Gợi ý hành trình 1 ngày khám phá thành phố Tân Uyên của tỉnh Bình Dương

Gợi ý các điểm đến tại Tân Uyên để khám phá trong hành trình 1 ngày

Buổi sáng :

** Đình Bưng Cù (thời gian tham quan khoảng 30 phút)

Đình Bưng Cù mà người dân quen gọi là Miếu Ông Cù được xây dựng vào khoảng năm 1850 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này lập nghiệp. Vào năm 1852, vua Tự Đức đã ban sắc phong “công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng” để nhân dân thờ tự. Ngôi đình này là nơi hình thành và phát triển môn võ cổ truyền Tân Khánh - Bà Trà còn lưu truyền đến tận ngày nay. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đình đã được tôn tạo và tu sửa nhiều lần, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương.Tại đây có lễ hội Kỳ Yên được tổ chức mỗi năm một lần, cứ 03 năm tổ chức lễ hội một cách trọng thể với nhiều nghi thức trang trọng như: lễ cúng yết; lễ đại bội các vị thần linh, Tổ nghề nghiệp, tiền hiền, hậu hiền; lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa thu hút đông đảo người dân và khách thập phương đến với lễ hội. Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, ngày 28 tháng 11 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 3278/QĐ-UBND xếp hạng di tích Đình Bưng Cù là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

** Cù lao Rùa hay cù lao Thạnh Hội  (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Cù Lao Rùa ngày nay là địa bàn xã Thạnh Hội của thành phố Tân Uyên với diện tích khoảng 4 km2. Cù Lao Rùa được bao bọc bởi dòng chảy của hai nhánh sông Đồng Nai và nổi tiếng với di tích khảo cổ Cù Lao Rùa. Di tích khảo cổ học Cù Lao Rùa được phát hiện đầu tiên ở vùng Đông Nam Bộ từ năm 1888 và được các nhà nghiên cứu người Pháp sưu tập, khai quật, công bố nhưng ở đây lại không có nhà trưng bày về di tích này. Tuy vậy Cù Lao Rùa ngày nay vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu du lịch sinh thái, hòa mình với thiên nhiên. Khi đến Cù Lao Rùa thì bạn có thể ghé thăm một số địa điểm khác như chùa Khánh Sơn, chùa Long Thắng, đình Nhựt Thạnh, cánh đồng lúa Thạnh Hội, các điểm câu cá giải trí ở đây.

** Chùa Quan Âm (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Chùa Quan Âm nằm ở phường Thái Hòa, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa do Sư cô Thích Nữ Vạn Trung thành lập vào năm 1963. Quan Âm tự là một trong số ít ngôi chùa có vườn tượng Đức Phật chuyển pháp luân. Đây là công trình ý nghĩa, mô phỏng lại bài pháp Tứ Diệu Đế đức Phật giảng thuyết lần đầu tiên để độ năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Các vị Phật A Di Đà, Thích Ca, Dược Sư; bộ Di Đà Tam Tôn, các vị Bồ tát Quán Thế Âm, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền... được tôn trí ở án thờ chính. Đối diện với điện Phật là bàn thờ Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn, Hộ Pháp, Tiêu Diện. Tiền điện có hai vị Kim Cang. Sân trước chùa, có đài Quan Âm, đài Di Lặc và các vườn tượng lộ thiên: vườn Lâm Tì Ni, tượng đức Phật chuyển pháp luân. Đến với chùa, bạn có thể tận hưởng không gian yên bình, thanh tịnh và thư giãn tâm hồn.

** Chiến khu Vĩnh Lợi (thời gian tham quan khoảng 60 phút)

Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, tọa lạc tại khu phố 3, phường Vĩnh Tân, thành phố Tân Uyên. Nơi đây cách trung tâm thành phố Tân Uyên khoảng 12 km và cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một khoảng 18 km. Chiến khu Vĩnh Lợi được hình thành vào năm 1946, là một vùng đất cao ráo, được xây dựng giữa 03 khu rừng lớn của xã Vĩnh Tân (rừng Cầy Bộng, rừng Sở Tiểu và rừng Thầy Cai) rộng hơn 300 ha, được bao bọc bởi hai con suối là: Suối Cái (suối Cầu Thợ Ụt), và suối Vĩnh Lợi ở hướng Đông Nam, hướng Đông - Tây có hai trục lộ giao thông chạy về hướng bắc tạo sự liên thông với chiến khu Đ, chiến khu Thuận An Hòa. Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, chiến khu Vĩnh Lợi đã đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Các lực lượng trú đóng ở đây vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ căn cứ, nhờ đó Chiến khu Vĩnh Lợi đã giữ vững và phát huy vai trò là căn cứ hậu cần, bàn đạp vững chắc trong kháng chiến. Cùng với phong trào cách mạng của địa phương, Chiến khu Vĩnh Lợi đã góp phần vào thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Khu tưởng niệm Chiến khu Vĩnh Lợi đã được UBND thị xã Tân Uyên đầu tư xây dựng và đã khánh thành vào năm 2016 trên diện tích hơn 5 ha, bao gồm các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ tưởng niệm, nhà bia ghi danh, sân hành lễ, khu cây xanh cảnh quan và phục chế lại hệ thống địa đạo, giao thông hào, hầm chiến đấu. Đến với chiến khu Vĩnh Lợi bạn có thể tìm hiểu về lịch sử hào hùng khi xưa của ông cha ta trên vùng đất Tân Uyên cũng như bày tỏ sự tri ân đến với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập.

Buổi trưa :

** The Mộc Garden (thời gian ăn uống và nghỉ trưa khoảng 90 phút)

The Mộc Garden là một không gian tổ hợp ăn uống, cà phê và nhà hàng ngay trung tâm thành phố Tân Uyên với khung cảnh cạnh bờ sông mát mẻ và trong lành. Bạn có thể thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn đa dạng, nhâm nhi một ly cà phê hay một món đồ uống yêu thích với khung cảnh thơ mộng, yên bình.

Buổi chiều :

Tham quan và khám phá Cù Lao Bạch Đằng với một số điểm như sau :

** Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa là một trong những di tích cấp tỉnh nổi bật tại Tân Uyên. Ngôi nhà vừa là công trình kiến trúc tiêu biểu, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn trang trí nhà cổ Nam Bộ. Các họa tiết trang trí trong nhà đều được thể hiện rất tinh xảo. Ông Đỗ Cao Thứa (sinh năm 1917, là chủ nhân ngôi nhà) cho biết: Cha của ông là người xây dựng nên ngôi nhà này, đội ngũ thợ cả là những người được thuê mướn từ miền Bắc vào nuôi ăn uống trong thời gian 3 năm mới hoàn thành ngôi nhà. Về năm xây dựng thì ông không nắm rõ, chỉ biết từ nhỏ lúc sinh ra ông đã ở trong ngôi nhà này. Ông được nghe kể lại quy trình của công cuộc xây nhà vô cùng công phu và tốn kém. Ngôi nhà được xây dựng giữa một khu vườn cây ăn trái với đủ loại hoa quả mùa nào thức ấy: chôm chôm, mận, nhãn, xoài. Du khách sẽ được tận hưởng một không gian ‘cây nhà lá vườn” thật yên ả và thanh bình.

** Nhả cổ ông Dương Văn Hổ (thời gian tham quan khoảng 45 phút)

Nhà cổ Dương Văn Hổ vừa là công trình kiến trúc tài hoa, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn mỹ thuật Nam Bộ. Các họa tiết trang trí trong nhà đều được thể hiện rất tinh xảo, nhất là nhà trên (nhà chính). Trong nhà du khách có thể chiêm ngưỡng các vì kèo được được trang trí, chạm khắc cầu kỳ và tỉ mỉ, phong phú và đa dạng về đề tài, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc theo lối ô hộc (nghệ thuật tạo hình trang trí phổ biến thời kỳ nhà Nguyễn) với chủ đề “tứ quý” (bốn mùa trong năm). Ngoài ra, còn có các bao lam được chạm thủng, chạm lộng. Các hoành phi, liễn đối thể hiện bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng, được thiết trí trên các cột của gian thờ, đã góp phần tạo được sự uy nghi, nghiêm trang, cổ kính của ngôi nhà. Đó chính là các tác phẩm nghệ thuật, góp phần minh chứng cho trình độ tay nghề về kỹ thuật và tư duy về mỹ thuật của người đương thời.

** Chùa A Di Đà (thời gian tham quan khoảng 30 phút)

Chùa A Di Đà là một điểm tham quan văn hóa và tâm linh nổi tiếng tại xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương. Chùa được xây dựng từ những năm 1960 và đã trải qua nhiều lần tu bổ và nâng cấp để trở thành một công trình kiến trúc đẹp mắt và ấn tượng. Chùa A Di Đà nằm trong một khuôn viên rộng rãi, yên bình và xanh mát với nhiều cây cối, hoa lá đẹp mắt. Nét đặc trưng của chùa là tượng Phật A Di Đà cao 7m, được điêu khắc tỉ mỉ từ đá trắng, tinh xảo và đẹp mắt. Bên cạnh đó, chùa còn có nhiều tư liệu tâm linh như bảng thông báo Phật pháp, trang trí đèn lồng, sân thiền, các tượng phật cũng như nhiều bức tranh trang trí tường. Chùa A Di Đà là nơi thường xuyên được hiệp thông tổ chức các lễ hội Phật giáo, tín ngưỡng như lễ cúng, lễ hành hương, lễ kỷ niệm các sự kiện quan trọng trong lịch sử Phật giáo. Ngoài ra, chùa còn tổ chức các khóa tu, khóa học Phật pháp, thường xuyên có các ca sĩ, đạo diễn nổi tiếng và các giảng viên có uy tín đến truyền đạt những giá trị văn hóa tâm linh cho cộng đồng. Ngoài việc là một địa điểm tâm linh, Chùa A Di Đà còn được biết đến là một điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan, cùng với không gian thoáng đãng, yên bình.

** Vườn bưởi Bạch Đằng (thời gian tham quan khoảng 30 phút)

Vườn bưởi Tư Phước thuộc xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên. Đây là nơi trồng bưởi nổi tiếng của Tân Uyên. Đến với vườn bưởi, du khách sẽ có cơ hội được tham quan, tận hưởng không gian tươi xanh của vườn bưởi sai trĩu quả, thưởng thức hương hoa bưởi và có thể mua bưởi về làm quà.

** Đinh Tân Trạch (thời gian tham quan khoảng 30 phút)                

Đình Tân Trạch là một trong những ngôi đình cổ ở vùng đất cù lao Bạch Đằng của Tân Uyên. Khi đã ổn định cuộc sống sau quá trình khai hoang vùng đất cù lao Tân Chánh, triều đình nhà Nguyễn quy định cho phép cứ mỗi thôn có dân cư trên 200 người thì được xây dựng một ngôi Đình thần và một ngôi Chùa, để dân cư trong làng có nơi hội họp lễ thần cầu cho “Quốc Thái Dân An”. Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, đình hai nóc, mái lợp ngói âm dương với toàn bộ khung sườn từ kèo, cột, xuyên trính đều được làm bằng gỗ quý của đất rừng Bình Dương, gồm 54 cột, mỗi trụ cột có đường kính từ 40cm - 50cm. Trong quá trình tồn tại, vì sự hủy hoại của tự nhiên và chiến tranh nên 22 cây cột ở phía ngoài đã bị hư hỏng nặng. Đến năm 1966, đình được trùng tu sửa chữa lại và 22 cây bột bên ngoài được thay thế bằng cột bê tông, toàn bộ rui mè làm bằng sắt, mái lợp ngói Tây (thay vì lợp ngói âm dương ), nền lót gạch tàu. Trước sân đình là một khuôn viên rộng và bằng phẳng, ở giữa là trụ cắm cột cờ.Đình hiện toạ lạc tại một khu đất tương đối bằng phẳng, có tổng diện tích 2380.1 m2, xung quanh là cây trái xanh tươi tạo nên một khung cảnh đầy uy nghi và khoáng đãng, yên lành. Đình Tân Trạch được Uỷ ban nhân dân Tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử–văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 4726/QĐ-UBND ngày 30/10/2007.

Kết thúc hành trình

 

TTXTDL - Huỳnh Trần Huy