Bình Dương phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch công nghiệp

Du lịch Bình Dương - trải nghiệm và cảm nhận

Là một thủ phủ công nghiệp, Bình Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch công nghiệp. Loại hình du lịch này được địa phương kỳ vọng phát triển như một nét đặc trưng riêng biệt không trùng lặp, nhằm quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

Nét đặc trưng riêng biệt

Mỗi tháng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yakult Việt Nam (thành phố Thuận An, Bình Dương) tiếp đón trung bình khoảng 3.000 khách tham quan dây chuyền sản xuất, quy trình hoạt động và tìm hiểu lịch sử công ty. Đây là địa điểm mới nổi tại Bình Dương khoảng hơn một năm gần đây, thu hút rất nhiều học sinh, sinh viên, người lớn, gia đình, trẻ em từ 4 tuổi trở lên. 
Thông thường, đơn vị nào muốn tham quan nhà máy của Yakult Việt Nam sẽ đặt lịch tại website và gọi số hotline của Công ty. Các tour tham quan hoàn toàn miễn phí. Tại đây, mọi người được cung cấp thông tin về cơ cấu tổ chức của nhà máy Yakult và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yakult tại Việt Nam; tham quan khu triển lãm tranh 3D; quy trình sản xuất và các quầy hàng lưu niệm; mua bán sản phẩm của Công ty. 


Du khách tham quan mô hình du lịch công nghiệp tại Công ty TNHH Yakult Việt Nam (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát

Sau khi tham quan nhà máy, bạn Lê Thị Huyền, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đây là chuyến tham quan thực tế, khác với những chuyến du lịch trải nghiệm Huyền từng tham gia. Điều em ấn tượng nhất là được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất khép kín, đóng gói sản phẩm, các thiết bị trong nhà máy rất hiện đại và tiên tiến. Chuyến tham quan mở ra cho em những suy nghĩ và định hướng nghề nghiệp tương lai cũng như yên tâm hơn khi dùng sản phẩm.   

Bảo tàng Fitô (Bảo tàng Dược cổ truyền Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương) là một quần thể rộng hơn 2.000 m2 gồm các tòa nhà kiến trúc đẹp mắt theo phong cách truyền thống ba miền của Việt Nam. Bảo tàng nằm trên đường Quốc lộ 13, phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 phút đi xe. Nơi đây chỉ mở cửa vào thứ Ba và thứ Bảy hằng tuần, đón chủ yếu các đoàn du khách nước ngoài và học sinh, sinh viên, người dân quan tâm đến ngành Y, Dược.


Du khách tham quan mô hình du lịch công nghiệp tại Bảo tàng Fitô (Bảo tàng dược cổ truyền Việt Nam - chi nhánh Bình Dương). Ảnh: TTXVN phát.

Theo anh Lê Song Hồ, hướng dẫn viên tại Bảo tàng Dược cổ truyền Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, trung bình mỗi tháng Bảo tàng đón tiếp hơn 100 khách du lịch với giá vé vào cổng 180.000 đồng, nếu muốn tham quan cả dây chuyền sản xuất nhà máy thì giá vé là 280.000 đồng. Du khách sẽ được tham quan bộ sưu tập 1.000 tranh vẽ các dược liệu (thảo mộc), được xem là bộ sưu tập hình vẽ dược liệu lớn nhất Việt Nam; mô hình thuốc Đông y, thuốc Nam; bắt mạch, khám bệnh miễn phí; trải nghiệm làm thuốc...

Tại nhiều nước trên thế giới, du lịch công nghiệp không phải là mới lạ, nhưng với Việt Nam loại hình này vẫn còn tương đối mới mẻ. Bình Dương hiện là “thủ phủ công nghiệp” với hàng loạt khu công nghiệp hiện đại, nhiều khu vui chơi, giải trí, ẩm thực đa dạng. Đây là địa phương có cả 2 loại hình du lịch truyền thống và hiện đại xen kẽ nhau. 

Ông Phạm Hồng Thi, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, cùng với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đã được công nhận, các làng nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ với bề dày lịch sử hơn 300 năm, Bình Dương còn có khoảng 30 khu công nghiệp đang hoạt động sản xuất với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Đây là những tiềm năng và lợi thế để tỉnh khai thác, phát triển du lịch công nghiệp. 

 

Khắc phục khó khăn, phát triển bài bản

Ông Phạm Hồng Thi chia sẻ, từ cuối năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã lên kế hoạch xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp trên địa bàn với mục đích khai thác thế mạnh trong phát triển công nghiệp, phát triển loại hình du lịch công nghiệp phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch. Bình Dương thực hiện liên kết, kết nối tour, tuyến tham quan các nhà máy, công ty, cơ sản xuất trong các khu công nghiệp với các khu, điểm du lịch, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong, ngoài tỉnh nhằm giới thiệu đến đông đảo du khách loại hình du lịch mới này. 

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ các nhà máy, công ty, cơ sở sản xuất công nghiệp giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, quy trình sản xuất hàng hóa đến với đông đảo du khách và người tiêu dùng. Từ đó, nâng cao vị thế, hình ảnh, sản phẩm của đơn vị trên thị trường trong nước và quốc tế góp phần tiêu thụ sản phẩm. 

Giai đoạn đầu, tỉnh tập trung khai thác các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất trên địa bàn thành phố Thuận An gồm: Khu công nghiệp VSIP I, Khu công nghiệp Đồng An, Nhà máy sản xuất Yakult, Nhà máy bảo tàng Dược Fito, Nhà máy sản xuất da cá sấu. Giai đoạn 2, tỉnh phát triển thêm về khu công nghiệp, nhà máy sản xuất trên địa bàn thị xã Bến Cát, Khu công nghiệp Mỹ Phước, Nhà máy Vinamilk... Từ năm 2023 tới nay, trung bình mỗi tháng tại 10 điểm nhà máy, bảo tàng... tiếp đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Thi, sau 2 năm trải qua COVID-19, các doanh nghiệp mất thêm một năm để tái cơ cấu nhân sự và chuẩn bị các phương án xây dựng tour nên đến đầu năm 2023, loại hình du lịch công nghiệp tại Bình Dương mới chính thức khởi động. Khó khăn trong phát triển thêm các điểm tham quan khác là do nhiều nhà máy chưa đầu tư, chưa có kỹ năng làm về các điểm tham quan, giữ bí mật thông tin về dây chuyền sản xuất; nhiều đơn vị chủ yếu hoạt động thuần về kinh doanh nên không muốn kết nối mở tour tham quan.

Để khắc phục khó khăn và phát triển loại hình du lịch công nghiệp bài bản hơn, ông Phạm Hồng Thi cho biết, sắp tới Trung tâm sẽ tổ chức đoàn khảo sát, gồm lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Công Thương, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Dương đến khảo sát và làm việc với một số doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô, tiềm năng tại tỉnh để mời tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch công nghiệp.

Trung tâm sẽ tổ chức hoạt động famtrip dành cho các chuyên gia về du lịch, công ty lữ hành, các đơn vị truyền thông đến khảo sát, tham quan, tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp mà đoàn đã khảo sát, làm việc trước đó. Đồng thời, Trung tâm kết hợp tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi thông tin giữa các nhà chuyên môn du lịch, công ty lữ hành, các đơn vị truyền thông với đại diện các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, những đơn vị có liên quan nhằm thống nhất xây dựng các tour, tuyến và các sản phẩm du lịch.

Trên cơ sở những điểm đến tham quan đã làm việc và khảo sát trước đó, Trung tâm sẽ kết hợp với các điểm đến, điểm dừng chân, dịch vụ ăn uống, mua sắm hiện có của tỉnh. Căn cứ vào đối tượng khách phục vụ, Trung tâm nắm bắt nhu cầu, ý kiến của họ để xây dựng lịch trình tham quan chuyên về du lịch công nghiệp, hoặc kết hợp với các sản phẩm du lịch khác, chương trình liên kết giữa các tỉnh trong vùng,... hoàn chỉnh, đưa vào phục vụ khách hàng.

Trung tâm cũng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đến các khách hàng tiềm năng thông qua đa dạng kênh truyền thông như: báo, đài phát thanh, mạng xã hội, Tạp chí Du lịch Việt Nam, TripAdvisor... và trên các trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sự kiện du lịch được tổ chức trong và ngoài tỉnh.

                                                                           Huyền Trang (TTXVN)