Nghề guốc truyền thống ở Bình Dương

Ra đời nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm đẹp của con người, nghề làm guốc truyền thống ở Bình Dương đã hình thành cách nay khoảng hơn 100 năm.

Các cơ sở làm guốc chủ yếu tập trung trên địa bàn phường  Phú Thọ (thành phố Thủ Dầu Một) và phường Bình Nhâm (thị xã Thuận An). Theo tài liệu thống kê trong địa chí Thủ Dầu Một năm 1901 thì xóm làm guốc Phú Văn (nay là phường Phú Thọ) có trên 80 hộ gia đình sống bằng nghề làm guốc từ cha truyền con nối, chính vì vậy ở đây có hẳn một con đường mang tên “Xóm Guốc” (năm 1999, tên đường này được công nhận và ghi vào hệ thống các tên đường của thành phốThủ Dầu Một).

Nguyên liệu làm guốc thường là các loại gỗ xốp nhẹ, dễ xẻ và tạo dáng như: gỗ mít, xoài, dừa, trầm hương, thông,.. Theo một nghệ nhân làm guốc ở phường Phú Thọ để làm ra đôi guốc phải trải qua nhiều công đoạn: từ cây gỗ phải cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ; mài thô rồi định hình dạng của chiếc guốc; sau đó mài bóng, mài nhẵn và phun sơn; công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai hay sơn trang trí tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Công đoạn xẻ gỗ
Phơi đế guốc

Guốc gồm có nhiều loại như: guốc mộc, guốc sơn, guốc vẽ khắc hoa văn; về sau guốc được kết hợp với nhiều ngành nghề thủ công khác như: nghề sơn mài, thêu tay, kết cườm tạo thành những đôi guốc mộc có giá trị và tính thẩm mỹ cao.

Sản phẩm guốc xuất khẩu của công ty Hùng Thái
Một số sản phẩm guốc của cơ sở làm guốc của ông Sáu Dẻo ở phường Phú Thọ

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, xóm guốc ở phường Phú Thọ và phường Bình Nhâm hiện nay chỉ còn vài hộ làm nghề với quy mô hộ gia đình và thời gian làm guốc cũng chỉ khoảng vài tháng trong năm; các cở sở này chủ yếu gia công guốc và xuất đi các thị trường tiêu thụ khác để tạo ra thành phẩm như: TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội,…Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển nghề làm guốc do thị hiếu và sức cạnh tranh của thị trường nhưng với tâm huyết với nghề, một số cơ sở guốc ở Bình Dương vẫn quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề guốc. Nhờ đó, làng nghề không chỉ tạo điều kiện phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, tạo việc làm cho người lao động, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa mà còn trở thành một trong những địa điểm du lịch làng nghề thú vị của du khách khi đến Bình Dương.

Một số địa điểm tham quan cơ sở làm guốc:

Cơ sở của ông Sáu Dẻo

13/65, khu phố 6, đường Lý Tự Trọng, P. Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một.

Công ty TNHH SX-DV-TM Hùng Thái

1/43B Bình Thuận, P. Bình Nhâm, TX. Thuận An.

Trung tâm Xúc tiến Du lịch