Đình thần Tân Thới “chứng nhân” cho quá trình định cư của người Việt ở Lái Thiêu

Bao đời nay, khi nói đến văn hóa làng chúng ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh mang tính biểu tượng đó là những “cây đa, bến nước, sân đình”

Đình làng không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian.

Đình thần Tân Thới là một trong những “chứng nhân” cho quá trình hình thành, phát triển của vùng đất và con người Lái Thiêu – Thuận An, khẳng định lịch sử định cư lâu dài của cư dân người Việt ở vùng đất này. Đình Tân Thới là nơi thờ Thần Thành hoàng cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai hoang mở đất, quy tụ dân chúng, tạo lập làng xã. Nơi đây đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân người Việt ở địa phương, đồng thời thu hút cộng đồng người Hoa tại Lái Thiêu đến thắp hương chiêm bái, thể hiện sự tôn kính đối với vị Thần cai quản địa bàn mà họ an cư lập nghiệp hàng trăm năm qua.

Đình Tân Thới

Đình có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Tân Thới – Lái Thiêu. Trong thời kỳ mở đất lập làng, Đình là nơi chở che con người đang từng bước được con người chinh phục vùng đất mới để tạo nên thôn, ấp, làng xã như ngày nay. Đình Tân Thới còn là biểu tượng thể hiện nét văn hóa truyền thống mang tính chất cộng đồng, là chứng tích nhằm khẳng định chủ quyền, thông qua đình làng đã khẳng định lịch sử định cư lâu dài của cư dân người Việt ở vùng đất này.

Trải qua hàng trăm năm bảo tồn và phát triển, tuy mỗi thời kỳ có hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng Đình Tân Thới vẫn là nơi nhân dân tìm về với những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, thể hiện sự biết ơn với các bậc tiền nhân đã có công khai phá vùng đất mới.

Đình Tân Thới hội tụ nhiều giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, phong cách kiến trúc nghệ thuật. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính, bình dị giữa một đô thị sầm uất của Lái Thiêu – Thuận An. Đình Tân Thới là ngôi đình thu hút rất nhiều người Hoa đến lễ bái, thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa hai cộng đồng Việt – Hoa vô cùng đậm nét, điều này được chứng minh qua hệ thống hoành phi trang trí tại tiền điện, những bức hoành phi này đều là tặng phẩm của những hội đoàn, bang hội người Hoa. Có thể thấy đối với cộng đồng người Hoa ở đây, ngôi Đình Tân Thới chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của họ.

Hệ thống di vật, cổ vật còn lưu giữ tại Đình gồm sắc phong, hoành phi, liễn đối, vật dụng thờ cúng,… được bảo lưu là nguồn sử liệu quan trọng liên quan đến lịch sử của đình cũng như vùng đất Tân Thới – Lái Thiêu – Thuận An. Sắc phong Đình Tân Thới được vua Tự Đức ban tặng vào đầu năm 1853, đây là hiện vật quý, được xem là một trong số ít ngôi đình tại Bình Dương còn lưu giữ được sắc phong nguyên bản. Hoành phi, liễn đối trong Đình Tân Thới hàm chứa nội dung về những triết lý nhân sinh, thể hiện ước muốn cao đẹp về một vùng đất thanh bình, thịnh vượng, nhà nhà an yên, đồng thời cũng là thông điệp của các bậc tiền nhân truyền dạy đến hậu thế muôn đời.

Đình Tân Thới là nơi thờ Thành hoàng làng cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai hoang mở đất, quy tụ dân chúng, tạo lập làng xã. Nơi đây đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân người Việt ở địa phương, đồng thời thu hút cộng đồng người Hoa tại Lái Thiêu đến thắp hương chiêm bái, thể hiện sự tôn kính đối với vị Thành Hoàng làng cai quản địa bàn mà họ an cư lập nghiệp hàng trăm năm qua. Hiện nay, Đình Tân Thới còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và nghi thức thờ cúng truyền thống, lễ hội của một đình làng Nam Bộ. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức thường niên ở Đình Tân Thới có ý nghĩa biểu đạt tâm linh, thể hiện khát vọng hướng thiện, ý thức tìm về cội nguồn dân tộc, là chất kết dính tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.

Đình Tân Thới có khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp đồng thời ngôi đình còn thể hiện sự giao lưu giữa văn hoá Hoa - Việt qua hệ thống hoành phi, lễ hội trong đình, hệ thống thờ tự trong Miếu Bà Chúa Xứ . Đó là kết quả tất yếu của hai cộng đồng người sinh sống bên cạnh nhau một thời gian rất dài. Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, đình Tân Thới cũng rất có giá trị về văn hoá Hán Nôm và lễ hội.

Những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Đình Tân Thới được biểu hiện thông qua các di sản vật thể và phi vật thể còn hiện hữu trong đình. Đó là thứ tài sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã hun đúc, gìn giữ và truyền lại cho con cháu muôn đời. Bảo vệ và phát huy các giá trị truyền thống có ý nghĩa hết sức thiết thực trong đời sống xã hội hiện nay, thể hiện sự biết ơn của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, lấy đó làm cội nguồn để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đình Tân Thới được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, ngôi đình đã được sửa chữa, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương. Ngày 26/10/2022 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 2678/QĐ-UBND công nhận đình Tân Thới, phường Lái Thiêu là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, khẳng định giá trị lịch sử văn hóa đang được bảo tồn và lưu giữ tại đình, xác lập cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nơi cố kết cộng đồng, làng mạc, bồi đắp tình yêu quê hương xứ sở cho các thế hệ.

                                                               Nhật Khánh - Phòng VH&TT TP.Thuận An