Làng nghề bánh tráng Phú An
Bình Dương vùng đất thân thương nơi tôi sinh ra và lớn lên nơi có nhiều làng nghề nổi tiếng trong đó có Làng nghề bánh tráng Phú An. Xã Phú An (Thị xã Bến Cát, Bình Dương) cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng 15 cây số về phía bắc, nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Nếu các bạn có dịp ghé qua làng bánh tráng Phú An vào ngày nắng rực rỡ, những tấm liếp phơi bánh tráng xa trông như một tấm thảm với những hình tròn trắng tinh khôi.
Làng nghề tráng bánh Phú An đã vang xa từ mấy năm nay. Bánh tráng Phú An nổi tiếng ăn ngon, chất bột dẻo, dai không bị giòn bể mỗi khi quấn lại. Người dân tráng bánh ở đây không chỉ khéo tay, chăm chút từng cái bánh làm ra mà họ còn rất chú trọng vào nguyên liệu bột. Cũng chính vì thế mà bánh họ làm ra rất tốn kém chi phí. Bột chất lượng giá phải cao. Thị trường hiện nay có nhiều loại bột, giá mỗi bao cũng khác xa nhau. Tuy nhiên hầu hết các hộ tráng bánh thủ công ở đây chỉ tiêu thụ loại bột tốt. Mỗi bao bột tráng ra thành phẩm được 2 thiên (2000 bánh), giá bột ngày một tăng cao. Vì thế người tráng chủ yếu lấy công làm lời.
Tôi cũng từng được nghe bà, nghe mẹ kể về những câu chuyện hay cách làm bánh tráng nhưng thực sự phải chứng kiến tận mắt tôi mới cảm nhận được hết sự kỳ công, khéo léo và cả sự vất vả của người thợ bánh. Đến Phú An vào lúc mọi người làm bánh, tôi mới thấy hết được sự nhộn nhịp của một làng nghề truyền thống. Già có, trẻ có, người tráng bánh, người phơi bánh phối hợp nhịp nhàng nhanh thoăn thoắt. Giữa trưa nắng gắt, nhiều người phải e sợ nắng rám da người nhưng bà con xem nó là cơ hội, tranh thủ nắng đẹp phơi bánh cho kịp kẻo trời hết nắng bánh lâu khô mất ngon. Có gia đình đã 4 đời gắn bó với nghề tráng bánh tráng, ông bà, đến đời cha mẹ, rồi con cái, rồi cháu chắt. Nhờ cái bánh tráng mà nuôi con, nuôi cháu khỏe mạnh dù không khá giả mấy. Kinh nghiệm mấy đời cứ mỗi độ vào dịp tết, bánh tráng hút hàng dân đổ xô tìm mua về phục vụ khách ngày tết. Vì thế bà con cứ thay nhau tráng bánh không để ông lò nghỉ ngơi.
Nghề bánh tráng ở Phú An có cách đây hàng trăm năm. Sau bao nhiêu thăng trầm, hiện nay nghề làm bánh tráng đang phát triển mạnh trở lại. Nghề làm bánh tráng tập trung ở các ấp: Bến Liễu, Phú Thuận, Bến Giảng. Bánh tráng của Phú An được các thương lái bỏ mối ở chợ Thủ Dầu Một và ở Sài Gòn. Bánh tráng Phú An dẻo, trắng, cuốn với thịt, cá và rau ăn rất thơm ngon vì vậy được nhiều người chuộng.
Làng nghề bánh tráng Phú An nổi tiếng, nhà nhà đều tất bật với các công đoạn tạo ra những chiếc bánh tráng trắng, mềm dai tạo nên thương hiệu đặc sản của địa phương. Trong những năm gần đây bánh tráng Phú An đã lên đường đi xuất khẩu, chủ yếu là sang Pháp, Mỹ.
Thị trường tiêu thụ của bánh tráng ngày càng mở rộng, không những trong nước mà cả quốc tế. Rất nhiều cơ sở sản xuất bánh tráng sản xuất bánh tráng không đủ cung cấp. Ít ai biết rằng, bánh tráng loại bánh giản dị lại trở thành mặt hàng xuất khẩu của một miền quê nghèo khó, giúp người dân dần thoát cảnh đói nghèo. Nhờ bánh tráng, những ngôi nhà khang trang được dựng lên... Thế nhưng, để nghề này phát triển bền vững, cần tìm được hướng đi thích hợp.
Người làm bánh tráng ở Phú An bày tỏ mong muốn các ban ngành của huyện và tỉnh ủng hộ, hộ trợ xã trong việc đăng ký thương hiệu bánh tráng Phú An và công nhận Phú An là làng nghề để người dân có điều kiện phát triển, có thể vay vốn đầu tư hoặc thu hút đầu tư cơ giới hoá sản xuất. Nhất là làm sao có được vốn đầu tư xây dựng lò sấy bánh để người dân không còn phụ thuộc vào thời tiết và nâng cao chất lượng sản phẩm. Và cũng ấp ủ dự định sẽ tiến hành khảo sát, tham quan mô hình hợp tác xã ở các nơi khác để sau đó xin thành lập hợp tác xã sản xuất bánh tráng ở Phú An. Hy vọng rằng làng nghề làm bánh tráng truyền thống Phú An ngày càng phát triển và càng tạo được tiếng vang cả trong và ngoài nước.
Đến thăm làng nghề tôi mới thực sự cảm nhận được sự vất vả nhưng đầy tâm huyết của người dân trong từng cái bánh tráng. Hy vọng trong tương lai, làng nghề bánh tráng Phú An sẽ ngày càng phát triển để nhiều người biết đến và thưởng thức hơn nữa.
--- TTXTDL ---