Dây gùi ở làng tre Phú An
Hành trình đi tìm hoa hậu tre hay tìm về dây gùi Bến Cát!
Làng tre Phú An nằm cách TP. HCM hơn 35km, đây không những là khu bảo tồn tre tự nhiên lớn nhất cũng như sớm nhất tại Việt Nam mà còn là địa điểm đến lý tưởng cho những ngày cuối tuần. Nơi đây lưu giữ khoảng 1.500 bụi tre với nhiều giống loài khác nhau, hứa hẹn sẽ đem lại cho người yêu thiên nhiên nhiều điều lý thú. Nhiều đoàn khách đã đến nơi đây, với những chủ đề cho hành trình của mình thật thú vị. Như, đi tìm hoa hậu tre hay tìm về dây gùi Bến Cát. Trong bài này, tác giả tập hợp tư liệu và giới thiệu về dây gùi được trồng ngay cổng vào làng tre Phú An.
Trái gùi khi chín
Dây gùi (Willughbeia cochinchinensis) là loài dây leo thân hóa gổ sống trong rừng, là loài cây có quả ăn được quan trọng trọng nhất trong Chi Dây gùi. Đây là loài cây đặc hữu của Campuchia và Việt Nam (ở vùng Đông Nam Bộ).
Ở Việt Nam trước đây dây gùi sống tự nhiên rất phổ biến trong các khu rừng nguyên sinh ở Miền Đông Nam Bộ như ở Bến Cát, Lộc Ninh, Chiến khu D…nhưng hiện nay loài dây leo có quả quý này gần như sắp bị tiệt chủng do rừng nguyên sinh đã bị khai phá.
Ở Campuchia trái gùi có tên là Kuy, là loại quả còn phổ biến trong các khu rừng nguyên sinh và đang được bảo tồn và khai thác để phục vụ khách du lịch.
Trái gùi khi chín
Trái gùi chưa chín có nhựa và vị chát, đắng, không ăn được. Trái gùi chín có kích thước gần bằng quả trứng gà, có vỏ màu vàng, mỏng, khi bẻ ra phần ruột bên trong có những múi như múi mít. Trái gùi chín có vị chua ngọt và mùi thơm đặc biệt, được dùng làm quà cho những người ở thành phố và miền đồng bằng về thăm miền đông Nam Bộ.
❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃❃
Bài vọng cổ " Trái gùi bến Cát ", câu chuyện buồn về tình mẫu tử xúc động và cái chết của người mẹ dưới bánh xe lửa
bài vọng cổ Trái gùi Bến Cát ( tác giả Kiên Giang )
Được viết dựa trên 1 câu chuyện có thật ,qua lời kể của ông Hai Thành - Lái Thiêu :
Hôm ấy là ngày 8/5/1960. Chuyến tàu cuối cùng của tuyến đường Sài Gòn - Lộc Ninh trước khi ngưng hoạt động, ghé vào ga Lái Thiêu. Một người phụ nữ tay xách nách mang lỉnh kỉnh hàng hóa lên tàu. Một đứa bé theo chị đứng dưới sân ga nói với lên : "Chiều về má nhớ mua trái gùi cho con nghe
Người phụ nữ ấy là chị Trương Thị Nhành người ở làng An Thạnh. Hàng ngày, chị chở đồ gốm lên tàu đi bán chợ Hớn Quảng, Lộc Ninh. Nhà chị rất nghèo. Chồng bị bệnh không lao động được.
Đã nhiều năm qua, chị miệt mài bán buôn kiếm đồng lời về nuôi gia đình. Sức khỏe của chị mỗi ngày một yếu nhưng chị vẫn phải đi. Mỗi lần đi như thế, đứa con thường dặn chị mua trái gùi - một loại trái rừng được bán ở Hớn Quản.
Tiếng xình xịch của máy tàu, tiếng còi tàu rời ga vang lên. Chị đứng trên tàu nhìn xuống đứa con đang đưa tay vẫy chào.
Rồi chị đến Hớn Quản vào chợ buôn bán cho đến chiều dọn hàng trở về. Trước khi đến ga chị không quên mua một xâu trái gùi.
Tiếng còi tàu báo tin xe vừa chuyển bánh. Chị Nhành cầm mấy xâu gùi vội vã bước lên tam cấp. Bất ngờ, chị trượt chân ngã trên đường ray. Bánh xe lửa cán qua người chị. Thi thể chị bị đứt làm hai ...
Tàu tiếp tục đi, về đến ga Lái Thiêu, những người đồng hành cùng chị đã trao cho đứa bé xâu gùi. Thằng bé nhìn thấy gùi mà không thấy mẹ khóc thét lên: "Má con đâu? Má con đâu?".
Biết nói làm sao cho nó hiểu bây giờ? Họ đành phải tìm cách báo cho cha nó để đi về Hớn Quản gom thi thể vợ về mai táng.
Người chồng tìm đến hiện trường, gom góp những mảnh thi thể của vợ cho vào quan tài chuyển về Lái Thiêu. Từ đó anh sống cuộc sống gà trống nuôi con.
Sau 3 năm mãn tang vợ, nhiều người gợi ý mai mối cho anh. Anh từ chối và kể lại rằng có những đêm anh nằm mơ thấy chị về đặt xâu gùi trong tay con. Chị nhắc anh đắp mền cho con vì trời trở gió. Chị cũng khuyên anh đợi con lớn hãy lấy vợ vì "Mẹ ghẻ con chồng sống khó lắm ..."
Ông Hai dừng lại. Dường như ông xúc động. Câu chuyện xảy ra cũng khá lâu nhưng là vì cùng địa phương nên ông thấu hiểu.
Ông nói tiếp: "Cha thằng bé ở vậy nuôi con lớn khôn. Thằng bé nay cũng đã gần 60 tuổi rồi, cha nó cũng không còn.
Mỗi lần gặp nó tôi hỏi có còn nhớ trái gùi không? Nó nói: "Xe lửa không còn, tiếng còi tàu đã tắt nhưng trái gùi là má con, con không nhớ sao được...".
Về làng tre Phú An hôm nay để nghe bài ca Trái gùi Bến Cát và nhìn thấy dây gùi đang quấn quanh cổng vào làng như chào mời quý du khách đến với mảnh đất này.
TTXTDL
Bài viết tiếp theo
Trung tâm Thương mại SORA gardens SC
Lắp đặt ngăn giới thiệu ấn phẩm du lịch Bình Dương trên xe buýt Tokyu
Kế hoạch tổ chức “Tuần lễ Văn hoá-Ẩm thực-Du lịch Bình Dương” năm 2023
Thông báo gia hạn thời gian cuộc thi ảnh và phóng sự nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập TX. Tân Uyên - TP. Tân Uyên