THIÊN HẬU CUNG VÀ LỄ HỘI CHÙA BÀ (BÌNH DƯƠNG)

“Thiên Hậu Cung” – chùa Bà toạ lạc trên đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Người Hoa đến định cư vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố lịch sử, tụ cư lập nghiệp và phát triển ở các vùng khác nhau. Họ tụ cư đông đảo và khá sớm ở các vùng như: Lái Thiêu, Búng, Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tân Phước Khánh, Uyên Hưng… và những vùng muộn hơn, vào các thời điểm lịch sử khác như: Dĩ An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú giáo… Nhóm người Hoa lưu tán có đặc điểm chung là bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống họ tộc, về phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Tiêu biểu và thể hiện nổi bật nhất qua các cơ sở tín ngưỡng miếu Bà… mà người dân địa phương và cả cộng đồng người Hoa thường quen gọi là Chùa Bà.  Chùa thờ “Thiên Hậu Thánh Mẫu” được cộng cư, giao thoa, hòa nhập văn hóa Việt - Hoa phát triển một cách hài hòa.

Người Hoa đến tụ cư, lập nghiệp, sinh sống tại Thủ Dầu Một – Bình Dương đã mang theo huyền thoại và đức tin về “Thiên Hậu Thánh Mẫu” là người được xem như Thần phù hộ cho người đi biển, đây là một dạng tín ngưỡng dân gian. Tuy được triều đình Trung Quốc sắc phong nhưng “Thiên Hậu Thánh Mẫu” được dân gian xem như là Phật, do đó cơ sở thờ tự thay vì được gọi là cung, đền, miếu… thì phần lớn dân gian quen gọi “Thiên Hậu Cung 天 后 宫” là Chùa Bà. 

Hiện nay ở Bình Dương có 8 cơ sở “Thiên Hậu cung” – Chùa Bà. Hầu hết vị trí nằm cạnh sông nước, thị tứ là những nơi được chọn để xây dựng các ngôi miếu như: Thiên Hậu Cung (phường Phú Cường), miếu Bà tại đường Ngô Quyền và đường Châu Văn Tiết (phường Lái Thiêu), miếu Thiên Hậu ở rạch Hương Chủ Hiến (phường Chánh Nghĩa), miếu Bà ở chợ Búng (phường An Thạnh), miếu Bà Bưng Cầu (phường Hiệp An), miếu Bà Thiên Hậu (huyện Dầu Tiếng)… tại thành phố mới Bình Dương cũng có 01 ngôi miếu thờ tự Bà. Đặc biệt, “Thiên Hậu Cung” – chùa Bà toạ lạc trên đường Nguyễn Du, phường Phú Cường là cơ sở thờ tự được đông đảo người dân khắp nơi đến lễ bái. Hàng năm vào dịp tháng Giêng (âm lịch) tại chùa Bà diễn ra lễ hội chùa Bà với quy mô lớn nhất tại Bình Dương. Hiện nay, bên trong Chùa còn có tòng tự cốt tượng Ngũ Hành Nương Nương (đây là các vị thần thuộc tín ngưỡng dân gian người Việt).

Thiên Hậu Thánh Mẫu là một vị thần biển, chuyên phù hộ, cứu nạn cho người đi biển. Bà Thiên Hậu ở Bình Dương còn được tín ngưỡng như là một vị “ Phúc Lộc Thần” của người Hoa lẫn người Việt. Những người đi viếng (miếu) chùa đều có mục đích cầu  may mắn và tài lộc trong cuộc sống, trong công việc, được thể hiện qua các hình thức như: tham gia đấu giá lồng đèn, thỉnh lộc nhang đèn, hoa, quả, ... và vay tiền Bà, cầu xin có con cái,…

Các cơ sở thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu thường làm lễ vía Bà theo ngày vía sanh, vía tử (ngày mất) (23/3 – 9/9 âm lịch). Riêng ở Bình Dương, ngày lễ chính của lễ hội chùa Bà diễn ra vào ngày 15/1 âm lịch (Rằm tháng Giêng) và rước kiệu Bà rất long trọng, qui tụ hàng ngàn người khắp nơi về tham dự và số rất đông người đi viếng Bà đến hết tháng giêng (âm lịch) tạo thành một lễ hội tín ngưỡng lớn ở Đông Nam Bộ.

                                                                                                         TTXTDL