Vườn cây Lái Thiêu và những trái cây đặc sản của Bình Dương
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương - Nơi diễn ra Lễ hội “Lái Thiêu – Mùa trái chín” hàng năm.
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu thuộc phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20km về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một 6km về phía Nam. Từ hàng trăm năm nay, Lái Thiêu đã nổi tiếng là một vườn cây ăn trái mang hương vị đặc trưng của vùng với tổng diện tích trồng cây là 1.230ha và đã trở thành điểm du lịch xanh thích hợp với mọi lứa tuổi.
Vườn cây Lái Thiêu được hình thành bởi một dòng sông chảy từ thành phố Hồ Chí Minh về tới thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương thì rẽ thành hai nhánh, tạo thành một cù lao. Đất đai và cây trái ở đây quanh năm được bồi đắp và tưới mát bởi hai nhánh sông kể trên.
Về với Lái Thiêu, khách thập phương có thể rảo bộ trên lối nhỏ dẫn vào vườn để hít căng lồng ngực hơi thở của đồng quê, tận hưởng không khí mát dịu từ những dòng sông của đồng bằng Nam Bộ. Cái thú vị đặc biệt của Vườn cây ăn trái Lái Thiêu là hương thơm hòa quyện của hàng chục loại cây trái: sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ, sa-pô-chê, mãng cầu, bòn boong… … đua nhau tỏa hương, làm cho khách thập phương đến rồi lòng không nỡ đi.
Cùng với Sài Gòn – hòn ngọc của viễn Đông, Bình Dương được mệnh danh là “công viên của xứ Nam Kỳ”, là khu vườn tự nhiên đặt cạnh phố thị Miền Đông với Sài Gòn – Gia Định. Toàn cảnh vùng cây trái trải dài ngút mắt trên một địa bàn mương rạch san sát giao nối nhau dọc theo sông Sài Gòn đến tận trung tâm của thành phố Thủ Dầu Một. Từ điều kiện tự nhiên như trên đã hình thành nên tính chất hiền hòa, mến khách, chịu thương chịu khó của người dân nơi đây, những hình ảnh ươm trồng, chăm bón, thu trái, vận chuyển, trao đổi mua bán trên sông, đón khách thăm vườn thưởng ngoạn, cho đến thực khách thập phương…Tất cả như tạo nên bức tranh về một vùng quê yên bình mang tên “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu”.
Vẻ đẹp dịu hiền của các cô con gái miệt vườn đất Thủ cùng với hương vị quyến rũ của múi Sầu riêng, trái Măng cụt đã làm say lòng những chàng trai phong nhã xứ Gia Định xưa. Họ đã không tiếc công chèo thuyền cả chục cây số đến Vườn cây ăn trái Lái Thiêu để được thưởng thức, cảm nhận hương vị ngọt lành của trái ngon, quả đẹp, phong cảnh hữu tình và cái đẹp dịu hiền của các cô thôn nữ miệt vườn.
“Ghe anh nhỏ mũi trán lườn
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
Cùng em ăn múi Sầu Riêng
Ăn rồi cảm thấy một niềm vui chung” (Ca dao xưa)
Vẻ đẹp của người dân Lái Thiêu cùng với hượng vị thơm ngon của vùng đất trù phú này đã trở thành nguồn cảm hứng gọi mời khách phương xa tìm đến đây để đắm mình trong hương vị cây trái và màu xanh cây cỏ của nhà vườn. Không ít người đã đưa cái duyên ngọt lành, xanh tươi của vùng đất này vào những trang thơ, bài văn lãng mạn của mình.
Anh về đất rộng Bình Dương
Trái cây… và lá con đường cỏ xanh…
( Thơ Bùi Giáng “Anh về Bình Dương” – 1959)
Câu thơ bình dị của nhà thơ Bùi Giáng trong một lần ghé thăm Bình Dương đã nói lên sự trù phú, xanh tươi của vùng đất miệt vườn Lái Thiêu – Bình Dương.
Trong truyện ngắn Làng tôi của nhà văn Lý Lan viết về “quê mẹ ở làng vườn Lái Thiêu” đã nói lên xúc cảm của những người con xa xứ khi nhớ về quê hương Lái Thiêu. “Tôi nhớ mãi khi làng có giỗ, khách nơi khác đến dự tiệc đều xuýt xoa khen trái cây vùng này ngon… Trong vườn măng cụt lúc nào cũng râm mát, nên con gái vườn da trắng nõn, mắt biếc môi son”.
Ở Sài Gòn, những chàng trai phong nhã xưa hát ca dao cũng khéo léo đặt hình ảnh người con gái Lái Thiêu lên một vị trí mến mộ và ao ước được lấy làm vợ:
“Tháng giêng mười sáu trăng treo
Anh sắm giường lèo cưới vợ Lái Thiêu”
Còn ở bưng biền các chị lại hát ru em:
“Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”.
Riêng nhà văn Lý Lan đưa ra dự cảm vừa tiếc rẻ vừa tự an ủi cho trường hợp của mình: ví như mai mốt không còn làng nữa, tôi phải biết rằng tôi là người hạnh phúc đã được sinh ra và lớn lên trong ngôi làng xứ vườn”.
Làng ở đây là làng vườn cây trái Lái Thiêu, nơi có đủ các loại trái ngon ngọt lành, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là các trái đặc sản như: Sầu riêng, măng cụt, bòn boong… được trồng lâu đời ở xứ Nam Bộ.
Sầu riêng là loại trái cây đặc trưng của phía Nam, nếu Măng cụt là trái đặc sản có thể nói là “quán quân” của Thủ Dầu Một xưa thì hương vị, chất lượng múi Sầu riêng Lái Thiêu vẫn luôn được thực khách xa gần xếp vào hàng đầu trong bảng hương vị các loại trái cây ở Nam Bộ.
Trước đây cả miền Đông Nam Bộ, chỉ có đất Thủ Dầu Một mới trồng nhiều cây Sầu riêng và chỉ có giống Sầu riêng ở Lái Thiêu là ngon nhất. Ngày nay đã có nhiều nơi trồng cây Sầu Riêng với diện tích lớn, cho sản lượng cũng như chất lượng cao. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng “Sầu riêng trồng ở Lái Thiêu là ngon hơn và mang hương vị đặc trưng”. Có thể đó là cảm nhận có phần ưu ái với ít nhiều chủ quan theo khẩu vị riêng của thực khách quen thuộc. Nhưng quả thật cũng có một số cơ sở khoa học nói đến ưu thế, đặc điểm về thổ nhưỡng đặc trưng tại Lái Thiêu: vốn là vùng đất bưng, đất phù sa mềm có độ lưu huỳnh cao, thích hợp cho sự phát triển thân cây và tạo nên mùi vị đặc biệt cho trái sầu riêng xứ này.
Về xuất xứ của cây Sầu Riêng Lái Thiêu, tư liệu lịch sử Nam Bộ còn lưu lại có đoạn viết: vào năm 1890 một cố đạo người Pháp tên là Cernet đã đem hạt giống Sầu riêng từ Inđônesia đến trồng ở vùng Lái Thiêu, sau đó đã được người dân gieo trồng rộng khắp cả vùng. Cách đây 20 năm (khoảng những năm 1994), nhiều người vẫn còn trông thấy mấy cây Sầu riêng cổ thụ trên 100 tuổi tồn tại ở xóm đạo Tân Qui. Điều này cũng cho thấy: các nhà truyền giáo phương Tây thường mang các giống cây quí đến trồng ở những nơi họ đến truyền đạo, nhất là ở Nam Kỳ.
Cây Sầu riêng có tên khoa học là DURIS ZIBETHIUS MURRAY (Tiếng Ý Ziberto có nghĩa là mùi lấy từ con cầy hương, còn DURIS là thổ ngữ có nghĩa là gai nhọn). Có người cho rằng tên Sầu riêng trong Tiếng Việt là do âm đọc trại từ chữ DIOERIAN (Tiếng Malaysia) hoặc chữ THU RÊN (Tiếng Campuchia) mà ra. Trong sách “Truyện kể dân gian Nam Bộ” có nhắc đến sự tích trái Sầu riêng và cho rằng “ Sầu riêng” là tên người Việt đặt cho trái “THURÊN”.
Mùi vị của trái Sầu Riêng rất đặc biệt, khi chín tỏa mùi hương thơm nồng gắt, gây nên bao chuyện khen chê, ưa thích và xa lánh, nhất là đối với người miền Trung, miền Bắc. Nhưng nói chung đến nay, trái Sầu Riêng dường như đã chinh phục được hầu hết khẩu vị thực khách cả nước và hương sầu riêng vẫn được dùng nhiều trong bánh kẹo và thức uống thông dụng.
Có thể nói rằng với phần đông người Nam Bộ, cái hương vị đặc trưng của trái Sầu riêng dường như đã dự phần làm đậm đà thêm mùi vị của vùng đất quê hương trong tâm cảm của họ.
Chẳng thế, cách đây hơn nửa thế kỷ, một nhà thơ của đất Bình Dương đã từng nhắc đến mấy nét biểu trưng mang đậm âm hưởng, phong vị vùng quê Nam Bộ trong sự liên tưởng, hướng vọng về cội nguồn:
“Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen lẫn từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùi vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng”
(Trích từ bài thơ “Nhớ Bắc” – Huỳnh Văn Nghệ)
Quả như một nhà nghiên cứu về văn hóa, đã đưa ra nhận xét: “Món ăn là một nội dung góp phần tạo nên phong vị dân tộc, phong vị quê hương và có tác dụng không nhỏ vào tâm tư tình cảm của mỗi con người…”
Và ở đây, trái Sầu riêng là một trong số không nhiều các “món ăn” tuyệt diệu có vai trò như thế đối với người Bình Dương, với văn hóa ẩm thực Bình Dương.
Bên cạnh Sầu riêng còn có một loại cây trái đặc sản biểu trưng rõ nét hơn cả cho vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương, đó là cây măng cụt, được trồng lâu đời và rất nổi tiếng ở miệt vườn Lái Thiêu.
Nhiều tác giả cho rằng: “măng cụt là loại trái cây xứ Thủ Dầu Một, xứ Lái Thiêu, do các cha đạo Gia Tô đem giống về có thuyết nói là từ Bá Đa Lộc hoặc linh mục Tabert”(7). Nhà văn Nam Bộ Sơn Nam cũng tán đồng ý kiến trên, đã dẫn thêm cứ liệu: “Theo Melleret, cây măng cụt đầu tiên từ Mã Lai đưa đến Nam Bộ trồng ở Lái Thiêu và tại nhà thờ họ đạo Lái Thiêu”. Có người đã khẳng định: “Tới vườn cây trái Lái Thiêu, chưa ăn Măng cụt, cũng tức là chưa hiểu biết thế nào là hương vị trái cây Lái Thiêu, bởi Măng cụt ở đây ngoài sản lượng cao, còn có một hương vị thơm ngon đặc biệt mà măng cụt nơi khác không thể nào có được. Hiện tại, Lái Thiêu được xem là vùng có diện tích trồng măng lớn nhất Đông Nam Á”
Về xuất xứ trái măng cụt đã được nhắc đến trong sách “Đại Nam nhất thống chí” dưới tên gọi là trái “Thổ Lý” ghi ở mục “thổ sản” của huyện Bình An tức vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương sau này. Trước đó khoảng ba bốn chục năm, Vua Minh Mạng (1820 – 1840) từng biết đến trái măng cụt và đã gọi tên là “Giáng Châu tử”
Đã có nhiều người đánh giá về chất lượng trái măng cụt Lái Thiêu, trong đó phải kể đến Salan – viên tướng Pháp đã sống ở Việt Nam gần 30 năm (1924-1953). Ông là người khá sành món ăn của Việt Nam – Đông Dương, đã hết lời tán thưởng trái măng cụt của Nam Bộ: “Trái măng cụt nổi tiếng ngon ở phần múi cơm màu trắng bên trong, với người sành ăn, đó là loại trái cây tuyệt diệu nhất ở Viễn Đông (Nguyên văn: Mangustans si rerommés, à la pulpre blanche et savoureuse, le meilleur fruit de l’Extrême Orient pour les connaisseurs)
Tên “Măng cụt” có lẽ là âm Việt đọc từ các chữ Pháp là mangoustan (trái măng cụt – tiếng Anh là Mangosteen) và Mangoustanier (cây măng cụt). Người Hoa gọi măng cụt là “Sơn trúc tử” hay “mã cật”. Sau này người Huế cũng gọi trái Măng cụt là trái “Giáng Châu” – tên vua Minh Mạng đã đặt.
Được biết từ lâu cây măng cụt ở Nam kỳ đã được trồng nhiều ở Huế và cây cũng say trái, chất lượng khá ngon. Đặc biệt trái măng cụt ở Huế lại ra nghịch mùa với mùa măng trong Nam. “Thiết nghĩ cây măng cụt sống trên đất Kim Long (Huế) phải có từ lâu (…) cũng phải từ thời Gia Long lên ngôi, nhận sản vật hai miền cung tiến ra kinh đô. Bởi tương truyền giống măng cụt do bà Từ Dũ đem từ trong Nam ra”.
Ngày nay, Bình Dương đang trong quá trình đô thị hóa, Vườn cây ăn trái Lái Thiêu cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó nên ít nhiều đã bị ảnh hưởng đến không gian sinh tồn của vườn cây. Để bảo tồn và phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa, thành tố đặc sản – “thương hiệu” của vườn cây trái Lái Thiêu, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ hội “Lái Thiêu – Mùa trái chín”. Đây là hoạt động thường niên được diễn ra vào tháng 6 hàng năm, là dịp để chủ nhà vườn từ các huyện, thị trong tỉnh trưng bày và giới thiệu những loại trái cây đặc sản của địa phương. Đến với lễ hội, khách thập phương bên cạnh việc được thưởng thức những loại trái cây đặc sản của Lái Thiêu như: Măng Cụt, Sầu Riêng…còn được thưởng thức hương vị ẩm thực mang “đậm chất” Bình Dương. Và, có lẽ thích thú hơn cả đối với các em nhỏ là những trò chơi dân gian liên quan đến các tuồng tích về một số loại trái cây đặc sản của vùng Lái Thiêu. Lễ hội “Lái Thiêu – Mùa trái chín” thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham gia và thưởng thức lễ hội. Hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vườn cây. Và là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn dành cho khách thập phương khi đến với vùng đất miền Đông Nam bộ này.
Hồ Minh Thiện (TTXTTM,DL&PTCN)