Một ngày về với cù lao Bạch Đằng (Thị xã Tân Uyên)
Cù lao Bạch Đằng – TX. Tân Uyên cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng hơn 20km về hướng Đông, cù lao Bạch Đằng gắn liền với thương hiệu của một loại trái cây nổi tiếng: bưởi Bạch Đằng – kết tinh của đất trời và văn hóa miệt vườn của người dân nơi đây.
Năm 2010, cây cầu Bạch Đằng được khánh thành sau 3 năm khởi công xây dựng. Cầu bắc qua sông Đồng Nai, nối liền cù lao Bạch Đằng với thị xã Tân Uyên. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo sự thuận tiện giao thông và động lực phát triển kinh tế đặc biệt là vùng chuyên canh trồng bưởi và phát triển du lịch sinh thái của địa phương.
Cầu Bạch Đằng
Đến với cù lao Bạch Đằng, du khách sẽ cảm nhận được không khí thanh bình của làng quê Nam Bộ, đó là những cánh đồng lúa xanh mướt, đặc biệt là bạt ngàn những vườn bưởi xum xuê trĩu quả.
Đồng lúa ở cù lao
Cù lao Bạch Đằng có diện tích: 1.075,9 ha, nhưng chỉ riêng diện tích trồng bưởi đã lên đến hàng trăm hecta. Nơi đây được ví như một “thiên đường” bưởi với nhiều giống bưởi nổi tiếng như bưởi ổi, bưởi đường lá cam, thanh trà, da xanh... Từ nguyên liệu chính là bưởi đã cho ra đời nhiều loại đặc sản nổi tiếng: gỏi bưởi, chè bưởi, rượu bưởi,… Mùa bưởi rộ nhất vào dịp Tết Đoan Ngọ và dịp Tết Nguyên Đán (từ khoảng tháng 11 – đến tháng Giêng âm lịch).
Vườn bưởi
Bưởi và rượu bưởi Bạch Đằng
Cù lao Bạch Đằng không chỉ gây ấn tượng cho du khách về những vườn bưởi xanh um, mà còn là xứ sở miệt vườn với nhiều điều thú vị. Mỗi ấp, xã của Bạch Đằng đều có các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với đời sống tinh thần của người dân xã Bạch Đằng. Tiêu biểu nơi đây là Đình Tân Trạch một ngôi đình lớn nhất trên đất cù lao, gắn liền với cư dân nơi đây từ buổi đầu khẩn hoang được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 30/10/2007. Đình là nơi ghi dấu của một vùng đất có quá trình phát triển lâu dài và là một công trình kiến trúc gỗ quý và có kích thước lớn, lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật kiến trúc còn tồn tại cho đến ngày nay.
Đình Tân Trạch
Ngoài ra, khi đến vùng đất này du khách còn thể ghé thăm công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nhà cổ Đỗ Cao Thứa, ở ấp Bình Hưng, xã Bạch Đằng. Ngôi nhà được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX uy nghi lộng lẫy theo lối kiến trúc chữ Đinh, mái lợp ngói âm dương dày, trầm mặc cổ kính, rộng lớn bề thế được làm toàn bằng gỗ quý kiên cố với những nét hoa văn chạm trổ công phu tinh xảo. Hệ thống những hoành phi, liễn, câu được chạm trổ, trang trí hoa văn cách điệu, chủ đề: Long, Lân, Quy, Phụng, Nai, Điểu, Nho, Sóc… đã tạo nên những nét văn hóa nghệ thuật độc mang đậm phong cách văn hóa Việt trên đất Bình Dương thời bấy giờ. Ngôi nhà được xây dựng trong một khu vườn thoáng mát, cảnh quan tuyệt đẹp trong một màu xanh của cây trái xum xuê đón gió lành, mát mẻ quanh năm.
Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa
Tọa lạc trên cù lao Bạch Đằng thơ mộng còn có sân golf Mê Kông là điểm dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua của du khách khi đến với cù lao. Sân Golf Mê Kông trải rộng trên diện tích 200 ha, dự kiến bao gồm 54 lỗ golf, hiện tại đã hoàn thành 18 lỗ. Trong tương lai, nơi đây sẽ phục vụ du khách đến thư giãn, chơi thể thao và phục vụ các giải thi đấu quốc tế. Bên cạnh đó, dự án Mê Kông Golf & Villas tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 500 villas mang tầm vóc quốc tế, sẽ thu hút một lượng lớn du khách đến nghỉ ngơi, tham quan và đánh golf.
Sân golf Mê Kông
Hãy một lần đến với xã Bạch Đằng để có được những trải nghiệm thú vị và tận hưởng cảnh quan, sản vật của vùng sông nước cù lao.
TTXTDL