Khám Phá Vẻ Đẹp Văn Hóa: Các Làng Nghề Truyền Thống Tại Bình Dương

Bình Dương vốn được biết đến với các công xưởng nhộn nhịp, không chỉ là trung tâm công nghiệp phát triển mà đây còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, các làng nghề lâu đời. Một số làng nghề truyền thống lâu đời nổi tiếng tại tỉnh như:

Làng Gốm Lái Thiêu

Làng nghề gốm sứ Lái Thiêu là một biểu tượng không thể thiếu khi nhắc tới gốm sứ miền Nam, một thời kỳ vàng son lẫy lừng. Tên gọi “gốm Lái Thiêu” đã trở nên quen thuộc trong lịch sử, tượng trưng cho các sản phẩm gốm được tạo ra tại những địa danh như Lái Thiêu, Chòm Sao, Bà Lụa và Tân Phước Khánh.

Dòng gốm Lái Thiêu bắt đầu hình thành từ năm 1860 khi những người Hoa gốc Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến đến định cư và mang theo nghề gốm truyền thống của họ. Với kỹ thuật làm gốm tinh tế các sản phẩm gốm Lái Thiêu trở nên mộc mạc, gần gũi và giá cả hợp lý, phục vụ tốt nhu cầu thị trường. Vào thời kỳ hoàng kim, gốm Lái Thiêu xuất hiện khắp nơi trong đời sống thường nhật của các gia đình. Không chỉ nổi bật trong thị trường Nam Kỳ lục tỉnh, gốm Lái Thiêu còn vươn xa ra Quốc tế, xuất khẩu hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, sự phát triển của quá trình đô thị hóa nghề gốm không còn như thời hoàng kim, song những người làm nghề ở Lái Thiêu vẫn giữ ngọn lửa đam mê với nghề như một phần không thể phai mờ của văn hóa địa phương. Nghề gốm Bình Dương được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2021, mang đến nguồn động lực lớn cho những người tâm huyết với nghề gốm.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tại Bình Dương là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước, được biết đến như cái nôi nghệ thuật sơn mài của tỉnh. Với hơn 100 năm hình thành và phát triển, nghề sơn mài không chỉ lưu giữ mà còn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đến năm 2016 nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 

Trải qua bao thăng trầm và sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, số lượng hộ gia đình, cơ sở và doanh nghiệp sản xuất sơn mài tại Tương Bình Hiệp có giảm so với trước. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn bền bỉ tồn tại và không ngừng đổi mới, cải tiến các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thật vậy không thể phủ nhận sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đã trở thành lựa chọn hàng đầu của khách du lịch, góp phần quảng bá văn hóa và du lịch địa phương.

Làng nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ Thủ Dầu Một

Với bề dày lịch sử phát triển hơn 200 năm, Làng nghề chạm trổ và điêu khắc gỗ tại Thủ Dầu Một là một trong những cái nôi của nghề mộc Nam Bộ. Đến nay, các cơ sở sản xuất điêu khắc gỗ thường tập trung chủ yếu ở phường Phú Thọ và phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một. Các sản phẩm của làng nghề rất đa dạng, bao gồm tượng Phật, tượng Di Lặc, mục đồng, tiều phu, … và nhiều mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Dù có nhiều thách thức, song làng nghề chạm trổ các nghệ nhân vẫn không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.

Làng nghề mây tre đan Tân Uyên

Làng nghề mây tre đan ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương là điểm đến làng nghề nổi bật. Tại đây, các sản phẩm như thúng, mẹt, quạt, lẵng hoa quả, lồng bàn, và thậm chí cả hoành phi, câu đối đều được làm từ mây, tre một cách khéo léo và tinh xảo. Những sản phẩm mây tre đan không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà còn mang đậm nét văn hóa bình dị, thân thương của người dân Nam Bộ.

Sản phẩm mây tre đan Tân Uyên phong phú và đa dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu trong đời sống hàng ngày. Ngày nay có rất nhiều sản phẩm hiện đại, sang trọng có thể thay thế được, nhưng mây tre đan của Tân Uyên vẫn giữ được chỗ đứng vững chắc. Các sản phẩm mây tre đan không chỉ phục vụ người dân trong vùng mà còn thu hút du khách thập phương. Sau mỗi chuyến du lịch, khách thường chọn mua những món đồ thủ công đặc trưng này làm quà tặng.

Làng nghề guốc

Khi nhắc đến các làng nghề truyền thống ở Bình Dương, không thể nào không nhắc đến làng nghề guốc. Nghề guốc truyền thống có từ hàng trăm năm nay tại Bình Dương.

Những đôi guốc được chế tác công phu, từ việc chọn loại gỗ thích hợp, cắt, đục, đến việc mài, đánh bóng và trang trí, mỗi đôi guốc mộc đều thể hiện sự tỉ mỉ và tinh tế. Guốc mộc thường được sử dụng từ gỗ nhẹ, bền như gỗ mít, gỗ xoan để tạo sự thoải mái cho người mang. Trên mỗi đôi guốc còn được trang trí hoa văn hoặc sơn màu rực rỡ, mang đến vẻ đẹp vừa giản dị, vừa thu hút. Đến với làng nghề guốc du khách sẽ được lựa chọn nhiều loại guốc khác nhau như: Guốc sơn, guốc mộc, guốc vẽ khắc hoa văn, thêu tay, sơn mài hay kết cườm…

Trong thời ngày nay các loại giày dép công nghiệp đã dần thay thế guốc mộc, nhưng làng nghề Bình Dương vẫn tiếp tục duy trì và phát triển để đáp ứng nhu cầu của những người yêu thích nét văn hóa truyền thống.

Bình Dương không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, nhưng vẫn nỗ lực bảo tồn và gìn giữ nét đẹp của các làng nghề truyền thống. Dù không còn phồn thịnh như xưa, các làng nghề vẫn được chăm chút, duy trì và thay đổi để phù hợp với cuộc sống ngày nay. Các làng nghề truyền thống tại đây không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa lâu đời mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương. Hãy đến và trải nghiệm nét đẹp độc đáo, cảm nhận sự sống động và ý nghĩa sâu sắc của văn hóa Bình Dương!

TTXTDL - Ngọc Ánh