Nhắc đến người Chăm và dấu ấn văn hóa Chăm, đại đa số chúng ta sẽ nghĩ đến ngay khu vực miền Trung đặc biệt là các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hay ở Đồng bằng sông Cửu Long thì nổi bật là tỉnh An Giang. Bình Dương cũng là một tỉnh có sự đa dạng về thành phần các dân tộc sinh sống và trong đó có một bộ phận nhỏ người Chăm. Cộng đồng người Chăm tại Bình Dương sinh sống chủ yếu tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa thuộc huyện Dầu Tiếng. Thánh đường Al Muttaqin không chỉ là nơi sinh hoạt, thực hành các nghi lễ tôn giáo (cụ thể là Hồi giáo) mà còn là điểm nhấn thể hiện dấu ấn văn hóa Chăm – một yếu tố làm nên sự đa dạng văn hóa của tỉnh Bình Dương.
Theo bài viết “Văn hóa Chăm Bình Dương: Sự pha trộn giữa tôn giáo Islam và văn hóa bản địa” của tác giả Nguyễn Quốc Liêm đăng trên tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật thì cộng đồng người Chăm nơi đây có khoảng 100 hộ dân với khoảng 400 người. Người Chăm tại xã Minh Hòa chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt cây công nghiệp như cao su, điều, và hoa màu ngắn ngày, một số hộ đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng. Họ thường ít tham gia vào công việc kinh doanh mua bán, dịch vụ, và nếu có cũng chỉ trong cộng đồng với nhau. Hầu hết người Chăm ở đây đều có quê gốc ở An Giang di cư lập nghiệp từ năm 80, 90 của thế kỷ trước với mong muốn có cuộc sống mới tốt hơn. Bên cạnh đời sống văn hóa vật chất thì đời sống văn hóa tinh thần mà trong đó tâm linh cũng là một phần không thể thiếu đối với mỗi cộng đồng dân tộc và người Chăm ở đây cũng không ngoại lệ. Người Chăm ở đây theo Hồi giáo và thánh đường (Masjid) chính là nơi sinh hoạt, thực hành các nghi lễ tôn giáo của họ. Bên trong khu vực mà cộng đồng người Chăm sinh sống thường sẽ có một hoặc nhiều thánh đường lớn nhỏ. Tại Minh Hòa, người Chăm đã xây dựng được ngôi thánh đường cho riêng mình từ năm 2007, tên Al Muttaqin.

Masjid Al Muttaqin tại Dầu Tiếng có quy mô, diện tích khá khiêm tốn nhưng không vì thế mà thiếu đi những dấu ấn đặc trưng của nhà thờ Islam thường thấy trên thế giới, đặc biệt là những nét kiến trúc Islam giáo như mái vòm, cửa vòm, tháp nhọn, hình trang trí ngôi sao và vầng trăng lưỡi liềm. Biểu tượng trăng lưỡi liềm tượng trưng cho Âm lịch trong đạo Hồi và ngôi sao năm cánh tượng trưng cho sự tuân theo ý của Allah. Ngôi thánh đường được sơn màu trắng, xanh lá và vàng là các màu tiêu biểu, đặc trưng của kiến trúc Hồi giáo thường thấy. Masjid Al Muttaqin tọa lạc trên mảnh đất cao với 2 hành lang rộng hai bên và nhiều cửa sổ. Nhìn từ ngoài vào, thánh đường có cổng quay về hướng Nam, cổng không bao giờ đi thẳng như các cổng làng, xây dựng như vậy với mục đích để người đến với thánh đường phải đi vòng sang trái rồi sau đó mới vào được bên trong. Đây là một nét đặc biệt bắt nguồn từ bối cảnh kiến trúc chung của người Chăm cổ. Thánh đường vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hồi giáo dù có pha trộn với phong cách hiện đại được thiết kế ở nội thất bên trong. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ nhô lên, giữa nóc có một tháp vòm bầu tròn tựa hình củ hành, nhô cao sơn màu xanh lá xen những viền vàng đan xen. Từ cửa chính của Thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu. Bên trong, Thánh đường Hồi giáo của người Chăm thường được thiết kế khá đơn giản với những hoa văn Hồi giáo với một nơi thờ Thánh Alla duy nhất cùng một cuốn Kinh thánh để ở chính giữa. Đến nay, thánh đường luôn là nơi tụ hội cầu nguyện của người Chăm trong khu vực vào ngày thứ 6 hằng tuần, trong những dịp lễ lớn còn có cả tín đồ đạo Hồi ở các địa phương lân cận như Tây Ninh, Đồng Nai đến tham dự. Ngoài các hoạt động sinh kế, thời gian còn lại trong ngày họ thường dùng cho việc thực hiện các nghi thức tôn giáo như cầu nguyện và học tập giáo lý, tiếng Ả Rập và thánh đường chính là nơi diễn ra. Người Chăm Minh Hòa tin vào Hồi giáo chính thống nhưng việc áp dụng các quy tắc tôn giáo cũng không quá khắt khe.

Nếu có dịp tới xã Minh Hòa, bên cạnh việc cắm trại ở khu vực ven hồ Dầu Tiếng thì việc khám phá, tìm hiểu thêm văn hóa cụ thể là văn hóa người Chăm cũng là trải nghiệm rất thú vị để hiểu thêm về đời sống của họ. Thánh đường Al Muttaqin sẽ là một địa điểm lý tưởng để tham quan, tìm hiểu đời sống tôn giáo của người Chăm ở Bình Dương.
Masjid Al Muttaqin (Thánh đường Al Muttaqin)
Địa chỉ: Ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương
TTXTDL - Huỳnh Trần Huy