Du lịch và đầu tư xanh - chủ đề của ngày du lịch thế giới năm 2023

Hưởng ứng chủ đề Ngày Du lịch Thế giới năm 2023 là “Du lịch và đầu tư xanh”, TTXTDLgiới thiệu đến quý du khách điểm đến Du lịch xanh huyện Phú Giáo.

Hưởng ứng chủ đề Ngày Du lịch Thế giới năm 2023 là “Du lịch và đầu tư xanh”, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương xin giới thiệu đến quý du khách điểm đến Du lịch xanh - Du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Nội dung chương trình Tour là các điểm du lịch thắng cảnh, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trang trại, trải nghiệm 1 đêm ngủ lều tại trang trại, giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số Sán Chỉ…Các điểm và nội dung trong chương trình là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và gắn liền với đặc thù phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Điểm đầu tiên là Di tích lịch sử Cầu Sông Bé - Một địa chỉ khá hấp dẫn cho du khách thích khám phá thiên nhiên của dòng sông Bé và những câu chuyện lịch sử bên dòng sông huyền thoại này.

Du khách tham quan Di tích lịch sử Cầu Sông Bé (xã Vĩnh hoà). Ảnh: TTXTDL

Tại đây, đoàn được nghe thuyết minh giới thiệu về lịch sử hình thành và tồn tại của Cầu Sông Bé. Cầu Sông Bé thuộc địa phận của 2 xã Phước Hoà và xã Vĩnh Hoà của huyện Phú Giáo. Cầu do người Pháp xây dựng vào năm 1925 để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cầu Sông Bé là nơi chứng kiến rất nhiều đồng bào bị sát hại và trở thành “huyệt mộ” của  chiến sĩ cách mạng không may rơi vào tay của địch. Năm 1975, để ngăn chặn cuộc hành quân của quân giải phóng tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân đội Mỹ đã cho đánh sập cầu Sông Bé. Cầu gãy Sông Bé được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012. Ngày nay, sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, hai bên bờ Sông Bé đã phủ lên một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cao su, những bãi ngô đồng mùa nào cũng có, những nồi bắp - ngô luôn nghi ngút khói hương bay mời gọi lữ khách khi đi ngang qua cầu gãy Sông Bé dừng chân đối ẩm.

Điểm đến thứ 2: là Đập thuỷ lợi Phước Hoà (xã An Thái), Đập được khởi công xây dựng năm 2008 và hoàn thành năm 2011, là công trình xây dựng phục vụ cho việc điều tiết lượng nước đổ về của sông Bé, giảm tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, tích trữ và cung cấp nước phục vụ tưới tiêu để phát triển nông nghiệp vào mùa khô trên địa bàn huyện. Là công trình nhân tạo, nhưng kiến trúc xây dựng và cấu tạo của dòng chảy đã tạo nên 1 thắng cảnh đẹp cho huyện Phú Giáo.

Du khách tham quan Đập thuỷ lợi Phước Hoà (xã An Thái). Ảnh: TTXTDL

  Cũng trong khu vực xã An Thái, đoàn được tham quan Khu nông nghiệp Công nghệ U&I với diện tích hơn 400 hectar, là thủ phủ của những vườn chuối và dưa lưới. Với quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn Châu Âu, du khách vừa được tham quan quy trình trồng và chăm sóc cây, vừa được thưởng thức sản phẩm nông nghiệp sạch, ngon và an toàn cho sức khoẻ. Điều thú vị tại Khu nông nghiệp Công nghệ U&I là du khách sẽ được trải nghiệm di chuyển bằng phương tiện máy kéo (cải tiến từ máy cày) một loại phương tiện rất riêng và ấn tượng tại nông trại.

Là đơn vị tiên phong trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Khu nông nghiệp Công nghệ U&I định hướng phát triển du lịch tri thức nông nghiệp, mở cửa trang trại để đón tiếp các đoàn khách tham quan là học sinh, sinh viên, các chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp và các đoàn khách du lịch khi đến học tập, làm việc và du lịch tại huyện Phú Giáo.

Du khách tham quan Khu nông nghiệp Công nghệ U&I ( xã An Thái) - Ảnh: TTXTDL

Là một huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương, giáp ranh với tỉnh Bình Phước lại nằm trên trục giao thông huyết mạch với các tỉnh Tây Nguyên.  Phú Giáo đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều khu nông nghiệp, trang trại đảm bảo cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường trong nước và nước ngoài. Trong thời gian qua, song song với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại trở thành điểm đến du lịch xanh, du lịch nông trại của nhiều du khách. Và, điều đó cũng nằm trong chủ trương phát triển du lịch nông trại của huyện Phú Giáo.

Trang trại Chiến Thắng với diện tích gần 1000 hectar (Diện tích hiện đang khai thác là 500 hectar). Với mô hình: vườn cây rừng tự nhiên, vườn cây ăn trái, hồ nước lớn và chuồng trại...một không gian đẹp, yên tĩnh và thơ mộng. Đoàn khảo sát được trải nghiệm cắm trại, ngủ qua đêm tại trang trại với các chương trình: thưởng thức ẩm thực đặc sản của Phú Giáo, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ với đồng bào dân tộc thiểu số Sán chỉ….đặc biệt là được ngắm mặt trời mọc, nghe tiếng gà gáy và tiếng chim kêu lúc bình minh - một trải nghiệm tuyệt vời.

Du khách tham quan và trải nghiệm đêm lửa trại tại Trang trại Chiến Thắng ( xã Tam Lập). Ảnh: TTXTDL

Điểm đến thứ 5 trong hành trình là Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên. Là địa chỉ tôn giáo tính ngưỡng với quần thể kiến trúc đa dạng về phong cách (bắc, trung, nam) tạo nên một bức tranh khá đầy đủ trong phong cách kiến trúc nghệ thuật của Thiền viện. Đặc biệt, đến đây du khách sẽ cảm nhận được sự thanh tịnh, nhẹ nhàng của không gian nơi đây.

Điểm tham quan thứ 6 là Di tích lịch sử Dinh tỉnh trưởng Phước Thành (Nhà truyền thống huyện Phú Giáo). Tại đây du khách sẽ được nghe thuyết minh về Chiến thắng Phước Thành - lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta đã phối hợp với nhân dân Phước Thành tấn công và tiêu diệt hoàn toàn bộ máy của địch tại một tỉnh lỵ, mở đầu cho những thắng lợi của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây, du khách còn được tham quan phòng trưng bày với hơn 200 ảnh, tư liệu, hiện vật tái hiện lại lịch sử đấu tranh giữ nước của quân và dân Phước Thành, quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết đất nước, xây dựng một Phú Giáo giàu mạnh hôm nay.

                                                                                                        TTXTDL