Top 7 ngôi chùa nổi tiếng Bình Dương - Điểm đến tâm linh không thể bỏ qua

Gợi ý top 7 ngôi chùa tuyệt vời cho hành trình khám phá và hành hương tại tỉnh Bình Dương.

1/ Chùa Bà Thiên Hậu – Thành phố Thủ Dầu Một

Địa chỉ: số 4, đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chùa Bà Thiên Hậu, tên chữ là Thiên Hậu Cung, một trong những ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất tại Bình Dương. Tại đây thờ phụng Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị nữ thần được cộng đồng người Hoa tôn kính với niềm tin bảo hộ cho người dân đi biển. Chùa Bà Thiên Hậu được cộng đồng người Việt gốc Hoa sinh sống tại Bình Dương xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Đây được xem là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời và gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng người Hoa tại Bình Dương. Đặc biệt nhất là Lễ hội Chùa Bà diễn ra vào ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm, đây là một lễ hội lớn, thu hút hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về Bình Dương tham dự.

2/ Chùa Hội Khánh – Thành phố Thủ Dầu Một

Địa chỉ: Đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chùa Hội Khánh là ngôi cổ tự nổi tiếng tại tỉnh Bình Dương, được xây dựng lần đầu vào năm 1741 dưới triều đại của chúa Nguyễn Phúc Khoát, ngôi cổ tự này mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất này, đặc biệt phần lớn những di tích, cổ vật mấy trăm năm vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Đến nay, chùa Hội Khánh vẫn hoạt động và là nơi tổ chức các hoạt động tôn giáo, văn hóa quan trọng của Phật giáo tỉnh Bình Dương.

Chùa Hội Khánh là công trình thể hiện rõ nét kiến trúc phong cách Phật giáo truyền thống Việt Nam. Điểm nhấn đặc biệt của chùa là bức tượng khổng lồ “Bức tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn”, năm 2013 được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” với chiều dài 52m và cao 12m đặt trên nóc chùa, đây là công trình đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, đồng thời trở thành điểm nhấn đặc biệt thu hút du khách và Phật tử gần xa đến chiêm ngưỡng. Với lịch sử lâu đời, giá trị văn hóa và sự linh thiêng, chùa Hội Khánh được xem là một trong những biểu tượng tôn giáo không thể bỏ qua khi đến Bình Dương.

3/ Chùa Châu Thới – Thành phố Dĩ An

Địa chỉ: Núi Châu Thới, phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Năm 1989, Chùa Châu Thới được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia và là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở khu vực miền Nam. Tọa lạc trên một ngọn núi cao khoảng 82m so với mực nước biển, từ chùa có thể ngắm nhìn toàn cảnh thiên nhiên thơ mộng, được mệnh danh là “chốn bồng lai tiên cảnh” của Bình Dương. Chùa Châu Thới nổi bật với kiến trúc cổ kính, các công trình được chạm khắc tinh xảo, chùa gồm các khu: chánh điện, điện thờ Ngũ Hành Nương Nương, Diêu Trì Kim Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu, Thiên Thủ Thiên Nhãn và điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Chùa còn gắn liền với nhiều truyền thuyết và câu chuyện huyền bí tạo nên sự hấp dẫn và thu hút nhiều khách thập phương đến chiêm bái. Chùa Châu Thới là điểm đến tâm linh thú vị, nổi tiếng với sự linh thiêng, phong cảnh hữu tình.

4/ Chùa Tây Tạng – Thành phố Thủ Dầu Một

Địa chỉ: Số 46B đường Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Được xây dựng vào năm 1928 lấy tên Bửu Hương Tự, đến năm 1937 Chùa đổi tên thành Tây Tạng Tự và được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của Mật Tông Tây Tạng, khác biệt so với các ngôi chùa khác tại Bình Dương. Chùa Tây Tạng theo hệ thống Bắc Tông, khu vực chánh điện đặt tượng Phật Thích Ca đang ngồi thiền, xung quanh đặt tượng Chư Phật và Bồ Tát. Khuôn viên chùa rộng lớn, nhiều cây xanh, mang đến không khí rất mát mẻ, trong lành.

Đặc biệt, Chùa Tây Tạng còn nổi tiếng với bức tượng Đạt Ma Sư Tổ làm bằng tóc được Kỷ lục Guinness xác nhận là bức tượng bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Bức tượng được chế tác năm 1982, cao gần 3 m, chất liệu chủ yếu được làm bằng tóc các Phật tử. Chùa Tây Tạng là một điểm đến tâm linh thú vị của tỉnh Bình Dương, ngôi chùa có kiến trúc đẹp, không gian mát mẻ, yên bình và tĩnh lặng giữa thành phố tấp nập.

5/ Chùa Thái Sơn – Núi Cậu – huyện Dầu Tiếng

Địa chỉ: tọa lạc tại Núi Cậu, thuộc xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Cụm núi Cậu thuộc địa phận tỉnh Bình Dương, sát bên bờ hồ Dầu Tiếng, trước đây cụm núi này vốn thuộc địa giới của tỉnh Tây Ninh nên người dân bản địa quen gọi những cái tên thân thuộc như núi Cậu Bảy Tây Ninh hay núi ông Cậu Tây Ninh.

Ở độ cao hơn 300 mét so với mực nước biển, Chùa Thái Sơn sở hữu một vị trí đắc địa với tầm nhìn bao quát hồ Dầu Tiếng – một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Có thể thấy từ Núi Cậu sẽ chiêm ngưỡng một khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thanh bình. Chùa Thái Sơn theo lối kiến trúc truyền thống, mang đậm nét đẹp của chùa chiền cổ kính của Việt Nam. Ngoài ra, quanh Chùa Thái Sơn còn có nhiều hang động tự nhiên và những con suối mát lành, thuận lợi cho những chuyến dã ngoại, cắm trại và hành hương. Chùa Thái Sơn vừa là nơi tu tập của các tăng ni và cũng là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.

6/ Chùa Hội An – Thành phố Thủ Dầu Một

Địa chỉ: khu 2 Phó Cơ Điều, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chùa Hội An là một công trình tôn giáo mới, hiện đại và cũng trở thành điểm nhấn quan trọng của khu vực này. Được khánh thành vào năm 2013, chùa Hội An được xây dựng theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ nét đẹp truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam, khuôn viên rộng lớn, thoáng đãng với các công trình kiến trúc hài hòa, khu chánh điện được thiết kế rộng rãi, có thể tiếp đón hàng nghìn Phật tử đến lễ bái. Chùa Hội An là niềm tin tâm linh quen thuộc của người dân địa phương và cũng điểm đến du lịch thu hút nhiều khách hành hương khi đến thăm Bình Dương.

7/ Chùa Tổ Long Hưng – Chùa Tổ Đỉa – Thành phố Bến Cát

Địa chỉ: Khu phố 4, phường Tân Định, thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Tại Bến Cát có một ngôi cổ tự với nhiều giai thoại huyền bí về một vị sự giàu lòng trắc ẩn nguyện hiến thân xác cho bầy đỉa để đổi lấy sự bình yên cho người dân. Chùa Hưng Long còn được người dân gọi với cái tên “thân thương” là chùa Tổ Đỉa. Năm 2005, chùa Tổ Đỉa được Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Ngoài giá trị về Văn hóa, Chùa Tổ Đỉa được người dân gửi gắm niềm tin tâm linh, nhiều người đến chùa để cầu nguyện sức khỏe, bình an và may mắn, đặc biệt là cầu tài lộc. 

Những ngôi chùa ở Bình Dương không chỉ nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều lượt khách về hành hương, cầu nguyện mà đây còn là những công trình kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn lịch sử và nghệ thuật tôn giáo Việt Nam. Trên đây là gợi ý top 7 ngôi chùa tuyệt vời cho hành trình khám phá và hành hương tại tỉnh Bình Dương.

TTXTDL - Ngọc Ánh