Lò lu Đại Hưng - Hoài cổ giữa lòng thành phố Thủ Dầu Một
Là một trong những lò lu còn khá nguyên vẹn, đã hình thành, tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm trên vùng đất Bình Dương.
Sinh sống tại Bình Dương khá lâu và Bình Dương đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Tôi rất tự hào khi được giới thiệu với bạn bè về nơi tôi đang sống và làm việc ở Bình Dương. Vì đối với tất cả người dân ở các tỉnh thành khác khi nhắc đến Bình Dương đều gợi lên trong họ về hình ảnh của 1 tỉnh thành phát triển về công nghiệp, năng động và sáng tạo, cuộc sống mưu sinh có phần dễ dàng hơn so với những nơi khác. Cũng chính vì lẻ đó mà rất nhiều người dân ở các tỉnh thành khác đến Bình Dương để sinh cơ lập nghiệp.
Với tinh thần đầy ngưỡng mộ về vùng đất này, những người bạn ở quê tôi thường hay đến Bình Dương vào mỗi dịp được nghỉ lễ, hoặc kỳ nghỉ hè của các cháu, trước là để thăm gia đình tôi, sau là đi du lịch tại Bình Dương.
Và trong số rất nhiều lần dẫn bạn đi du lịch tại Bình Dương, tôi biết đến lò lu Đại Hưng - Một lò lu có tuổi đời hơn 200 tuổi.
Lò lu Đại Hưng thuộc ấp 1, xã Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo lời chú Tám Giang - truyền nhân đời thứ 5 của lò lu Đại Hưng thì Lò lu Đại Hưng lúc đầu được làm theo kiểu lò ống (hiện vẫn còn nhưng không sử dụng nung được) nằm ở phía trên lò lu hiện tại. Sau đó được làm lại phần lò bao như ngày nay, khi đó lò chỉ được lợp bằng tre và lá dừa nước lấy ở sông Sài Gòn. Ông chủ đầu tiên sáng lập nên lò lu này là một người Hoa tên gọi là Chú Ngâu, ông là người Quảng Đông - Trung Quốc.
Lò được xây hoàn toàn bằng gạch sống (gạch chưa nung), phơi khô sau đó đem vào xây lò và được trét bằng đất sét. Sau một thời gian lò được đốt thì lớp đất sét và phần gạch sống này sẽ trở nên rắn chắc. Lò chính được xây theo kiểu lò Bao, các bao rộng từ 2,5 – 3m cao từ 2,6 – 2,8m, với tổng cộng 15 bao nối liền nhau từ thấp đến cao nhìn như những vỏ sò nằm nối tiếp nhau. Căn đầu tiên (Bao đầu tiên) được gọi là căn mồi lửa, căn này có cửa cao khoảng 1,5m và rộng 1m, riêng ở bên hông các căn còn lại đều có 2 cửa hai bên rộng khoảng 0,8m cao 1,2m các cửa này dùng để đưa sản phẩm vào lò và lấy sản phẩm ra sau khi đã nung chín. Sau khi đưa sản phẩm vào lò các công nhân sẽ dùng gạch bít kín các cửa này lại, chỉ chừa lại một ô nhỏ phía trên hình chữ nhật rộng khoảng 15cm, dài 30cm những ô này để cho người thợ chụm củi quan sát lửa trong bao, xem độ nóng trong lò đã đủ chưa và đạt đến độ chín cần thiết hay không. Các ô này còn được gọi là nhãn lò “Mắt lò”.
Thường thì các bao lớn ở phía trước của lò chủ yếu để nung các loại lu lớn và nhỏ, lu lớn có thể xếp được 2 tầng với 3 hàng khoảng 40 chiếc, các bao nhỏ ở phía sau chủ yếu là xếp khạp và hủ, các bao nhỏ này có thể xếp được khoảng 200 khạp lớn và 100 khạp nhỏ. Thông thường thì đốt liên tục khoảng 6 giờ thì sản phẩm sẽ chín, nhưng có khi cũng chỉ khoảng 4 giờ là được, chủ yếu là do con mắt tinh tế của người nghệ nhân.
Nguyên liệu chủ đạo là đất sét, nhưng phải là loại đất có chứa cát, sỏi không phải là loại đất dẻo. Phần nguyên liệu này chủ yếu được lấy từ Dầu Tiếng, Tân Uyên… Khi mới được đưa về được đổ ở các bãi ngoài trời trước khi đưa vào nghiền. Đất được để ở ngoài trời càng lâu thì càng tốt. Vì khi để ở ngoài trời, dưới tác động của thời tiết mưa nắng, đất bắt đầu có sự phân rã sẽ làm cho chất phèn trong đất dần dần chảy hết ra ngoài. Đất sẽ được cho vào máy xay cho nhuyễn và loại hết các loại tạp chất, đem ngâm trong bể khuấy đều và đạp bằng chân cho đất thật nhuyễn, thật đều các nguyên liệu với nhau, rồi đất được vớt lên để khoảng 2 giờ thì cho vào máy ép cho nhuyễn, cũng như làm cho đất sét đặc lại.
Thích nhất, vẫn là hình ảnh những bao lò nối tiếp nhau tạo thành dãy lúc đỏ lửa ở mỗi ô cửa lò tạo cho du khách có cảm giác rất ấm áp và đầy hoài niệm về ký ức quê hương của nhiều người.
Các sản phẩm ở đây chủ yếu là Lu và Khạp. Hoa văn trang trí trên sản phẩm thường là hình Rồng, Phụng được đắp nổi.
Là một trong những lò lu còn khá nguyên vẹn, đã hình thành, tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm trên vùng đất Bình Dương. Lò lu Đại Hưng được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là Di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 4815/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2006.
Đến với lò lu Đại Hưng chúng ta được tham quan các công đoạn làm lu, khạp: ngâm đất sét (nguyên liệu) - nghiền đất - nén đất tạo độ dẽo, mịn - cắt đất thành thớ - tạo hình - phơi sương gốm - trang trí hoa văn - tráng men - phơi gốm đã tráng men - nung - thành phẩm. Trẻ em đến đây còn được nhào nặn tượng mà mình yêu thích với nguyên liệu là đất sét tự nhiên, thoả thích tạo hình những con vật mà mình yêu thích, khi ra về còn được các nghệ nhân tặng thêm đất sét mang về nhà nặn tượng, thật thích thú.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch (cảm nhận của du khách)