Mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa Du lịch với Lễ hội, Sự kiện
Phát huy tối đa các sản phẩm văn hóa từ truyền thống tới hiện đại để quảng bá du lịch đến với du khách trong nước và quốc tế.
Từ góc độ nhu cầu của du khách và yêu cầu riêng của việc thiết kế sản phẩm du lịch, ngành du lịch đã phối hợp cùng nhiều lực lượng xã hội khác để xây dựng các mô hình hoạt, sản phẩm lễ hội, sự kiện du lịch để bán cho du khách. Nếu như văn hóa trong hoạt động lễ hội và sự kiện vì mục đích đời sống tinh thần của cộng đồng đã phải chi một khoản tiền rất lớn, thì du lịch lại thông qua hoạt động với mục đích kinh tế nhất định của mình lại có thể tạo ra nguồn thu đáng kể đóng góp phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức của chính các sinh hoạt lễ hội, sự kiện do cộng đồng tạo ra.
Thực tế cho thấy hoạt động lễ hội và sự kiện với tư cách là một sinh hoạt văn hóa thường phải chi kinh phí ra nhiều hơn so với việc thu vào. Nhưng nếu hoạt động du lịch mà như sinh hoạt văn hóa thì chỉ có thua lỗ. Chúng ta không thể biến hoạt động du lịch thành sinh hoạt văn hóa thuần túy, mà phải “ứng dụng văn hóa vào hoạt động du lịch”, đồng thời đưa hoạt động du lịch vào việc đóng góp cho các lễ hội và sự kiện ở tính hiệu quả cả về văn hóa lẫn kinh tế, với ý nghĩa từng bước phát triển các lễ hội và sự kiện ấy vừa đảm bảo tính chất “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đồng thời vừa là “sản phẩm du lịch” chất lượng cao, có thể đem lại những hiệu quả kinh tế lớn... Dù dưới bất kỳ loại hình nào, lễ hội và sự kiện khai thác trong du lịch đều có chung một mục tiêu duy nhất là: phát huy tối đa các sản phẩm văn hóa từ truyền thống tới hiện đại để quảng bá du lịch đến với du khách trong nước và quốc tế. Điều này sẽ góp phần quan trọng đối với việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khách du lịch vốn luôn luôn cần cái mới, từ đó có thể góp phần “quay đồng vốn du lịch” được nhanh hơn, làm cho ngành du lịch thực sự là “ngành công nghiệp không khói”.
Lễ hội và Sự kiện như là một nguồn tài nguyên quan trọng có thể góp phần tích cực vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và bản thân nó cũng có thể là những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Qua đó, có thể kết hợp tổ chức kinh doanh, vừa tạo ra chất lượng - hiệu quả hoạt động, vừa nâng cao trình độ chuyên môn và uy tín của doanh nghiệp đối với các đối tác trong và ngoài nước. Tất nhiên, nếu ai đó đòi hỏi lễ hội, sự kiện phải đáp ứng hoạt động du lịch là không đúng, vì bản chất các hoạt động này có tính độc lập tương đối của nó, vì các hoạt động đó luôn gắn với đời sống tinh thần, lý tưởng dân tộc, niềm tin của cộng đồng tại nơi xuất hiện những hoạt động văn hóa lễ hội, sự kiện là chủ yếu, và tất cả đều thường có trước các hoạt động du lịch. Nhưng với những phân tích như vừa nêu, hoạt động lễ hội, sự kiện và hoạt động du lịch mặc dù có mục tiêu khác nhau, song nếu biết phối kết hợp nhau một cách hài hòa, hợp lý, thì không những hoạt động du lịch được phát triển, mà chính sự phát triển đó, sẽ giúp cho hoạt động lễ hội, sự kiện có thêm cơ hội khuếch trương, gây tiếng vang xa và tác động rộng hơn thông qua con đường du lịch, đồng thời nguồn lợi kinh tế du lịch sẽ góp phần làm tăng thêm thu nhập, phúc lợi xã hội và trực tiếp đóng góp tích cực vào sự phát triển của chính bản thân lễ hội, sự kiện. Riêng đối với du lịch, khi hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành sản phẩm để bán cho du khách theo chương trình “tour tuyến” và các dịch vụ phù hợp, tức là lúc hoạt động du lịch có thêm điều kiện để không những được đa dạng hóa hơn, mà còn có thể được nâng cao chất lượng nhiều hơn nữa. Như vậy, khi Nhà hoạt động du lịch kết hợp chặt chẽ với Nhà tổ chức lễ hội, sự kiện sẽ tạo điều kiện nhân lên sức mạnh để cùng nhau phát triển, tạo cơ hội đem lại những lợi ích và hiệu quả chung trong lợi ích dân tộc, quốc gia trước mắt và lâu dài.
Tác động tích cực của du lịch đối với lễ hội và sự kiện
Du lịch là hoạt động kinh tế, vì vậy khi tham gia vào lễ hội, sự kiện, nó sẽ có tác động tạo động lực để các nhà văn hóa chuyển mình theo “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng cách “lấy nó nuôi nó”, đối với các hoạt động lễ hội và sự kiện. Hoạt động văn hóa theo cơ chế cũ tự thân nó khó thể tạo ra tiền để phát triển văn hóa, cụ thể là lâu nay các nơi tổ chức Lễ hội, Sự kiện thường mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào nguồn tài chính bao cấp của Nhà nước. Nay tất cả phải từng bước chuyển mình phát triển theo cơ chế kinh tế thị trường, nguồn bao cấp dần không còn, điều đó đồng nghĩa với việc muốn tổ chức lễ hội, sự kiện du lịch thì điều tiên quyết sắp tới là phải tìm cho được nguồn tài chính. Muốn có tài chính thì không thể khác, việc tổ chức hoạt động lễ hội, sự kiện du lịch nhất thiết phải tính toán đến hiệu quả kinh tế (bên cạnh hiệu quả văn hóa - xã hội), phải có sản phẩm hàng hóa văn hóa lễ hội, sự kiện. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn cho sự phát triển văn hóa du lịch, đặc biệt là cho việc tổ chức lễ hội, sự kiện hiện nay, trong đó sự tham gia của ngành du lịch là việc hết sức cần thiết.
Du lịch tham gia vào lễ hội và sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy lễ hội, sự kiện ra khỏi “lũy tre làng” để đến với thế giới bên ngoài, tiếp cận giao lưu trực tiếp với các nền văn hóa khác, qua đó sẽ tự khẳng định mình bằng sự phát triển mới. Tất nhiên đây cũng là một thách thức đối với ngành văn hóa trong hội nhập kinh tế toàn cầu mà du lịch lễ hội, sự kiện là cầu nối và cũng là nơi để cho các nhà văn hóa dự đoán sớm về tương lai văn hóa của dân tộc mình trong quá trình phấn đấu tiến lên sánh vai cùng thế giới năm châu...
TTXTDL (Biên tập)
Bài viết tiếp theo
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, làng nghề truyền thống cảnh quan trong phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Đẩy mạnh, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch nông thôn
Những điểm đến lý tưởng tại Thành phố Bến Cát
Bình Dương tổ chức lễ khai giảng Lớp tập huấn Phát triển du lịch sinh thái vườn năm 2024.
Bài viết liên quan
Bình Dương sẽ tổ chức Triển lãm Quốc tế về Giải pháp Nội thất Thông minh lần thứ 5 tại WTC Expo Bình Dương
Bình Dương sẽ tổ chức Lễ hội Văn hóa Việt Nam - Indonesia (Vietnam - Indonesia Festival Week)
Hình ảnh làng nghề gốm sứ Bình Dương xuất hiện trên tờ vé số truyền thống
Huyện Bàu Bàng tổ chức Lễ tưởng niệm 61 năm ngày anh hùng liệt sĩ Trừ Văn Thố hy sinh (18/10/1963 - 18/10/2024)