Nhà cổ Dương Văn Hổ

Nhà cổ Dương Văn Hổ tại ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên

Đây là một trong hai nhà cổ trên đất Bạch Đằng đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Ngôi nhà đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật vào ngày 25/8/2020.

Ngôi nhà do ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) xây dựng trong vòng 4 năm (từ năm 1911-1914. Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng trên một gò đất cao, gần sông Đồng Nai. Tổng diện tích của di tích hơn 2.935m2, gồm nhà chính và nhà phụ; ngôi nhà chính quay về hướng Đông. Ngôi nhà được xây dựng theo dạng chữ Đinh (丁), đây là kiểu nhà truyền thống của người Việt, mái lợp ngói âm dương, có ba gian, hai chái.

Điểm nổi bật và giá trị trong kiến trúc nhà cổ Dương Văn Hổ phải kể đến là các kết cấu gỗ của khung nhà. Hệ thống 50 cột gỗ (chia làm 5 hàng cột), xây dựng theo lối xuyên tâm các cặp vì kèo, đòn tay... tạo nên một không gian cổ kính. Bộ khung ngôi nhà hoàn toàn được làm từ các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, gụ, căm xe... Không gian nội thất bên trong được chia làm hai phần rõ rệt: “nội tự”, “ngoại khách”. Trong ngôi nhà cổ này còn có các bao lam trang trí các chủ đề như phụng, kỳ lân, nai, sóc, hoa sen, hoa cúc, dây lá nho, mai, lan, cúc, trúc, sen... được chạm khắc lộng hết sức khéo léo, cùng với một số hoành phi viết bằng chữ Hán vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. Ngoài nhà chính, trong khuôn viên di tích nhà cổ Dương Văn Hổ còn có một căn nhà phụ (nhà dưới). Đây là một căn nhà ngang, nối liền với nhà chính và cũng làm bằng gỗ nhưng kiến trúc, hoa văn trang trí đơn giản hơn nhiều so với nhà chính. Nhà phụ có diện tích 91,1m2, dùng làm nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình và cũng là nơi cả nhà thường gặp gỡ trao đổi, bàn công việc, nơi học hành cho con cái, nơi tiếp khách thường ngày.

                                                                                                   Trung tâm Xúc tiến Du lịch