Chùa Hội Khánh - Ngôi cổ tự nổi tiếng ở Bình Dương

Chùa Hội Khánh tọa lạc trên đường mang tên Chùa Hội Khánh từ đường chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chùa Hội Khánh được xây dựng vào năm 1741 do Đại Ngạn thiền sư Từ Tấn khai sơn sáng lập.

Giữa thế kỷ XVII,trên bước đường dân du truyền bá Phật pháp, thiền sư Đại Ngạn Từ Tấn thuộc thế hệ thứ 3 của dòng lâm tế đã đến vùng đất Thủ Dầu Một và lập ra một cái Thảo am nhỏ để tu hành đạo pháp. Sau đó xây dựng thành chùa Hội Khánh. Từ cái mốc lịch sử này, vùng đất Thủ Dầu Một từng bước hình thành chùa chiềng, dân cư hướng về Phật giáo. Công đức và sự tu hành của Đại Ngạn Thiền Sư đã thổi một luồng gió tinh thần đạo Phật ở vùng đất Thủ Dầu Một lúc bấy giờ.

Đến năm 1861, Pháp chiếm Thủ Dầu Một, và thiêu rụi hoàn toàn chùa Hội Khánh.

Năm 1868 hòa thượng Toàn Tánh Chánh Đắc xây dựng lại ngôi chùa hiện hữu.

Từ khi xây dựng năm 1741 đến nay 2018 (277 năm) tồn tại, Chùa Hội Khánh trải qua 10 đời trụ trì:

  • Thiền sư Đại Ngạn Từ Tấn: (1711 – 1883)
  • Hòa thượng Chân Kính
  • Chánh Đắc
  • Trí Tập
  • Thiện Quới
  • Từ Văn ( đời thứ 6. 1906 -1931, chí sỹ yêu nước)
  • Ấn Bửu – Thiện Quới
  • Thị Huê – Thiện Hương
  • Đồng Bửu – Quảng Viên
  • Thích Huệ Thông
  1. Kiến trúc nghệ thuật:

Về cấu trúc, chùa gồm 5 phần chính: Tiền điện – chánh điện; giảng đường kiến trúc này có 92 cột gỗ quý), Đông lang, Tây lang và Hậu đường.

Bên cạnh 5 phần chính của ngôi chùa còn có Cửa tam quan: là công trình kiến trúc thể hiện nghệ thuật khảm gốm khá tinh sảo của bàn tay tài nghệ của lớp thợ Thủ Dầu Một, đồng thời giới thiệu được sản phẩm gốm sứ – một trong những ngành nghề truyền thống có mặt khá sớm tại Bình Dương. Chủ đề trang trí khảm gốm gắn liền với tư tưởng phật giáo: hoa sen, tứ linh (long, lân, quy, phụng), đặc biệt là nghệ thuật đắp nổi mảnh gốm tạo hình những con vật trên khảm gốm rất độc đáo và tinh sảo.

Trong khuôn viên của chùa tái hiện Tích tứ đồng tâm của đức phật Thích ca:

  • Tích Lâm Tì Ni– Nơi đức phật được sinh ra
  • Tích Bồ đề đạotràng – Nơi đức phật hành đạo
  • Tích Vườn lộc uyển– Nơi đức phật chuyển pháp luân cho tu sĩ
  • Tích Sa la song thọ– Nơi đức phật nhập niết bàn

Phần chánh điện mang dáng dấp của một ngôi nhà cổ Nam bộ, Hậu đường có 92 cột gỗ quý. Đông lang và Tây lang được bố trí theo kiểu sắp đôi nối liền nhau với kiến trúc ghép song song theo hình trùng thiềm trùng lương.

Chánh điện thờ Tam thế Phật tạc bằng gỗ quý sơn son thếp vàng. Đôi mắt Đức Như Lai nhìn xuống mang ý nghĩa quan sát nội tâm chỉ dạy chúng sinh luôn hướng vào tâm mình, tu học, giác ngộ.

Các tượng thờ trong chùa Hội Khánh đa phần được tạc bằng gỗ quý: gần 100 tượng gỗ, các vị La Hán và Thập điện Minh Vương dáng vẻ khác nhau được tạo bằng gỗ mít sơn son thép vàng tạo nên một công trình điêu khắc tuyệt mỹ, có giá trị nghệ thuật cao mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa.

Dấu ấn mỹ thuật, khẳng định giá trị là bộ tượng thập bát la hán không bị ràng buộc bởi nghệ thuật tôn giáo. Bộ tượng này toát lên sự sinh động, nét đặc biệt ấy đã khiến người Pháp chú ý. Pháp đã mang mô hình chùa Hội Khánh cùng bộ Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương sang triển lãm tại hội chợ Mac-xây năm 1920. Về phần nghệ thuật trang trí điêu khắc, chạm trổ, các hoa văn họa tiết, các bộ bao lam, tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung… rất công phu, sắc sảo… đặc biệt phải kể đến bộ bao lam “thập bát La Hán” (tạo tác 1921), Chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh cách đây trên 120 năm; vào năm Ất Dậu (1885) Hoà thượng Ấn Long cho khắc bộ Tam bản (mộc bản) và đây có thể là bộ mộc bản sớm nhất ở Thủ Dầu Một - Bình Dương. Hiện chùa lưu giữ các bộ kinh A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương, Phổ môn vốn đã được ấn tống cho các chùa trong tỉnh và đây cũng là các bộ kinh sách được khắc in sớm ở Nam Bộ.

  1. Giá trị lịch sử:

Từ khi thành lập đến nay chùa đã trải qua 10 vị trụ trì (9 vị đã viên tịch) trong đó không ít vị cao tăng, đạo đức tài năng nổi danh cả Nam Bộ. Ngoài Đại Ngạn thiền sư Từ Tấn - người khai sơn sáng lập chùa, có công hoằng pháp khá sớm ở địa phương này, còn phải kể đến hoà thượng Từ Văn (1877 -1931) - Ngài đã đào tạo nhiều đệ tử tài đức có công đức với đạo pháp cũng như với dân tộc.

Trong những năm 1923 -1926, chùa Hội Khánh còn là nơi qui tụ các nhân sĩ nhà nho, nhà sư yêu nước cùng lập ra “Hội danh dự” với sự tham gia của hoà thượng Từ Văn, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và cụ Phan Đình Viện … mục đích của Hội là cổ vũ cho lối sống đề cao đạo đức, coi trọng danh dự và lòng yêu quý đồng bào đất nước.

Trong thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc ở chùa Hội Khánh, cụ giao tiếp thân thiết với các nhân sĩ trí thức trong vùng, đặc biệt là hòa thượng Từ Văn và cụ Phan Đình Viện - là trí thức ở miền ngoài đã xuôi vào Nam và ở trong chùa Hội Khánh.

Tôn chỉ hoạt động của Hội danh dự là thông qua sinh hoạt, việc làm hằng ngày như dạy chữ Hán – Nôm, kê toa -  bốc thuốc giúp đỡ người bệnh để truyền bá đạo nghĩa tinh thần của ông bà, của đất nước, dân tộc, từ đó truyền bá lòng yêu nước tới đồng bào, nhân sĩ, trí thức ở Thủ Dầu Một.

Kỷ vật của Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại tại chùa Hội Khánh là: sổ xem địa lý, bàn nghiền thuốc và la bàn. Tư tưởng yêu nước được phát động ngay trong chùa là một minh chứng cho sự kết hợp giữa phong trào yêu nước và Phật giáo, cũng là minh chứng cho sự đồng hành của Phật giáo với vận mệnh của dân tộc.

Hòa thượng Từ Văn trụ trì đời thứ 6 được lưu trong sử sách chùa Hội Khánh như là một trong những chí sỹ yêu nước. Hòa thượng Từ Văn đã tiếp tục sự nghiệp thầy Tổ xiểng dương Phật pháp, đào tạo nhiều đệ tử tài đức vẹn toàn trong đó có hòa thượng Từ Tâm đã từng tham gia phong trào Nam Kỳ Khởi Nghĩa và bị Pháp đày ra Côn Đảo năm 1940.

Nối tiếp truyền thống yêu nước của các bậc tiền hiền: hòa thượng Thiện Hương trụ trì đời thứ 8 đã trực tiếp ra vùng kháng chiến nhường quyền khai thác 28 mẫu ruộng ở xã An Tây cho Cách mạng làm kinh tế để nuôi quân.

Có thể nói, sự kết hợp giữa phong trào yêu nước và Phật giáo, cũng là minh chứng cho sự đồng hành của Phật giáo với vận mệnh dân tộc là tinh thần hoạt động trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của ngôi chùa.

  1. Giá trị văn hóa:

Văn hóa phật giáo

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa Hội Khánh là trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thủ Dầu Một; năm 1953, chùa là trụ sợ Phật giáo yêu nước tỉnh Bình Dương và đến 1983 chùa Hội Khánh là trụ sở của tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương; Năm 1995, nơi đây Tỉnh hội xây dựng Trường trung cấp Phật học.

  • Đại hồng chung

Đại hồng chung của chùa được đúc vào năm Quí Mùi (1883) do Bổn đạo Dương Văn Lúa hiến cúng. Điều đó cho thấy đạo phật đã phát triển khá sớm và khá vững mạnh tại Thủ Dầu Một lúc bấy giờ.

  • Bộ mộc bản

Vào năm Ất Dậu 1885 hòa thượng Ấn Long đứng ra triệu tập chư tôn hiền Đức phát tâm. Khắc bộ mộc bản in kinh phát hành cho các chùa. Bộ kinh Di đà, Hồng Danh, Vu lan, Khổ Ngôn,… đầu tiên đã ra đời và dần trở thành Trung tâm ấn tống kinh sách cho cả vùng Nam Bộ.

  • Tượng Phật niết bàn

Rằm tháng 02 năm canh dần (20/3/2010) chùa Hội Khánh rực rỡ hoa đăng của hàng vạn chư tôn tăng ni, Phật tử trong và ngoài tỉnh mừng lễ khai nhãn an vị Phật tượng Thích Ca nhập niết bàn. Đây là một trong 4 thánh tích quan trọng liên quan đến cuộc đời  của đức Phật. Tượng Phật nhập niết bàn được đặt trên mái trường trung cấp Phật học. Đây chính là nơi đào tạo những bậc tăng ni am hiểu về Phật pháp, Văn hóa, Triết học.

  • Di sản liễn đối hán nôm:

Ấn tích không thể bỏ qua khi vãn chùa Hội Khánh là “công trình” liễn đối Hán Nôm, hoành phi, thơ văn còn lưu giữ ở Chùa rất phong phú và còn lưu giữ khá nguyên vẹn.

Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động

Thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thủy vô ngân.

Bóng trúc, vẫn bụi trên thềm, vầng trăng, làn nước biển… Tất cả đều rất sống động. Cảnh ngầm gợi một ý sâu xa về “sắc” và “không”. Bóng Trúc lay động trên thềm…, vầng trăng xuyên xuống nước là “sắc” – tưởng là hiện hữu đấy nhưng rồi chỉ là hư ảo, là “không”. Sắc tức thị không”…Ngộ được “Sắc” là “không” thì tâm chẳng động. Tâm không động thì “Không vẫn bụi” và “phẳng như nước lồng gương”. 

Hoành phi:

Bi Trí Dũng

Theo giáo lý nhà Phật, con người cần có 3 đức tính là: Bi Trí Dũng phải song song phối hợp, hỗ trợ nương tựa nhau, không thể thiếu một. Nếu có Bi (tình thương) mà thiếu trí (lí trí) xét đoán, thì bi ấy sẽ bị sai lầm, mù quáng. Nếu có trí mà không có Bi, thì trí ấy trở nên nguy hiểm. khi có bi và trí mà thiếu dũng, thì bi và trí cũng vô dụng, vì không vượt qua được khó khăn, trở ngại để thực hiện bi, trí mà đặt đến thành công. Có dũng mà thiếu bi và trí, thì dũng ấy dễ sai lạc bởi hành động thiếu suy nghĩ và có khi trở thành độc ác, rơi vào con đường trụy lạc.

Công trình liễn đối hán nôm ở chùa Hội Khánh mang nội hàm giáo dục con người đến với nhân, nghĩa, hiếu, trung.

Với bề dày về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật, chùa Hội Khánh được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 43 VH/QĐ, ngày 07/01/1993. Và trở thành điểm đến du lịch tâm linh của tỉnh Bình Dương hiện nay.

                                                                                                                 TTXTDL(T)