Nhà cổ ông Trần Văn Hổ - giá trị di sản và tiềm năng du lịch Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có quá trình lịch sử phát triển lâu đời. Điều đó được chứng minh qua các di chỉ khảo cổ học như: Dốc chùa, Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc …cho thấy sự hình thành xã hội loài người cách đây hơn 2500 năm trên vùng đất Bình Dương. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, cư dân sinh sống trên vùng đất Bình Dương đã để lại những tinh hoa cho dân tộc: Từ kỹ thuật chế tác đồ đá, đồ đồng, nông cụ sản xuất, kỹ thuật chạm trổ, điêu khắc, sơn mài….cho đến khối lượng tư liệu liễn đối hán nôm trong các ngôi đình, ngôi chùa và nhà cổ…
Tính đến tháng 10 năm 2017, Bình Dương có 4 ngôi nhà cổ được công nhận xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật: Nhà ông Trần Công Vàng, nhà ông Trần Văn Hổ, Nhà ông Nguyễn Tri Quang, nhà cổ Đỗ Cao Thứa. Trong đó, Nhà ông Trần Văn Hổ tọa lạc số 18 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương – nơi ghi dấu đầy đủ và rõ nét về cuộc sống của chủ nhân ngôi nhà cũng như của xã hội Bình Dương cách đây hơn 120 năm.
- Giá trị di sản của nhà Ông Trần Văn Hổ
Nhà Ông Trần Văn Hổ (Tự Đẩu) – nguyên là Đốc Phủ Sứ thời thuộc Pháp (tương đương với chủ tịch tỉnh ngày nay). Ngôi nhà được thân sinh của ông là cụ Trần Văn Lân xây dựng vào tháng 2 năm 1890.
Mặt chính diện ngôi nhà quay về hướng Tây Nam, hướng sông Sài Gòn. Đây là một trong những hướng tốt về mặt phong thủy mà người dân Nam bộ xưa thường chọn để xây cất nhà, đặt biệt là giới vương quyền và những gia đính giàu có. Ngôi nhà nguyên là một khu nhà lớn gồm: nhà chính, nhà phụ, khu chuồng ngựa…
Trước sân nhà được được trang trí đầy đủ cảnh sinh hoạt “Ngư - Tiều - Canh - Mục” ghi dấu 4 ngành nghề chủ yếu của Bình Dương lúc bấy giờ: ngư – chày lưới, đánh bắt; Tiều - khai hoang mở đất, khai thác gỗ; Canh – canh tác, trồng trọt; Mục – chăn nuôi.
Lối kiến trúc của ngôi nhà theo dạng chữ “Đinh” – đây là kiểu nhà mà người dân Nam bộ thường chọn để xây cất, tổng diện tích xây dựng là 200m2 . Ngôi nhà xây dựng theo kiểu 3 gian, 02 chái gồm 36 cột tròn, 6 hàng cột tròn từ trước ra sau, mỗi hàng là 6 cột được kê toàn bộ trên đá tảng, nền lát gạch tàu. Ngoài ra, phía bên trái ngôi nhà có 3 cửa dạng một cánh được thông ra ngoài, trừ mặt tiền của ngôi nhà, còn lại 3 mặt bên được xây tường gạch, mái ngói âm dương, hệ thống mái vững chắc…
Vật dụng và sự bày trí trong nhà thể hiện sự sung túc của chủ nhân ngôi nhà: vật liệu toàn là gỗ quý như Cẩm Lai, Giáng Hương, Gõ, Sến, mật… được sử dụng bày trí thành nhiều lớp. Sự ưu đãi của thiên nhiên về tài nguyên rừng kết hợp với bàn tay khéo léo và sự uyên thông, am hiểu về nho học của con người Bình Dương đã để lại công trình điêu khắc, chạm trổ, cùng khối lượng tư liệu liễn đối, Hán - Nôm mang đậm triết lý nhân sinh, giáo dục lễ giáo gia đình trong ngôi nhà.
Từ những song gỗ, đường nét ô vuông đến các mảng phù điêu tấc cả đều được bố trí đối xứng đến từng chi tiết tạo nên bề thế trang nghiêm, thể hiện sự tôn ti, nề nếp và phong cách vương quyền của chủ nhân ngôi nhà.
Ngay trên cửa chính bước vào ngôi nhà đề 3 chữ hán nôm “Hòa, Vi, Quý” thể hiện rõ phong cách ứng xử, giao tiếp của một vị Đốc Phủ Sứ lúc bấy giờ, đồng thời đây cũng là cách ứng xử mà chủ nhân của ngôi nhà mong muốn con cháu của mình phải học tập.
Ở hai bên gian thờ giữa là hai buồng (phòng) chủ nhà; buồng ông và buồng bà.Trên hai cửa buồng có hai bức hoành đề: Ngự dược, Diên phi (cá nhảy, diều bay: Có ý mong muốn thi cử đỗ đạt hoặc thăng quan lên chức, công việc thuận lợi). Nơi đây còn có các bao lam đều trang trí đẹp, công phu.
Gian giữa phía trên là khám thờ với tấm Thủ quyển chạm nổi hình Tứ linh hoàng tráng (long, lân, quy, phụng), giữa bức thủ quyển được đặt ở chính diện là ba hàng chữ đề danh hiệu các vị thần được thờ. Phía trái là thờ thần Táo với danh hiệu “Đông Trù Tư Mạng”, giữa là thờ trời với danh hiệu “Hiệp Thiên Đại Đế”, bên phải thờ phúc thần với danh hiệu “Phúc Đức Chánh Thần”, phía dưới thờ gia tiên nhiều đời, hai bên nơi thờ chính là hai câu đối:
Canh độc lưỡng đồ, độc khả vinh thân, canh khả phú
Cần kiệm nhị tự, cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh.
Dịch nghĩa là: Cày ruộng và đọc sách là hai con đường: đọc sách có thể hiển vinh, thi cử đỗ đạt. Còn cày ruộng sẽ có khả năng giàu có.
Cần kiệm nhị tự, cần năng sáng nghiệp, kiệm năng doanh.
Chữ cần có nghĩa là cần cù, siêng năng có thể dựng nên sự nghiệp, còn kiệm có nghĩa là tiết kiệm, không lãng phí có khả năng đủ đầy.
Ở hai bên phải và trái, có hai bức thờ cẩn xà cừ rất công phu và độc đáo. Bức bên phải đề hai chữ “Hạc Toán” (thông minh, nhanh nhẹn và sống lâu như tuổi Hạc), bức bên đề “Qui Linh” (tuổi thọ như rùa thiêng). Bốn chữ ấy đều cẩn ốc xà cừ với lối viết cách điệu, mỗi nét chữ là hình ảnh của chim muông hoa lá tạo thành. Hai bên mỗi bức thờ là đôi câu đối viết kiễu chữ “Chân lư” – một loại chữ mà cho đến nay chưa dịch được.
Nghệ thuật chạm nổi, khắc chìm, khắc lộng… thể hiện toàn bộ trên các khung cửa, cách cửa. Đề tài “Mai, Lan, Cúc, Trúc” được tận dụng xuyên suốt trong toàn bộ trang trí. Đồ án trang trí dân gian: lấy thảo mộc, hoa quả làm chủ đề chính. Mỗi chủ đề là sự thể hiện một mảng tâm hồn, một phần đời sống, một cảnh thiên nhiên với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Với lối kiến trúc qui mô khép kín của ngôi nhà truyền thống Việt Nam vào thế kỷ 19, ngôi nhà đã để lại cho Bình Dương một công trình kiến trúc cổ, góp một phần giá trị lịch sử - nghệ thuật truyền thống dân tộc, minh chứng cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của vùng đất và con người Bình Dương, cả trong quá khứ cũng như hiện tại.
- Tiềm năng để trở thành sản phẩm du lịch
Vị trí địa lí: Nhà ông Trần Văn Hổ nơi lưu giữ cuộc sống sinh hoạt của người dân Bình Dương trong quá khứ được đặt nằm cạnh chợ Thủ Dầu Một – nơi phản ánh rõ nét cuộc sống hiện tại của người dân Bình Dương. Đây là một sự so sánh “hữu duyên” rõ nét tạo sự thích thú cho khách tham quan trong và ngoài nước về cuộc sống của người dân Bình Dương trong quá khứ và hiện tại.
Nhà ông Trần Văn Hổ nằm trên tuyến đường sông từ Sài Gòn lên. Đây là vị trí khá thuận lợi để di tích Nhà ông Trần Văn Hổ trở thành sản phẩm du lịch đại diện cho các ngôi nhà cổ của Bình Dương.
Di tích Nhà ông Trần Văn Hổ có thể xây dựng tour: Sài Gòn – Bình Dương với các nội dung Vườn Cây Lái Thiêu – các lò gốm ở Thuận An – di tích Nhà ông Trần Văn Hổ - chợ Thủ Dầu Một - di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi.
Đáp ứng nhu cầu du lịch:
Nhà ông Trần Văn Hổ là di tích kiến trúc nghệ thuật được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 29/4/1993, tổng diện tích còn lại là 1.296m2. Nhà ông Trần Văn Hổ là công trình được xây dựng trên 120 năm trên vùng đất Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc…..đáp ứng đa dạng các nhu cầu: du lịch khám phá, tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, nghỉ dưỡng …
Căn cứ vào luật di sản văn hoá, Bình Dương có đầy đủ 4 loại hình di tích: di tích khảo cổ học, di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Đây là những tiềm năng để Bình Dương phát triển ngành du lịch.
Cơ hội và thương hiệu:
Trong Nghị quyết số 08-NQTW ngày 16/0//2017 của Bộ chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 16/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về nhiệm vụ phát triển ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Và chiến lược phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn.
Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) đã trang bị 05 ca nô, 7 tour du lịch đường sông khám phá các tuyến điểm thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận trong đó Bình Dương là tuyến điểm tiềm năng.
Trong lịch sử du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đã có ghi nhận Bình Dương là “công viên của xứ Nam Kỳ”, là khu vườn tự nhiên của các phố thị miền Đông như Sài Gòn, Gia Định…
“Ghe anh nhỏ mũi trán lườn
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
Cùng em ăn muối Sầu Riêng
Ăn rồi cảm thấy một niềm vui chung” (ca dao).
Bình Dương nổi tiếng với các thương hiệu về ngành nghề truyền thống: điêu khắc, gốm, Sơn Mài; các di tích lịch sử như: di tích lịch sử địa đạo Tam Giác Sắt, di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, di tích lịch sử Chiến Khu Đ, di tích lịch sử Nhà máy xe lữa Dĩ An, Danh lam Chùa núi Châu Thới, miệt vườn…
Với tiềm năng về giá trị di sản cùng với cơ hội và thương hiệu vốn có, Bình Dương đầy đủ điều kiện để phát triển ngành Du lịch – ngành Công nghiệp không khói trong tương lai gần.
TTXTDL
Bài viết tiếp theo
Lễ hội Hoa Ban năm 2018
NÉT XƯA NAM BỘ QUA KIẾN TRÚC NHÀ CỔ BÌNH DƯƠNG
Chương trình lễ hội Hoa Ban năm 2018
Chào đón Giáng sinh và năm mới 2018 tại khách sạn the Mira
Bài viết liên quan
Xã Định An, huyện Dầu Tiếng thúc đẩy phát triển du lịch qua nhiều hoạt động
Quảng bá thông tin Du lịch Bình Dương trên nền tảng Thư viện số
Lễ tổng kết và trao giải “Cuộc thi sáng tác video clip giới thiệu về Du lịch Bình Dương năm 2024”
Huyện Dầu Tiếng phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển du lịch