Đình thần Bưng Cù ở Tân Phước Khánh
Giới thiệu đình thần Bưng Cù ở thành phố Tân Uyên
Đình Bưng Cù mà người dân quen gọi là Miếu Ông Cù được xây dựng vào khoảng năm 1850 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này lập nghiệp. Vào năm 1852, vua Tự Đức đã ban sắc phong “công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng” để nhân dân thờ tự. Ngôi đình này là nơi hình thành và phát triển môn võ cổ truyền Tân Khánh - Bà Trà còn lưu truyền đến tận ngày nay. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đình đã được tôn tạo và tu sửa nhiều lần, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương.
Đình thần Bưng Cù có nhiều tên gọi, mỗi tên gọi của đình đều bắt nguồn từ những nguyên do riêng và gắn liền với những giai đoạn lịch sử.
* Miếu Ông Cù: Tên gọi này vẫn còn rất phổ biến và nó trở thành một mốc địa danh để xác định vị trí địa lý vùng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn, Thái Hòa. Trước kia đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ được dân làng lập lên để thờ con vật có tên “con Cù”, gọi là Miễu Ông Cù.
* Đình Bưng Cù: Tên gọi này bắt nguồn từ Miễu Ông Cù được ông quan tổng Nguyễn Văn Thu người vùng chợ Tân Khánh và bà con 2 làng Tân Khánh và Phước Lộc xây lại một ngôi đình rộng rãi, khang trang hơn để thờ thần, thánh, tổ tiên, các bậc tiền bối.
* Đình Tân Phước Khánh:Tên gọi đặt theo tên phường Tân Phước Khánh. Đình thuộc làng Tân Khánh – Bà Trà, tổng Bình Thiện, huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Nay là thị trấn Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Năm 1926, làng Tân Khánh và làng Phước Lộc sát nhập thành một và lấy tên là Tân Phước Khánh.
Đình thần Bưng Cù hiện tại nằm trên khuôn viên đất có diện tích 6261.5 m2, địa hình cao ráo thoáng mát, xung quanh có nhiều cây xanh. Bao quanh khuôn viên của đình được xây dựng tường rào kiên cố. Đình nằm quay mặt về hướng Đông trước mặt là tuyến đường DH402 . Toàn bộ khuôn viên của đình gồm các hạng mục công trình như: Chánh điện , nhà võ ca, nhà thờ tổ, đông lang, văn bia liệt sĩ, miếu thờ bạch mã, bình phong và cổng đình.
Cổng đình nằm hướng Đông phía trước đình, được xây dựng bằng vật liệu như gạch trát xi măng rộng 5 mét, cao 4 mét. Cổng được xây dựng theo kiến trúc cổng tam quan truyền thống như ở hầu hết các đình làng Nam bộ. Phần phía trên cổng là bảng bê tông phía trên là dòng chữ “ Đình Thần Bưng Cù” đắp nổi màu vàng trên nền những ô vuông màu đỏ kiểu tiếng việt cách tân theo lối viết thư pháp. Phía dưới là bảng chữ hán 亭神新福慶: Đình thần Tân Phước (Phúc) Khánh. Trên đỉnh mái cổng đỉnh trang trí hình tượng lưỡng long chầu nhật bằng gốm màu xanh ngọc, trên các trụ cột trang trí hình tượng nghê bằng gốm.
Ngay phía sau cổng vào đình là bức bình phong hình Hổ trên có ghi năm xây dựng ( 10/7/1970) nằm án ngự ngay trước đình. Bức bình phong được xây bằng đá, gạch trát xi măng màu xanh cao 1.5 mét, rộng 2.5 mét, với hình tượng núi, rừng cây và hình ông Hổ oai nghiêm sơn màu vàng nhìn rất cổ kính.
Tiếp theo bình phong là khu vực nhà võ ca, được xây dựng năm 2011 nhằm mục đích là nơi tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ của đình và là nơi tổ chức hoạt động đờn ca tài tử trong ngày hội đình. Nhà võ ca có diện tích 6m x 8m, nền láng xi măng, các cột được đúc bằng bê tông, vì kèo bằng gỗ và mái lợp tôn.
Phía bên trái lối vào chánh điện chính là khu nhà bia Tổ Quốc ghi công xây dựng năm 2013, có diện tích 3m x 3m, xậy bằng gạch, xi măng, mái lợp tôn nền lát gạch men. Hai trụ tròn phía trước đắp nổi hình tượng rồng màu vàng rất trang nghiêm. Nơi đây có án thờ và bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Tân Phước Khánh đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Kế tiếp nhà bia Tổ Quốc ghi công là bàn thờ Thần Nông trên có đặt bài vị có chữ Thần Nông ghi bằng chữ hán. Bên cạnh là am thờ Chúa Xứ xây bằng gạch trát xi măng, mái đúc bằng bê tông có diện tích 1m 2 bên trong có đặt bài vị ghi主處: Chúa Xứ. Đối diện với am thờ Chúa Xứ , phía bên phải là am thờ chiến sĩ trận vong, nơi đây có đặt án thờ có bài vị chữ hán ghi: 戰仕陣亡 (Chiến sỹ trận vong). Kế bên là Miếu thờ Bạch Mã Thái Gíam, miếu cũng được xây với diện tích nhỏ, bằng gạch, xi măng, mái đúc bằng bê tông, trong có đặt án thờ có bài vị chữ chữ hán ghi: 白馬太監 (Bạch Mã Thái giám). Theo như lời các cao niên thì đây là phương tiễn đi lại của Thần thành hoàng nhưng qua nghiên cứu sử liệu thì Bạch Mã
Về kiến trúc, đình thần Bưng Cù không có kiểu kiến trức chữ nhất (一), nhị (二), tam (三) hay chữ đinh (丁) truyền thống mà có kiểu kiến trúc chữ khẩu (口). Đây là kiểu kiến trúc mà hầu hết các hạng mục đều được bố trí xung quanh khoảng sân đình, tạo thành 1 kiểu kết cấu liền kề. Nhìn tổng thể, gian Chánh điện khá nhỏ, kết cấu chủ yếu là gạch, xi măng, sắt thép. Mái đình không thoải và dốc như hầu hết các ngôi đình khác ở Nam Bộ, nhìn tổng thể mái có dạng hình vuông (chữ khẩu 口), dạng mái chồng. Đình có hai mái chồng lên nhau, được lợp ngói tây, trên đỉnh trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu. Đình thần Bưng Cù không có kiến trúc bằng gỗ như hầu hết các đình làng khác ở Bình Dương, các cột tròn, vì kèo được đúc bằng bê tông cốt thép kiên cố kết hợp với dui mè bằng gỗ. Các bàn thờ được xây bằng xi măng, bài vị được trang trí sơn màu, tuy không có gì đặc sắc song toát lên vẻ cẩn thận, chu đáo và rất gọn gàng, sạch sẽ. Giữa gian chánh điện là 4 trụ cột tròn bằng bê tông cốt thép được sơn đỏ, nâng đỡ toàn bộ mái đình. Trên bốn cột được trang trì hình tượng rồng sơn vàng đắp nổi uốn lượn quanh trụ từ trên xuống.
Phía trước bàn thờ thần Hoàng là bàn thờ Lạc Long Quân, người có công khai sinh ra nước Văn Lang tiền thân cỉa nước Việt Nam ngày nay. Trên bàn thờ có đặt di ảnh của ông với dòng chữ “QUỐC TỔ LẠC LONG QUÂN”. Hai bên đặt cặp hạc chầu bằng gốm và bộ binh khi bằng gỗ. Hai bên điện thờ thần hoàng là các án thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban là những người có công khẩn hoang, kiến thiết làng xã, quê hương, phò tá cho thần. Các bàn thờ đều được xây bằng xi măng sơn màu. Trên có bài vị chữ Hán. Cuối cùng trong chánh điền là điện thờ Thần hoàng được xây bằng xi măng, Trên phần tường sơn màu đỏ, chữ thần được đắp nổi bằng xi măng sơn màu vàng. Phía dưới bài vị Thần có đặt bộ binh khí bằng kim loại. Phía trước điện thờ thần được trang trí các họa tiết hoa văn, bao lam và hình tượng rồng đắp nổi, sơn phết màu . Phía trước điện thờ là bàn thờ thần, nơi đặt lễ vật cúng thần. Hai bên có cặp Hạc chầu, hai hàng binh khi và bộ lọng bằng vải đỏ trang trí rồng, phượng làm tăng thêm vẻ uy nghi và hoành tráng cho điện thờ thần hoàng. Bên phải chánh điện là Đông lang, hay còn gọi là nhà khách của đình, nơi phục vụ cho việc tiếp khách, sinh hoạt ăn uống của dân làng vào mỗi dịp cúng đình. Nhà đông lang được xây dựng năm 1995, xây bằng gạch, đá, xi măng, mái lợp ngói vảy cá, có diện tích khoảng 50 m2. Bên phải là khu đền thờ, xây dựng năm 2015. Nơi đây đặt án thờ của các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Âu Cơ Thánh Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ và tổ nghề của môn võ Tân khánh Bà Trà.
Đình thần Bưng Cù là một trong những ngôi đình được hình thành trên địa bàn tỉnh Bình Dương gần 200 năm. Đình không còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc truyền thống của đình làng truyền thống nhưng những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy. Tại đây có lễ hội Kỳ Yên được tổ chức mỗi năm một lần, cứ 03 năm tổ chức lễ hội một cách trọng thể với nhiều nghi thức trang trọng như: lễ cúng yết; lễ đại bội các vị thần linh, Tổ nghề nghiệp, tiền hiền, hậu hiền; lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa thu hút đông đảo người dân và khách thập phương đến với lễ hội. Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, ngày 28 tháng 11 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 3278/QĐ-UBND xếp hạng di tích Đình Bưng Cù là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy