Xã Bạch Đằng: Sức sống mới qua 3 năm xây dựng Làng thông minh
Ghé thăm cù lao Bạch Đằng, du khách cảm nhận được bầu không khí trong lành, yên ả; hoà mình cùng thiên nhiên với những vườn bưởi sai trĩu quả, những cánh đồng lúa trổ hương đưa. Điểm tô trong bức tranh miền quê thanh bình là những công trình khang trang, hiện đại, những tuyến đường kiểu mẫu văn minh rực rỡ sắc hoa. Qua 3 năm thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn với Làng thông minh, xã Bạch Đằng không ngừng đổi mới, những giá trị truyền thống của vùng đất cù lao hoà quyện với sự phát triển khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số, mang đến sức sống mới cho xã nông thôn nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thí điểm xây dựng Làng thông minh, Thành uỷ, UBND thành phố và Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, làng thông minh đáp ứng xu thế xã hội, huy động nhân dân cùng đồng thuận tạo nên sức mạnh tổng hợp để việc xây dựng Làng thông minh đạt nhiều kết quả tích cực.
Dáng hình Làng thông minh được hình thành thể hiện rõ nét qua sự thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, được quan tâm đầu tư đồng bộ, đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với phát triển đô thị xanh. Thành phố đã ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông gắn với cải tạo cảnh quang, môi trường sống cho nhân dân. Xã Bạch Đằng hiện có 79 tuyến đườn giao thông với tổng chiều dài 28,41 km, trong đó có 35 tuyến đã được bê tông nhựa nóng và 44 tuyến ngõ xóm trải đá. Nguồn vốn ngân sách đã đầu tư gần 12,7 tỷ đồng nâng cấp 3 tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng cống thoát nước cầu Bạch Đằng 1; xây dựng mới Văn phòng 4 ấp, làm bờ kè Bến đò Bạch Đằng - Bình Lợi… Bên cạnh đó, nhân dân đồng thuận đóng góp hơn 3,4 tỷ đồng để nâng cấp 22 tuyến đường bê tông xi măng, 7 tuyến “Đường cờ Tổ quốc”, đường hoa kiểu mẫu, xây dựng sân bóng chuyền, lắp đặt dụng cụ tập thể dục tại công viên…
Đặc biệt, cầu Bạch Đằng 2 là công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2024, tạo sự kết nối đồng bộ giữa đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Cầu Bạch Đằng 2 có tổng chiều dài 2,8km, riêng phần cầu bắc qua sông Đồng Nai dài 410m, rộng 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư cho dự án này là 490 tỷ đồng. UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố phối hợp các ngành hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm đất và tài sản gắn liền với đất, vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, vì sự phát triển chung của địa phương.
Cùng với đó, xã Bạch Đăng được đầu tư hệ thống đèn LED hiện đại trên 3 tuyến đường và cầu Bạch Đằng với 266 bóng; lắp đặt camera an ninh tại 38 nút giao thông quan trọng và 18 điểm Wifi công cộng, phục vụ nhân dân trong quá trình chuyển đổi số.
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn mới luôn được chú trọng. 100% tuyến đường có hệ thống cây xanh, hoa kiểng hai bên đường, tạo mỹ quan sáng, xanh, sạch, đẹp. Xã Bạch Đằng đang thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn; tỷ lệ rác thải được thu gom, đưa đi xử lý đạt 100%. Các hộ gia đình duy trì tốt phong trào xây dựng “Hộ gia đình xanh, sạch, đẹp, sáng”; tích cực tham gia các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh do địa phương phát động. Từng hộ xây dựng cảnh môi trường, hàng rào theo hướng xanh, sạch, đẹp. Trên địa bàn xã có 1 trạm cấp nước tập trung, công suất thiết kế 200m ngày đêm. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia đạt 100%.
Góp phần xây dựng “Làng thông minh”, nông dân Bạch Đằng đã ứng dụng hiệu quả các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng các chuỗi liên kết (tập trung các sản phẩm chủ lực của xã như bưởi, lúa và sinh vật cảnh), ứng dụng quản lý trang trại nông nghiệp thông minh trong các khâu sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng các quy trình công nghệ tiết kiệm năng lượng. Việc quản lý sản xuất được đổi mới ngày càng hiện đại. Các tổ hợp tác, hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong điều phối kế hoạch sản xuất, kiểm soát quá trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin phản hồi và tư vấn, giải đáp những khó khăn trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, nhu cầu cần hỗ trợ của các thành viên. Giám đốc Hợp tác xã và nông dân được đào tạo, nâng cao trình độ quản trị sản xuất để thực hiện tốt việc hoạch định sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường.
UBND xã đã phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh trao tặng 50.000 tem truy xuất nguồn gốc cho hộ tham gia dự án Bưởi VietGap trên địa bàn xã; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hỗ trợ vật tư và con giống cho 7 hộ tham gia dự án Bưởi bonsai và 2 hộ nuôi lươn không bùn với số lượng 3.000 con; Hội Nông dân tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng Bưởi Bonsai. Xã Bạch Đằng hiện có sản phẩm bưởi trái đạt chất lượng OCOP 3 sao của Hộ ông Dương Văn Minh.
Cùng với đó, xã Bạch Đằng đã xây dựng mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử và liên kết tiêu thụ sản phẩm với 21 hộ tham gia, tổng diện tích 20ha; mô hình trồng Bưởi VietGAP kết hợp với ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc với 10 hộ tham gia. UBND xã phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia quảng bá sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử, đưa thương hiệu Bưởi Bạch Đằng ngày càng vươn xa. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 88,612 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế phát triển theo định hướng nông nghiệp - thương mại - dịch vụ du lịch sinh thái vườn; các tiềm năng và lợi thế về vườn bưởi đặc sản được quan tâm đầu tư phát triển. Gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xã Bạch Đằng đã tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, trải nghiệm.
Trong quản lý nhà nước, UBND xã đã đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính; duy trì thực hiện cơ chế “Một cửa, một cửa liên thông”, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. UBND xã đã tiếp nhận giải quyết 93 thủ tục hành chính trực tuyến một phần và 477 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn hằng năm đạt 100%; tỷ lệ người dân hài lòng đạt 100%.
Sau 3 năm huy động các nguồn lực xây dựng Làng thông minh, xã Bạch Đằng đã thay da đổi thịt với hệ thống hạ tầng dần hoàn thiện; khoa học kỹ thuật được ứng dụng hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Thời gian tới, thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục hực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh; tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay, đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về vai trò, lợi ích thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Làng thông minh nhằm huy động tối đa sự tham gia đóng góp cả về trí tuệ, công sức và nguồn lực của người dân.
Thành phố sẽ tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông đồng bộ; rà soát việc thực hiện tiêu chí quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật, quản lý sử dụng hiệu quả quy hoạch xây dựng theo phương châm “nhà kiểu mẫu, ấp kiểu mẫu, xã kiểu mẫu”, gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.
Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố sẽ có giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ nông dân ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất VietGAP tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ các chủ thể trên địa bàn xã phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng. Bên cạnh đó, xã Bạch Đằng tiếp tục chú trọng công tác vệ sinh môi trường nông thôn; rà soát, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước trong khu dân cư; đầu tư nâng cấp hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và mở rộng diện tích trồng hoa nơi công cộng, hành lang đường giao thông, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, sáng.
Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mói kiểu mẫu gắn với Làng thông minh, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự đồng thuận tích cực của người dân, xã Bạch Đằng khoác áo hoa rực rỡ, phát triển năng động, trù phú, trở thành một Làng thông minh hiện đại, văn minh. Nơi đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần khẳng định vị thế của thành phố Tân Uyên trên bản đồ du lịch tỉnh Bình Dương.
Hồng Nhung - Phòng VH&TT Tân Uyên
Bài viết tiếp theo
Đình thần Bưng Cù ở Tân Phước Khánh
Danh sách các rạp chiếu phim ở Bình Dương tính đến hiện tại
Chùa Khánh Sơn - ngôi cổ tự nổi tiếng ở Cù lao Rùa
Khám Phá Vẻ Đẹp Văn Hóa: Các Làng Nghề Truyền Thống Tại Bình Dương
Bài viết liên quan
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)
Hình ảnh làng nghề gốm sứ Bình Dương xuất hiện trên tờ vé số truyền thống
Huyện Bàu Bàng tổ chức Lễ tưởng niệm 61 năm ngày anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố hy sinh (18/10/1963 - 18/10/2024)