Chùa tổ Long Hưng
Chùa hiện ở phường Tân Định, thị xã Bến cát. Vào năm Mậu Tý (1768), đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29, ở vùng này dân chúng lập am cho Hòa thượng Đạo Trung tu hành. Sau lấy tên là chùa Long Hưng. Thiền sư Đạo Trung - Thiện Hiếu là một Cao Tăng thuộc thế hệ thứ 38 phái Thiền Lâm Tế truyền theo dòng kệ của Tổ Liễu Quán: Thiệt Tế Đại Đạo. Thiền sư Đạo Trung là đệ tử đắc pháp với Thiền Sư Đại Quang - Chí Thành. Thiền sư Đại Quang là người có công xiển dương Phật giáo ở miền Tây.
Tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu sinh năm Quý Hợi (1743). Ngài đến vùng bưng (Cầu Định) vào khoảng năm 1768, được dân làng dựng am nhỏ cho tá túc, thiền định. Đến năm 1794 (Giáp Dần), danh tiếng, đạo đức của ngài được lan rộng khắp vùng. Dân chúng phát tâm xin tổ cho trùng tu lại chùa để làm nơi thờ phụng được khang trang hơn. Tổ Đạo Trung - Thiện Hiếu có công lớn trong việc truyền bá chánh pháp nơi đây. Hiện nay chưa biết rõ tên tục và nguyên quán của ngài, chỉ biết ngài là bậc long trượng của chốn thiền môn, là vị khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa như: Linh Sơn trên núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh); Long Hưng (ấp 4 xã Tân Định, Bến Cát); Hội Hưng (Củ Chi, TP.HCM); Hội Lâm (còn gọi là chùa Bà Tang ở xóm Chùa, xã An Phú). Ngài từng đến hành đạo tại các chùa: Hội Khánh, Long Thọ (Tp. TDM); Hội Sơn (Thủ Đức) và Bửu An (Bến Gỗ - Biên Hoà).
Chùa hiện nay không còn di tích cũ. Ngôi chánh điện đã bị chiến tranh làm đổ nát vào ngày 19- 9-1966. Vào năm 1986, Phật tử chùa đã xây dựng lại ngôi chánh điện nằm ở phía sau nền chánh điện cũ bằng vật liệu gỗ, kiến trúc cổ 3 gian 2 chái. Sau khi hoà thượng trụ trì đời thứ 8 viên tịch vào năm 1989, chùa không có người thừa kế. Mãi đến năm 1995, Tỉnh hội mới bổ nhiệm Thượng toạ Thích Hồng Long, sinh năm 1951 (Chánh Ban Đại diện Phật giáo Bến Cát, Đại biểu HĐND, Uỷ viên UB.MTTQVN huyện Bến Cát) về trụ trì. Vào tháng 3 năm 2001, thượng toạ trụ trì và Phật tử tổ chức đặt đá trùng tu ngôi chánh điện trên nền cũ. Đến với chùa Long Hưng hôm nay hẳn là ta thấy hoàn toàn khác với cảnh trí của ngôi chùa năm xưa. Từ đường chính vào chùa độ khoảng gần 500 mét, vùng bưng đỉa và đồng ruộng bạt ngàn năm xưa không còn nữa bởi do sự phát triển của khu công nghiệp cũng như sự phát triển dân số và nhà cửa, nhưng chùa Bưng Đỉa vẫn còn giữ được sự trầm lặng thánh thoát của thiền môn và thấp thoáng ta vẫn còn trông thấy vài mảnh ruộng còn sót lại của vùng Bưng Đỉa… Ngày 4 -7 -2005, chùa Long Hưng được Sở Văn Hoá - Thông Tin tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh.