PHONG CẢNH HỮU TÌNH CHÙA NÚI CHÂU THỚI

Giữa tiết trời Nam Bộ nắng như đổ lửa, quốc lộ 1K nhòa đi bởi những dòng xe dài nối đuôi nhau tạo nên bức màn bụi đá. Chạy qua ngã ba Cây Lơn, qua ngã rẽ  xuống suối Lồ Ồ, cảnh vật núi Châu Thới từ từ hiện ra rõ dần theo khoảng cách. Nằm giữa vùng bình địa phẳng lặng, Chùa núi Châu Thới vươn mình hùng dũng giữa trời xanh. Vãn cảnh chùa mùa nào ta cũng cảm nhận được sự thanh tịnh, trong lành; quang cảnh non xanh, nước biếc…

binh duong image

Con đường dẫn vào núi tuy không xa nhưng khá gập ghềnh; vượt qua con dốc nhỏ làm ta có cảm giác đã bỏ lại sau lưng hết thảy những lo toan, buồn phiền của cuộc sống. Du khách không khỏi bỡ ngỡ trước quang cảnh như lạc vào chốn bồng lai. Dưới chân núi là một hồ nước rộng mênh mông, trong vắt; sườn núi cây cối mọc um tùm, che mát hàng trăm bậc thang; trên đỉnh là cả một quần thể chùa chiền đồ sộ, trang nghiêm. Tất cả như đang thách thức trí tưởng tượng phong phú của du khách. Khắp cả vùng Nam bộ này hiếm có chốn nào phong cảnh lại hữu tình đến vậy…

Hồ nước dưới chân núi Châu Thới vốn không phải là hồ nước tự nhiên, quá trình khai thác đá phục vụ công cuộc kiến thiết quê hương đã vô tình tạo nên một cảnh quan đẹp đến kỳ lạ. Nước từ núi đá nhỉ ra trong vắt, mát lạnh, dù mùa nắng hạn đến mức nào mực nước trong hồ vẫn không vơi. Hệ động thực vật trong hồ rất ít phát triển bởi nước rất lạnh và thanh khiết; ta hầu như không bắt gặp rong rêu hay các loại bèo, sinh vật phù du thường thấy. Trên mặt nước duy chỉ có loài hoa súng đá là có thể sinh tồn, song loài này cũng phải biến đổi nhiều về hình dạng thân và lá…

Ngắm nhìn hồ nước vào buổi sáng từ trên cao, mặt hồ phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ phản chiếu rõ nét mọi cảnh vật; hình ảnh núi Châu Thới như bức tranh thủy mạc giản dị, thanh thoát. Vãn cảnh hồ khiến lòng ta vơi bớt đi những lo toan, buồn phiền, đem lại sự tỉnh táo cho tâm trí. Về trưa, khi ánh nắng rọi xuống mặt nước, những lớp sóng lăn tăn ánh bạc lan tỏa, mặt hồ lúc này như chiếc áo choàng lấp lánh ánh kim của người nghệ sỹ trên sân khấu. Tuy vậy, ngắm hồ vào lúc hoàng hôn mới thấy hết được vẻ đẹp huyền ảo của nó. Trời mây, cây nước như hòa vào một, bức tranh chiều tà thực sự gợi cho ta một cảm giác bâng khuâng, những nỗi nhớ không tên trong miền ký ức cứ ùa về giữa muôn trùng sóng nước…

binh duong image

Một góc khung cảnh chùa Núi Châu Thới

Có hai con đường dẫn lên đỉnh núi, một đường gồm 220 bậc thang dẫn từ chân núi chạy thẳng lên tới đỉnh, đường này được các vị sư thầy, phật tử xây dựng và hoàn thành năm 1971. Và, một con đường chạy vòng trôn ốc dành cho những người đi xe. Mỗi con đường đều có những điểm thú vị riêng, nếu như đi con đường vòng bạn sẽ có cơ hội nhìn ngắm mạn Đông của chùa, nơi có dòng sông Đồng Nai uốn khúc, bạn có thể phóng hết tầm mắt để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Song, bạn phải thực sự cẩn thận bởi đường cua rất gấp, độ dốc cao khiến xe bạn dường như phải lấy hết sức để bò, để vượt qua những đoạn dốc nối dốc. Khi lên đến đỉnh núi bạn sẽ được bù đắp lại bằng một cảm giác khó tả, một cảm giấc lâng lâng như ta đã vượt qua những thử thách lớn trong cuộc sống.

Tuy vậy, phần lớn du khách đến thăm chùa đều chọn con đường bậc thang để lên vãn cảnh, con đường mà hơn 300 năm trước Thiền sư Khánh Long đã từng bước đi. Những bậc thang dài ngắn, cao thấp khác nhau cũng giống như những nấc thang cuộc đời mỗi con người, bước những bước đi đầu tiên luôn làm ta mệt nhoài. Song càng tiến lên phía trước chân ta càng vững, trí ta càng bền,… cảnh đẹp xung quanh như làm cho mọi vơi đi mệt nhọc…

Lên đến nửa con dốc, chúng ta sẽ bắt gặp một phiến đá lớn nằm dưới dưới gốc cây, tương truyền đây là phần mộ của một người con gái xấu số đã gieo mình xuống lòng hồ khi bị người con trai mình yêu phụ bạc. Cũng chính vì lẽ đó, nàng nguyền rủa tình yêu, nguyền cả những đôi tình nhân dẫn nhau lên chùa phải xa cách. Lời đồn chùa “nặng duyên” cũng từ đó mà có. Tuy vậy, dọc theo đường dốc lên chùa cũng có 1 sợi dây “tình duyên” khá đặc biệt. Không biết từ bao giờ, song hiện tại sợi dây “tình duyên” này đã được thắt kín từ chân núi tới đỉnh bằng những đoạn chỉ, sợi vải, các ông hút đủ màu sắc…Họ truyền tai nhau rằng: các đôi trai gái yêu nhau thắt vào dây duyên tình 2 sợi sẽ được bền lâu, còn những người còn lẻ bóng, thắt 1 sợi sẽ tìm được ý chung nhân của mình. Tất cả đều được trời phật ban phước…

Bước qua cổng chùa, hình ảnh đầu tiên ta được thưởng ngoạn là 1 phiến đá xanh có vân thớ rất đẹp, trên đó có khắc 1 bài thơ cổ thể thất ngôn, với những nét chữ thanh tao, sắc sảo. Có thể nhiều du khách không hiểu được ý nghĩa sâu xa song vẫn có thể cảm nhận được những giá trị mỹ thuật nhất định.

Đỉnh núi là không gian dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, ở đó có sự hiện diện của một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gồm chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, có tượng Phật Bà Quan Âm cao 25m, có Đại Hồng Chung nặng 5 tấn và có 9 con rồng ngoảnh về muôn hướng như ban phước cho muôn dân bá tánh. Du khách như được tắm mình trong bầu không khí linh thiêng, được giãi bày những nỗi niềm và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Để rồi qua cửa Từ Bi – Hỉ Xả để trở về với cuộc sống hàng ngày với tâm thế thanh tịnh và nhân từ…

Chùa núi Châu Thới như một ốc đảo dịu mát lạc giữa chốn đô thị ồn ào; là nơi dân chúng tứ phương gửi gắm niềm tin và lấy lại sự cân bằng cuộc sống. Mỗi lúc đứng giữa dòng đời ngột ngạt, chen lấn ta lại muốn được trở về đây để dạo bước dưới những tán lá xanh, ngắm nhìn mặt hồ, chắp tay dưới tượng Phật Bà Quan Âm và thả hồn vào những tiếng chuông chùa vô định…

TTXTDL