nhựt Thạnh hiện nay vẫn giữ và duy trì được phần lớn những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và những lễ hội truyền thống của địa phương: lễ kỳ yên diễn ra vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm (đây là lễ hội chính trong năm của đình) và lễ hội kỳ bông diễn ra ngày 15 tháng 8 âm lịch. Ngoài ra, vào dịp rằm hàng tháng, người dân quanh vùng thường đến thắp hương, dâng cúng đình lễ vật chủ yếu là trái cây, hoa quả.
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy