Lễ cúng đình làng Nam Bộ - nét đẹp văn hóa cần lưu giữ

Phong tục truyền thống thờ Thành Hoàng tại các đình, miếu, phủ là một nét văn hóa đã có từ rất lâu đời và được người dân kế thừa trong suốt chiều dài lịch sử

Đình Nam Bộ, người miền Nam hay gọi tắt là đình thần, là nơi thờ thần Thành Hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn. Nhìn chung ở Nam Bộ, sau khi mỗi xã được hình thành và tương đối ổn định, thì tùy theo cuộc đất, tiền bạc và công sức đóng góp của cư dân, mà tiến hành xây dựng một ngôi đình. Từ đó, ngôi đình tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy.

Những vị Thành Hoàng hay Thần Hoàng thường không phải là những vị thần linh trong nhiều văn hóa tín ngưỡng mà là các hiền nhân, những anh hùng, bậc công thần có công xây dựng quê hương, là người thật với nhiều đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng xã hội.

Việc thờ cúng Thành Hoàng - những bậc anh tài đóng góp giá trị cho quê hương đất nước, xuất hiện khắp mọi miền quê từ Nam chí Bắc trên đất nước ta.

Người dân thờ cúng Thành Hoàng làng với mong cầu được chở che, bảo vệ cho gia đình, bản thân và cộng đồng trước những mối thiên tai hay tai họa trong cuộc sống, ước mong cho gia đình có cuộc sống bình an, quê hương đất nước được hòa bình, no đủ, hóa giải hung hiểm, bảo vệ người lành,.. Đình làng lúc đầu chỉ có chức năng là ngôi nhà lớn, dùng làm nơi nghỉ ngơi, tá túc cho khách lỡ đường. Dần dà về sau, nhà nước phong kiến mới sắc phong cho các vị có công với nước là thần Thành Hoàng, những mong các vị thần Thành Hoàng này chăm lo, bảo trợ cho dân làng, tá quốc an khang. Ngoài ra, đình làng cũng là một cơ sở văn hóa tín ngưỡng thể hiện sự tri ân của hậu bối đối với tiền nhân - những vị có công dựng làng, lập ấp, tạo chợ, xây cầu, khai khẩn đất hoang… Từ ý thức hồn thiêng sông núi, từ lâu người Việt đã biết thờ các vị thần núi, thần sông, thần đất, để giúp con người bảo vệ mùa màng, giữ vững giang sơn.

Thờ thần là việc vô cùng thiêng liêng, thể hiện ở đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người Nam bộ. Trong tín ngưỡng thờ thần của người Nam bộ còn có một khía cạnh thiêng liêng khác nhằm tôn vinh các vị thần, làm cho các vị thần trở nên thiêng liêng hơn - đó là việc phong sắc cho thần. Công việc này là do triều đình phong kiến thực thi, mà cụ thể là người đứng đầu nhà nước phong kiến là nhà vua - là thiên tử thay trời giáo hóa chúng sinh, dỗ an thiên hạ.

Do đó, sắc phong của triều đình cho vị thần nào cũng đồng nghĩa với việc xem vị thần đó là cơ sở pháp lý phụng mệnh nhà vua xuống làm thần quyền của làng xã. Khi vị thần nào có sắc phong của nhà vua cho một làng nào đó thì các vị thần đó mặc nhiên được gọi là Thành Hoàng của làng. Sắc phong được để ở nơi trang trọng nhất, đặt trên ngai thờ. Ở mỗi đình làng, gian chính điện là nơi thiêng liêng nhất, thường ghi những chữ Thánh thọ vô cương, Thánh cung vạn tuế, với ý nghĩa là quyền uy nhà vua ngự trị ở nơi thiêng liêng nhất của làng và đó cũng là nơi để sắc thần.

Đôi khi, thần Thành Hoàng không phải là các vị có công với nước, mà là những vị thần hữu danh vô thực, chỉ trong ý niệm của nhân dân. Trong thiết chế văn hóa của làng, đình là cơ sở tín ngưỡng có tính chất chính thống. Việc ông thần Thành Hoàng của làng được vua phong sắc là việc quan trọng vì sắc thần được coi là sự công nhận chính thức của nhà nước về sự hợp pháp của làng.

Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức - Hiệp Tổng trấn thành Gia Định về lễ kỳ yên của người Việt Nam Bộ đầu thế kỷ XIX, so với ngày nay không khác nhau mấy: lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, gồm có 3  lễ chính: Túc yết, Đoàn cả (Đàn cả), Tiền hiền - Hậu hiền. Những nghi lễ khác như: rước sắc thần, xây chầu - đại bội… là những lễ thức phụng sự 3 lễ chính:

 Lễ Kỳ yên, là lễ chính của đình hay còn gọi là lễ vía thần, thực chất vừa là cúng thần, vừa là lễ hội nông nghiệp để cầu an, cầu mùa, cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận.

Lễ Túc yết (túc trực- yết kiến): Đúng 1 giờ đêm đầu, mọi người đã tề tựu đông đủ để bắt đầu cúng Túc yết. Chịu trách nhiệm chính của buổi lễ cúng là ông chánh bái, có sự giúp sức của bồi tế. Toàn bộ nghi thức hành lễ đều theo lệnh của hai người chủ xướng đứng hai bên hương án kế cận vị chủ tế. Tất cả lễ nhạc, động tác dâng hương, chước tửu, tiệm trà, đọc văn tế, bái lạy… đều phải theo đúng lời chủ xướng.

Lễ Chánh tế (còn gọi là Đoàn cả: đoàn tụ đông đúc hơn cả), mục đích tạ thần. Nghi thức diễn lại như lễ Túc yết, có hơi khác là sau phần dâng trà của lễ Túc yết là phần “ẩm phước thụ tộ” (uống rượu và ăn thịt) mang ý nghĩa nhận lộc do thần ban cho vị chánh tế.

 Lễ Tiền hiền - Hậu hiền, nhằm tạ ơn các vị tiền hiền, hậu hiền và các nhân thần có công với làng, với đình. Lễ này ngày xưa diễn ta trong ngày thứ ba. Hiện nay, lễ này được làm trong ngày thứ hai, sau lễ Đoàn cả. Nghi thức đơn giản hơn lễ Túc yết, nhưng cũng rất long trọng. Trong nghi thức cúng tế này có xây chầu hát bội. Được tổ chức tại võ ca phía trước chính điện. Những người tham dự ăn mặc chỉnh tề, xếp thành hai hàng đứng từ cửa chính điện trở ra. Trên gian võ ca tất cả diễn viên đoàn hát bội hoá trang, trống mõ sẵn sàng. Ông chánh bái ca công (chủ trì lễ xây chầu) nhúng cành dương vào tộ nước cầm trên tay vẩy lên và đọc lời cầu nguyện: Nhất, sái thiên thanh (thứ nhất, vãi nước lên trời xanh, cầu cho mưa thuận gió hoà). Nhị, sái địa ninh (thứ nhì, vãi nước xuống mặt đất, cầu cho đất đai phì nhiêu). Tam, sái nhơn trường (thứ ba, vãi nước cho loài người, cầu cho dân gian được trường thọ). Tứ, sái quỷ diệt hình (thứ tư, vãi nước vào loài quỷ dữ, cầu cho chúng bị tiêu diệt).

        Hát Bội – Tuồng cổ cúng đình

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia - Đình thần Phú Long - Tổ chức Đại lễ Kỳ Yên - Đại bội xây chầu năm Quý Mão 2023

       Đình Phú Long là một công trình mang đậm nét kiến trúc truyền thống của đình làng Nam Bộ được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX để thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh.

       Đình được xây dựng kiểu chữ tam, theo lối "trùng thiềm điệp ốc" tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng, tường vách dọc ngang được chạm trổ hoa văn, họa tiết, được cẩn li ti bằng những mảnh men sành sứ cổ, đủ sắc màu, phong phú với nhiều hình tượng, điển tích đa dạng như hình cá hóa long, rồng cách điệu, cảnh hội bát tiên...

      Ngoài ra có thể thấy được nét văn hóa Hán - Nôm tại Đình, đặc biệt là bản sắc phong thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của đình do vua Tự Đức ban vào năm 1852. Đình còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

      Với quá trình hình thành gắn liền lịch sử mở đất và giữ nước của địa phương và với quy mô, giá trị về nghệ thuật kiến trúc, sự phong phú, đa dạng về các hạng mục thờ phụng cũng như nét đặc thù trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của một ngôi đình ở miền Đông Nam Bộ, đình Phú Long đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin (nay là Bộ Văn Hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 53/QĐ - VHTT, ngày 28 - 12 - 2001).

Đoàn cung nghinh sắc thần Đình thần Phú Long

Theo đáo lệ, năm 2023 Đình thần Phú Long tổ chức Đại lễ Kỳ Yên và Đại bội xây chầu vào các ngày 17 -18 - 19 tháng 8 âm lịch năm Quý mão (nhằm ngày 01 - 02 - 03 tháng 10 năm 2023). Ban nghi lễ Đình Phú Long tổ chức tế lễ, lễ dâng hương Đức Linh Thần cầu nguyện cho quốc thái dân an theo chương trình như sau:

  • Ngày Chủ Nhật ngày 01/10/2023 tức 17 âm lịch tháng 8
  • 6 giờ sáng: Cúng khai môn
  • 8 giờ sáng: Thực hiện nghi thức lễ cung nghinh Sắc Thần theo lộ trình di chuyển vòng quanh nội ô phường Lái Thiêu
  • 17 giờ chiều: Tụng kinh cầu an
  • 19 giờ tối: Hòa tấu đờn ca tài tử truyền thống
  • 22 giờ tối: Lễ cúng Tiền Hiền
  • Ngày thứ hai 02/10/2023 tức 18 âm lịch tháng 8
  • lúc 00 giờ 00: Lễ cúng chính

 Lễ xây chầu đại bội

  • 4 giờ sáng: Lễ cúng Tử Sĩ
  • 7 giờ sáng: Ban tổ chức - Ban quý tế Đình tiếp khách quý ông bà cô bác, các cơ quan chính quyền đoàn thể, các đình bạn, các doanh nghiệp công ty,… đến dâng hương, chiêm bái Đức Linh Thần
  • 9 giờ sáng: Hát tuồng cổ “Sơn hà xã tắc”
  • 19 giờ tối: Hát tuồng cổ “Tứ linh cứu Chúa”
  • Ngày thứ ba 03/10/2023 tức 19 âm lịch tháng 8
  • 7 giờ sáng: Ban quý tế tiếp tục tiếp khách đến dâng hương, chiêm bái Đức Linh Thần
  • 8 giờ sáng: Hát bội tuồng “Đường về San Hậu”
  • 12 giờ: Lễ thành Tôn Vương
  • 13 giờ: Lễ đưa khách

Lễ hội cúng đình của người Việt cũng có ý nghĩa đặc biệt là giáo dục cho các thế hệ trong làng những bài học đạo đức quan trọng, trong đó nổi lên hàng đầu là củng cố mối dây liên lạc thiêng liêng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng, giáo dục truyền thống để truyền bá tinh thần cộng đồng làng xã, tạo ra sức mạnh đặc biệt, có khả năng cố kết, ràng buộc mọi người với nhau. Vì vậy, cùng với quá trình nắm cai quản làng xã ngày thêm một chặt chẽ của nhà nước và để có thể xác lập quyền lực tối cao trong đời sống tôn giáo làng mạc, nhà nước phong kiến xưa thấy mình phải có trách nhiệm xem hội làng như một yếu tố biểu hiện quan trọng của văn hoá dân tộc, đồng thời thông qua hội làng để củng cố quyền uy, quyền lợi của giai cấp mình. Lễ cúng đình của người Việt ở Nam Bộ đã góp phần tạo nên một sinh hoạt văn hoá, xã hội riêng của người Việt so với tộc người khác như Khơme, Hoa, Chăm… cùng cộng cư ở khu vực này, giúp cho cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, văn hoá tộc người, là một vũ khí văn hoá, một bản lĩnh văn hoá để cho cộng đồng người Việt xưa cũng như nay trụ vững và tồn tại ở vùng đất biên cương hiểm yếu này. Đây là một nét đẹp văn hoá tín ngưỡng dân gian cần phải lưu giữ tránh bị mai một theo thời gian.

                                     Nhật Khánh - Phòng VHTT TP. Thuận An