Miếu Bà Đất Cuốc - một di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh tại huyện Bắc Tân Uyên

Tọa lạc tại ấp Suối Sâu của xã Đất Cuốc trên khoảng đất có tổng diện tích khoảng 1.781 m2, miếu Bà được người dân địa phương lập vào năm 1919.  Vùng Đất Cuốc trước đây vốn là nơi rừng thiêng nước độc với nhiều mối nguy hiểm như  thú dữ, rắn độc, bệnh sốt rét, côn trùng nên để tạ ơn đất trời, những đấng linh thiêng khác giúp người dân vượt qua những trở ngại thử thách để ổn định cuộc sống mà ngôi miếu đã được người dân lập nên và thờ Ngũ Hành Nương Nương. Thờ Ngũ Hành Nương Nương là một tín ngưỡng dân gian phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở khu vực Nam Bộ. Đây là hình thức thờ cúng năm vị nữ thần đại diện cho năm yếu tố cơ bản của vũ trụ theo thuyết Ngũ Hành gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tín ngưỡng này phản ánh niềm tin của người dân vào sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như mong cầu sự bảo hộ và bình an trong cuộc sống. 

Bên cạnh đó, Miếu Bà cũng là địa điểm quan trọng xây dựng lực lượng, nuôi cán bộ, chiến sĩ cách mạng góp phần hình thành nên địa danh chiến khu Đ oai hùng. Với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến khu Đ đã lập nên những chiến công vẻ vang mãi mãi là niềm tự hào của quân dân miền Đông Nam bộ nói chung trong đó có nhân dân Đất Cuốc nói riêng.

Nói thêm về lịch sử Miếu Bà Đất Cuốc, sau năm 1945, tại Tân Uyên, tiểu đội vũ trang của đống chí Chín Quỳ, bộ phận kháng chiến quận của đồng chí Cao Văn Bổ, tự vệ chiến đấu các xã, công nhân cao su Phước Hòa… lần lượt đến gia nhập bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Lực lượng vũ trang toàn huyện được thống nhất lại và nhiều lực lượng khác như Ban tiếp tế miền Đông, các đơn vị tự vệ của tổng công đoàn Nam bộ, công nhân xưởng Ba Son, đề Pô Dĩ An, BIF Biên Hòa…. thành bộ đội Huỳnh Văn Nghệ gọi là Vệ quốc đoàn Biên Hòa. Miếu Bà Đất Cuốc chính là nơi để tập trung, bổ sung thêm lực lượng và cũng là nơi thành lập Trường Quân chính, nơi đào tạo bao lớp thanh niên tiền phong học tập, huấn luyện và góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẽ vang, đặc biệt là miếu bà nằm trong vùng căn cứ chiến khu Đ. Khi Pháp thiết lập vùng kiểm soát khu vực này vào năm 1946, chúng cho đào một căn hầm trước miếu. Trong thời gian đó, chúng đàn áp người dân địa phương, bắt giam những chiến sĩ cách mạng Đất Cuốc tại căn hầm đó. Đến đầu năm 1947, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tập kích liên tục buộc Pháp phải rút đi nơi khác. Có những nhân vật nổi tiếng từng sống và hoạt động cách mạng tại Miếu Bà Đất Cuốc như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, tướng Nguyễn Bình, ... và rất nhiều đồng bào, chiến sĩ Đất Cuốc tham gia vào cuộc đấu tranh chống quân xâm lược. 

Ngôi miếu Bà đã trải qua nhiều lần xây dựng với nhiều vật liệu, gỗ quý và trang trí rồng phụng nhưng qua chiến tranh đã bị tàn phá rất nhiều. Đến năm 1986, bà con địa phương đóng góp xây dựng lại ngôi miếu Bà trên nền ngôi miếu cũ bằng bê tông cốt sắt, mái lợp tôn xi măng rất khang trang, thờ 5 vị thần cho đến ngày nay. Hiện tại, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm, bảo quản tốt ngôi miếu. Ngôi miếu một trong những dấu tích còn lại minh chứng cho sự ra đời của chiến khu Đ. Với ý nghĩa và giá trị tiêu biểu đó, miếu Bà Đất Cuốc đã được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 28/1/2011.

 

PXTDL - Huỳnh Trần Huy