Miếu Bà Đất Cuốc
Tọa lạc tại ấp Suối Sâu, trên khoảng đất có tổng diện tích 1.781m2, miếu Bà được người dân địa phương lập vào năm 1919. Miếu được lập nên và thờ năm vị thần Ngũ Hành Nương Nương. Theo các cụ cao niên, thì nguyên trước đây vùng Đất Cuốc là rừng rậm thiêng liêng và nhiều thú dữ, để tạ ơn đất trời, những đấng linh thiêng khác giúp họ vượt qua những trở ngại thử thách, ổn định cuộc sống... bà con tụ cư vùng Đất Cuốc này người có của, góp công cùng lập nên ngôi miếu Bà - nơi gửi gắm niềm tin vào các đấng siêu nhiên, thỏa lòng tín ngưỡng và kỳ vọng của cộng đồng.
Đất Cuốc trước đây nguyên là vùng đất hoang vu thuộc xã Tân Hòa xưa (Biên Hòa), rồi đến xã Tân Mỹ, nay là xã Đất Cuốc (Bình Dương), được hình thành muộn hơn so với những địa phương khác của huyện Bắc Tân Uyên (nay). Do cuộc sống ngày càng phát triển, những cư dân từ khắp các nơi như: Mỹ Lộc, Bình Cơ, Phú Hòa, Thường Lang, Tân Tịch, Tân Uyên... cùng cộng cư về sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất này vào những năm cuối thế kỷ XIX. Vùng đất Tân Hòa lúc này có địa giới rất rộng, là một trong 5 xã hạt nhân hình thành nên chiến khu Đ oai hùng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ngôi miếu Bà trải qua nhiều lần xây dựng với nhiều vật liệu gỗ quý và trang trí rồng phụng nhưng qua hai cuộc chiến tranh đã bị tàn phá rất nhiều. Đến năm 1986, bà con địa phương đóng góp xây dựng lại ngôi miếu Bà trên nền ngôi miếu cũ bằng bê tông cốt sắt, mái lợp tôn xi măng rất khang trang, thờ 5 vị thần cho đến ngày nay. Hiện tại, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, bảo quản tốt ngôi miếu. Ngôi miếu một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho sự ra đời của chiến khu Đ - căn cứ kháng chiến đi vào huyền thoại trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, là chiến trường căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Với ý nghĩa và giá trị tiêu biểu đó, miếu Bà Đất Cuốc đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28-1-2011.
Bài viết tiếp theo
Miếu Mộc Tổ
Suối Mạch Máng (suối Sọ)
Nhà máy xe lửa Dĩ An
Ấp chiến lược kiểu mẫu Bến Tượng
Bài viết liên quan
Đình thần Vĩnh Phước - TX.Tân Uyên
Chiến khu Vĩnh Lợi
Nhà máy xe lửa Dĩ An
Đình Tương Hiệp