Đại biểu dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 tham quan các khu, điểm du lịch của Bình Dương

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 là sự kiện Quốc tế quan trọng đầu tiên trong năm 2024 được tổ chức tại Bình Dương.

Sáng ngày 16/4/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, Công ty Liên doanh KCN Việt Nam – Singapore, Trung tâm Thương mại Thế giới - WTC và các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình tham quan thực tế các khu, điểm đến của Bình Dương cho đại biểu tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 tại tỉnh Bình Dương.

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 là sự kiện Quốc tế quan trọng đầu tiên trong năm 2024 được tổ chức tại Bình Dương. Diễn đàn gồm có 6 phiên họp toàn thể và 21 phiên đối thoại, thảo luận bắt đầu từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 16 tháng 4 năm 2024 với 300 khách mời quốc tế cao cấp và 400 khách mời trong nước tham dự.

Trong khuôn khổ của Chương trình, sáng ngày 16/04/2024 đại biểu dự Diễn đàn đã tham gia Chương trình tham quan thực tế các khu, điểm đến của Bình Dương. Tham gia Chương trình có ông Frank – Jurgen Richter – Chủ tịch Diễn đàn Horasis cùng 53 đại biểu đến từ các quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore,… với các điểm tham quan gồm: Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Bình Dương (IOC), Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Khu công nghiệp VSIP II.

Đến với IOC, đại biểu được tham quan và nghe giới thiệu về Trung tâm giám sát, điều hành thông minh IOC (Intelligent Operations Center). Đây là nơi cho phép tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của bộ, ngành, địa phương trên tất cả các lĩnh vực, cung cấp cái nhìn tổng thể theo thời gian thực đối với các tài sản, dịch vụ thông minh, qua đó giúp lãnh đạo các cấp có thể giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do bộ, ngành, địa phương cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định; mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm tham quan thứ 2 là Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, các đại biểu được tham quan Vườn ươm doanh nghiệp (BBI); Trung tâm An ninh mạng (Cyber Security Center); Trung tâm đổi mới sáng tạo công nghiệp 4.0; Trung tâm giải pháp bền vững,... gắn công tác đào tạo với phát triển kinh tế, nhu cầu xã hội. Trường là trung tâm nghiên cứu khoa học - ứng dụng và chuyển giao công nghệ, làm động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Bên cạnh những điểm đến về thành tựu kinh tế, giáo dục thì điểm đến về di sản văn hóa cũng trở thành dấu ấn không thể quên đối với đại biểu khi tham gia chương trình. Đại biểu được tham quan, nghe thuyết minh và trải nghiệm vẽ tranh sơn mài tại Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp – làng nghề truyền thống đã tồn tại và phát triển trên 200 năm tại Bình Dương. Trong quá trình tồn tại và phát triển, các nghệ nhân sơn mài đã không ngừng đổi mới, sáng tạo và kết tinh những giá trị văn hoá trong từng sản phẩm sơn mài. Đặc biệt, sản phẩm sơn mài ứng dụng có nhiều đóng góp cho địa phương về kinh tế, văn hoá khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế. Với những giá trị đó, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.

Tại địa điểm cuối cùng của Chương trình, Đoàn đại biểu được tham quan và nghe giới thiệu về Khu công nghiệp VSIP II có tổng diện tích 2.045 ha với hệ sinh thái khoa học, hiện đại đáp ứng được yêu cầu của nhiều nhà đầu tư quốc tế tại Bình Dương. Được hình thành dựa trên quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Singapore, Khu công nghiệp VSIP II sau 16 năm phát triển đã khẳng định vị thế của một khu chế xuất, khu sản xuất công nghiệp hàng đầu tỉnh Bình Dương.

Phát biểu trong chương trình tham quan, Ông Frank – Jurgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Horasis nói: “Sáng nay chúng tôi đã có một chuyến đi rất thú vị, chúng tôi tới thăm làng sơn mài truyền thống, nơi các nghệ nhân tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Điều đó không chỉ mang đến cái nhìn về nền văn hóa truyền thống mà còn sự phát triển công nghệ trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới thông minh của Bình Dương. Chúng tôi nhận thấy xu hướng phát triển nhanh và bền vững ở Bình Dương…”.

Bà Lý Ngọc Dung, Công ty Công nghệ bảo vệ môi trường Lipatech tại Mỹ phát biểu: “Hôm nay tôi có một chuyến tham quan rất thú vị tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Qua chuyến đi tôi biết được các công đoạn và nguyên liệu để làm ra một sản phẩm sơn mài. Tôi cảm thấy những sản phẩm thủ công mỹ nghệ này rất đẹp, rất tinh xảo. Tôi rất thích chúng. Tôi đã mua được một số món vừa đẹp vừa rẻ. Ở Mỹ tôi cũng có bộ khây trà bằng sơn mài nhưng giá cao hơn ở đây gấp nhiều lần. Người nước ngoài rất thích sản phẩm sơn mài. Tôi thấy tiềm năng xuất khẩu của ngành hàng này rất lớn.

Chương trình tham quan thực tế các khu, điểm đến của Bình Dương đã góp phần tạo nên thành công cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 được tổ chức tại Bình Dương. Thông qua các hoạt động của chương trình đã quảng bá, giới thiệu về thành tựu kinh tế - xã hội và nét đẹp truyền thống văn hóa của con người Việt Nam nói chung, của Bình Dương nói riêng trong thời kỳ đổi mới đến với nhiều đại biểu từ các quốc gia tham dự Diễn đàn. 

                                                                                 Hồ Minh Thiện (TTXTDL)