Di sản văn hoá Bình Dương - Nền tảng quan trọng để phát triển du lịch của địa phương

Di sản văn hoá là một tiềm năng kinh tế, nếu được đặt trong phạm vi kinh tế du lịch – “ngành công nghiệp không khói”.

Thực tiễn phát triển kinh tế của nước ta trong những năm qua cho thấy vai trò và vị thế của văn hoá ngày càng được khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt nếu nhìn từ góc độ kinh tế học, di sản văn hoá là một tiềm năng kinh tế, nếu được đặt trong phạm vi kinh tế du lịch – “ngành công nghiệp không khói”. Trong xu thế phát triển kinh tế hiện đại của các quốc gia, kinh tế du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế quốc dân, trong đó di sản văn hoá là “tiềm năng”, là “tài sản”, là “sản phẩm” có vai trò quan trọng để kinh tế du lịch phát triển.

Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, giao thông, với một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng tạo nên nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Từ xa xưa Bình Dương đã nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp qua các tư liệu “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức (quyển 2 mục Sơn xuyên chí) cũng như sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” của Lê Quang Định có viết:

Tiêu sơ lãnh thọ quây tà dương

Bộ nhập khê nham phong đạo trường

Tạm dịch:

Cây núi tiêu sơ, mặt trời xế

Bước vào nham khê (suối lồ ồ), viếng cảnh chùa.

 “Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”.

Ca dao:

“Ghe anh nhỏ mũi trán lườn

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em

Cùng em ăn múi Sầu Riêng

Ăn rồi cảm thấy một niềm vui chung”.

Anh về đất rộng Bình Dương

Trái cây…và lá con đường cỏ xanh…”

Điều kiện tự nhiên của Bình Dương đã tạo nên nhiều thắng cảnh đẹp có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.

Bình Dương còn là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá. Từ thời tiền – sơ sử Bình Dương nổi tiếng với các di chỉ khảo cổ học như: Mỹ Lộc, Bến Đò, Cù Lao Rùa…Trong đó, di chỉ khảo cổ học Dốc Chùa – tiêu biểu cho nền văn hóa đồng thau ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Với bộ sưu tập 76 khuôn đúc đồng và 68 công cụ vũ khí bằng đồng được phát hiện trong di tích. Dốc Chùa trở thành bộ sưu tập quan trọng tiêu biểu cho thời kỳ đỉnh cao của thời tiền sử vùng Đông Nam Bộ. Di tích Dốc Chùa chứng minh sự hội tụ kinh tế, kỹ thuật của xã hội phát triển trên vùng đất Bình Dương có niên đại 3000 – 2500  năm cách ngày nay. Những di tích lịch sử văn hoá là dấu ấn minh chứng cho sự tồn tại của con người qua nhiều thế hệ, đồng thời còn thể hiện bản sắc và giá trị văn hoá của cộng đồng người của một vùng đất.

Di tích lịch sử văn hoá của tỉnh Bình Dương bao gồm nhiều loại hình: di chỉ khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh… được phân bố rộng khắp các địa bàn trong tỉnh. Hiện nay (8/2022) toàn tỉnh có 13 di tích cấp Quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh, trong đó có những di tích lịch sử văn hoá rất nổi tiếng được các nhà khoa học và nhân dân trong và ngoài nước biết đến như: di chỉ khảo cổ học Cù Lao Rùa, Dốc Chùa, Mỹ Lộc, di tích lịch sử chiến khu Đ, di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, Căn cứ rừng Kiến An, di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, Địa đạo Tây Nam Bến Cát (Tam Giác Sắt), di tích Nhà máy xe lửa Dĩ An, Căn cứ Hố Lang…hệ thống di tích lịch sử là lịch sử đấu tranh với những chiến công hiển hách, là bản sắc văn hoá của người Bình Dương trong những chặng đường đấu tranh dựng nước và giữ nước. Các di tích lịch sử văn hoá trên đã được đầu tư tôn tạo và từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch, các nhà nghiên cứu đến Bình Dương. Sự định hình các tour du lịch trong tỉnh đã được ngành du lịch khởi xướng cũng bắt nguồn từ tiềm năng du lịch văn hoá; di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi - nơi ghi dấu tội ác chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ tại Việt Nam đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch tại Bình Dương. Và, tuyến du lịch về vườn cây ăn trái Lái Thiêu, với hệ thống di tích đình, miếu và giá trị văn hoá truyền thống lễ hội đã minh chứng cho tiềm năng phát triển kinh tế du lịch trên nền tài nguyên di sản văn hoá.

Các di tích lịch sử văn hoá Bình Dương được phân bố rộng khắp trên địa bàn, hệ thống sông, suối, núi, lòng hồ, đồng bằng, kết hợp có cảnh quan thiên nhiên đẹp nếu biết tôn tạo, qui hoạch và phát huy sẽ là sức hút mạnh mẽ của du khách đến thưởng ngoạn, tìm hiểu về đất và người Bình Dương.

Trong những năm qua, Trung ương và địa phương đã có những động thái tích cực trong việc đầu tư trùng tu, tôn tạo cho các di tích để phát huy giá trị di tích và tổ chức đón khách du lịch như: di tích lịch sử Điạ đạo Tây Nam Bến Cát (Tam Giác Sắt), di tích lịch sử Chiến Khu Đ, di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi, di tích lịch sử chiến khu Vĩnh Lợi ... là nền tảng quan trọng để bảo tồn di sản văn hoá và tạo ra môi trường văn hoá cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở từng địa bàn có di tích.

Địa đạo Tam Giác Sắt - Tây Nam Bến Cát

Bên cạnh những di sản văn hoá vật thể và danh lam thắng cảnh thiên nhiên, Bình Dương còn có vốn văn hoá truyền thống tín ngưỡng - lễ hội khá phong phú và đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh. Nếu như xem tiềm năng di tích lịch sử văn hoá là tiềm năng “tĩnh” thì sinh hoạt tín ngưỡng lễ hội là tiềm năng “động”, bởi lẽ chính những sinh hoạt hội hè mang tính cộng đồng sẽ làm sống động những danh thắng và di tích. Sự kết hợp các yếu tố “động” và “tĩnh” của tiềm năng văn hoá sẽ tạo nên môi trường văn hoá hấp dẫn để phát triển du lịch, mang bản sắc văn hoá riêng của từng vùng và từng tộc người.  

Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường, Bình Dương vẫn giữ được những giá trị của văn hóa nông thôn. Khi nói đến văn hoá nông thôn là nói đến văn hoá truyền thống làng xã, bởi giá trị văn hoá truyền thống làng xã là sức sống bền vững và mang đậm nét bản sắc văn hoá của mỗi địa phương và văn hoá làng xã được biểu hiện tiêu biểu nhất là sinh hoạt lễ hội.  Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá tiêu biểu của các làng xã, là yếu tố văn hoá truyền thống có giá trị đặc biệt trong sự gắn kết cộng đồng, tạo nên sự cộng cảm sâu sắc của mỗi con người đối với quê hương, vì vậy nó có ảnh hưởng sâu sắc đối với mỗi cá nhân, cộng đồng và đời sống văn hoá ở nông thôn nói chung. Sự định cư và hình thành làng xã của người Việt ở  Bình Dương trải qua hơn 300 năm, và tồn tại nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng - lễ hội truyền thống khá đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hoá riêng của địa phương. Hiện nay, Bình Dương có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó nhiều lễ hội tiêu biểu, có ảnh hưởng rộng và thu hút nhiều du khách đến tham dự như: lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu, Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín, Hương bưởi Bạch Đằng, lễ hội Kỳ Yên đình Tân Trạch, lễ hội Miếu Ông Bổn, lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Sài Gòn… Qua thực tiễn sinh hoạt lễ hội truyền thống ở địa phương cho thấy hầu hết các lễ hội được tổ chức là nhằm mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng được bình yên nên thường gắn với các nghi lễ tế thần linh tại các di tích đền miếu thờ thần hoặc có lễ hội được tổ chức  trong không gian văn hoá của làng như lễ hội Kỳ Yên tại các đình, nên thu hút đông đảo người dân tham dự và tạo nên sự cộng cảm sâu sắc cũng như cố kết cộng đồng bền chặt thông qua sự hợp tác của các thành viên trong làng để thực hiện các nghi thức trong lễ hội nhằm đạt mục đích chung. Từ mục đích và giá trị của lễ hội truyền thống nếu chúng ta biết phục dựng và tổ chức các loại hình lễ hội truyền thống tiêu biểu cho từng làng xã, gắn với di tích lịch sử văn hoá, gắn với làng nghề, sẽ làm cho đời sống văn hoá của nhân dân ở Bình Dương phong phú, lành mạnh, vừa góp phần quan trọng bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống ở Bình Dương vừa phát triển kinh tế du lịch cũng như tạo môi trường văn hoá lành mạnh,  bền vững cho đầu tư phát triển kinh tế nói chung.

Bên cạnh sự đa dạng về di tích lịch sử văn hoá – danh lam thắng cảnh và văn hoá truyền thống đặc sắc của một vùng đất, Bình Dương còn hình thành và phát triển các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng trong quá khứ. Từ điều kiện kinh tế mang tính tự cấp tự túc, nhân dân các làng xã ở Bình Dương đã sớm tạo ra cho mình các nghề thủ công truyền thống và sớm hình thành nên các làng nghề. Làng nghề thủ công là sự quần tụ các nghệ nhân, nhiều hộ gia đình chuyên làm cùng một nghề, việc hành nghề cũng mang tính truyền thống lâu đời. Ở Bình Dương nổi tiếng có các làng: làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp; làng nghề gốm sứ (thị trấn Lái Thiêu – Thuận An); làng nghề làm lu Đại Hưng (Thủ Dầu Một), làng nghề điêu khắc; làng nghề heo đất, nghề làm tăm nhang, nghề đan lát mây tre, nghề tráng bánh, nghề đóng guốc – cối – chày – thớt … Sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng trong nước như: sơn mài Tương Bình Hiệp; gốm sứ Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa … giá trị của sản phẩm nghề thủ công không chỉ có giá trị thuần tuý về mặt kinh tế mà còn là sự kết tinh của óc sáng tạo, sự khéo léo, tính thẩm mỹ của người thợ thủ công trong quá trình lao động nên nó mang bản sắc văn hoá của địa phương. Hiện nay do nhiều yếu tố khách quan tác động nên nhiều nghề có nguy cơ mai một và thất truyền kinh nghiệm làm nghề, vì vậy đòi hỏi sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ngành ở địa phương để duy trì và phát triển nghề, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn bản sắc văn hoá địa phương. Một số nghề hiện nay đang tồn tại nếu có sự đầu tư về vốn, công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ phát triển mạnh như: nghề sơn mài Tương Bình Hiệp; làng nghề gốm sứ, nghề làm nhang, nghề làm heo đất, nghề đan lát mây tre, nghề điêu khắc…Có thể dẫn ra đây vài làng nghề cho thấy sự hồi sinh và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người thợ thủ công là hết sức lạc quan.

Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp

Sau bao thăng trầm, tưởng chừng như không thể tồn tại làng nghề bởi những sản phẩm của làng nghề không được thị trường tiêu thụ do các mặt hàng chất liệu nhựa chiếm lĩnh và thay thế, nhưng nhờ sự cải tiến mẫu mã và đa dạng hoá sản phẩm làng nghề nên trong những năm gần đây sản phẩm gốm sứ Minh Long đã dần được khôi phục và phát triển mang lại nguồn thu lớn cho kinh tế. Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề làm heo đất ở Thuận An… Ngoài ra, một số nghề thủ công khác như: nghề đan lát mây tre, nghề làm nhang, nghề điêu khắc…cũng là những nghề thủ công đang được nhiều hộ gia đình duy trì, nếu các ngành chức năng và địa phương các làng nghề hỗ trợ về vốn, công nghệ và có giải pháp cụ thể để đầu tư sẽ có điều kiện phát triển.

Thực tiễn đặt ra là để phát triển nghề thủ công truyền thống và các làng nghề hiện nay bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải quảng bá rộng rãi sản phẩm của làng nghề thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có hình thức du lịch làng nghề. Các làng nghề thủ công ở Bình Dương ra đời từ rất sớm, gắn liền với lịch sử hình thành làng, nhiều làng nghề còn giữ được sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng tổ nghề, vì vậy nó cũng có tiềm năng du lịch nếu có sự đầu tư hình thành các tour du lịch văn hoá – sinh thái gắn với du lịch làng nghề. Nếu các làng nghề được quy tụ nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình, các ngành chức năng có thể định hướng đầu tư cơ sở để quảng bá sản phẩm tại chính làng nghề bằng nhiều hình thức: trưng bày sản phẩm, công cụ sản xuất thủ công, đồng thời hướng dẫn khách tham quan du lịch trực tiếp làm các sản phẩm thủ công như làm gốm, sơn mài, đan lát, dệt… sẽ tạo cảm giác thích thú cho khách du lịch để thu hút khách tham quan du lịch và quảng bá sản phẩm cũng như tiêu thụ sản phẩm thông qua con đường phát triển kinh tế du lịch.  Vì vậy, sự cần thiết phải đầu tư cho phát triển làng nghề hiện nay là vừa bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của Bình Dương, vừa tạo nên bộ mặt mới cho Bình Dương thông qua hoạt động trao đổi sản phẩm hàng hoá thủ công và phát triển du lịch làng nghề.

Sự khẳng định vai trò của văn hoá là nền tảng tinh thần vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội của Đảng cho thấy vai trò của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Để phát huy tiềm năng di sản văn hoá của tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay cần thiết phải điều tra, thống kê các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở các địa phương trong tỉnh, trong đó cần chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch ở địa phương. Đồng thời đầu tư nghiên cứu để phục dựng các lễ hội, các hình thức sinh hoạt văn hoá văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội tiêu biểu của địa phương xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của một vùng để thu hút khách du lịch.  Bên cạnh các lễ hội văn hoá truyền thống, các ngành chức năng của tỉnh và địa phương cần xây dựng mô hình lễ hội hiện đại, lễ hội mừng chiến thắng của địa phương, nhằm đa dạng hoá các loại hình sinh hoạt văn hoá ở nông thôn phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá văn nghệ của nhân dân và tạo môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế Bình Dương.

Để bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn, công nghệ, đào tạo nghề cho lao động để các hộ làm nghề thủ công có điều kiện mở rộng qui mô sản xuất, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng quy hoạch, xác định các  làng nghề cần bảo tồn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng nghề, tạo điều kiện để quảng bá các sản phẩm của các làng nghề, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, tăng thu nhập cho nhân dân. Định hướng mở các tuyến du lịch sinh thái văn hoá về các làng nghề, qua đó để quảng bá sản phẩm làng nghề và bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững.

                                                              Trung tâm Xúc tiến Du lịch