Các di tích lịch sử không thể bỏ qua khi đến Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Một số di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.

Bình Dương là tỉnh giàu truyền thống cách mạng với lịch sử đấu tranh vẻ vang qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và thực dân Pháp, Bình Dương ngày này có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử với những chiến công vẻ vang, là niềm tự hào của quân dân cả nước.

khi đến với thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương có thể tham quan một số di tích lịch sử nội bật sau đây:

1. Nhà tù Phú Lợi

Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia được công nhận ngày 10/07/1980

Nhà tù Phú Lợi được xây dựng vào năm 1957. Được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”, nơi đây đã giam cầm và tra tấn các chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước lúc bấy giờ, và tồn tại suốt tám năm (1957-1964). Đỉnh điểm tội ác của Mỹ - Diệm được đánh dấu bằng sự kiện đầu độc hàng ngàn tù nhân chính trị vào ngà 01/12/1958.

Khu di tích hiện nay gồm có các khu vực tham quan: Phòng trưng bày, Phòng chiếu phim, Khu nhà giam C, Phòng kỷ luật,…

Địa chỉ: Đường Một Tháng Mười Hai, P. Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: (0274) 3 841 606 – Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

2. Chùa Hội Khánh

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận ngày 07/01/1993

Chùa Hội Khánh được xây dựng vào năm 1741. Ngôi chùa hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị cao về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc và tôn giáo. Trong những năm 1923 -1926, chùa Hội Khánh còn là nơi ẩn náu qui tụ các nhân sĩ: nhà nho, nhà sư yêu nước như: hoà thượng Từ Văn, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh), cụ Tú Cúc. Chùa hiện sở hữu kỉ lục về Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất Châu Á do tổ chức kỉ lục Châu Á công nhận vào tháng 5/2013.

Địa chỉ: Số 35 đường chùa Hội Khánh, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: (0274) 3 841 606 – Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

3. Nhà cổ Trần Văn Hổ

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận ngày 07/01/1993

Nhà do ông Trần Văn Lân (thân sinh của ông Trần Văn Hổ) xây dựng. Ngôi nhà có kiến trúc dạng chữ Đinh. Ngôi nhà nguyên là một khu nhà lớn gồm: nhà chính, nhà phụ, khu chuồng ngựa…. Hiện chỉ còn lại một ngôi nhà chính, đây là ngôi nhà lớn của gia đình được dùng chủ yếu là để thờ cúng ở gian giữa. Nhà cổ ông Trần Văn Hổ có nhiều giá trị về mặt kiến trúc và trang trí kiến trúc, đặc biệt là hệ thống kết cấu kiến trúc bằng gỗ quý, chạm khắc nhiều đề tài nghệ thuật tinh xảo, nhiều thơ văn cổ mang tính điển chế.

Địa chỉ: Số 18 đường Bạch Đằng, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: (0274) 3 841 606 – Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

4. Nhà cổ Trần Công Vàng

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận ngày 07/01/1993

Được xây cất và hoàn thành vào khoảng năm 1889 – 1892, nhà cổ của Trần Công Vàng mang tính nghệ thuật nhân văn đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngôi nhà được chạm khắc công phu, tinh xảo trên mọi chi tiết, từ chân cột đến mái nhà, bàn, ghế, tủ, trang thờ, hoành phi, những câu liễn, câu đối, …đều được chạm trổ, sơn thếp, cẩn xà cừ công phu, khéo léo tôn thêm vẻ tráng lệ, trang nghiêm của ngôi nhà cổ.

Địa chỉ: Số 21 đường Ngô Tùng Châu, P. Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: (0274) 3 841 606 – Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

5. Đình Phú Cường (Bà Lụa)

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được công nhận ngày 02/6/2004

Đình được xây dựng khoảng nửa thế kỷ XIX, nằm bên rạch Bà Lụa, đình thờ Thành hoàng thôn Bà Lụa. Ngôi đình từng nổi tiếng về kiến trúc độc đáo và hoành tráng, được nhà cầm quyền Pháp lập mô hình và đem triển lãm ở Hội chợ Marseille vào năm 1921. Nơi đây hiện còn lưu giữ rất nhiều binh khí cổ, đồ gỗ đẹp và quý hiếm. Hằng năm, đình có hai kỳ tế lễ: Lễ Kỳ yên (Rằm tháng Giêng) và Lễ Thu Tế (mùng 01/10 âm lịch).

Địa chỉ: P. Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: 0909 121 606 (Chú Quảng – Ban Quý tế đình).

6. Đình Tân An

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được công nhận ngày 26/4/2014

Đình được xây dựng vào năm 1820 để thờ Tiền Quân Cơ Nguyễn Văn Thành – vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, đình là nơi hoạt động cách mạng của địa phương. Ngoài việc lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, đình Tân An còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam, đặc biệt đình hiện còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức. Hàng năm, Lễ Kỳ yên của đình diễn ra vào tháng 11, ba năm đáo lệ một lần thì tổ chức lễ hội lớn từ ngày 14 đến 16/11 âm lịch.

Địa chỉ: P. Tân An, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: (0274) 3 841 606 – Bảo tàng tỉnh Bình Dương.

7. Đình Tương Bình Hiệp

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh được công nhận ngày 19/11/2007

Đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ XIX, công trình đã qua nhiều làn trùng tu, sửa chữa. Đình có kiến trúc kiểu chữ Tam. Đây là ngôi đình duy nhất ở Nam Bộ được thờ vị thần tiến sĩ đầu tiên của toàn xứ Nam Bộ - Tiến sĩ Phan Thanh Giản. Hiện vật quý hiếm và được bảo quản cẩn thận nhất đó chính là sắc phong của vua Khải Định năm 1924. Hàng năm, Lễ hội đình được tổ chức vào ngày 12/10 âm lịch.

Địa chỉ: P. Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một.

Điện thoại: 0274 3 825 092 (Chú Tám Khiêm – Ban Quý tế đình) – 0913 823 972

                                                                                                               TTXTDL