Bình Dương từng bước thích ứng phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới

(Tạp chí Du lịch) - Tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19…

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Phong cho biết, thực hiện tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ là mở cửa lại hoạt động du lịch theo tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh Bình Dương đã luôn chủ động tăng cường phát huy vai trò quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch mở cửa hoạt động trở lại theo từng cấp độ dịch, từng bước phục hồi ngành du lịch. Cụ thể như tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp du lịch nhằm nắm bắt những khó khăn thời gian qua, kịp thời có hướng tháo gỡ. Cùng với đó, định hướng phát triển và linh hoạt kích cầu du lịch; tăng cường liên kết với các tỉnh thành trong khu vực miền Đông Nam bộ để chung tay khôi phục hoạt động du lịch. Tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách, trong đó chú trọng vào các sản phẩm du lịch được xem là thế mạnh của địa phương như tham quan, trải nghiệm, mua sắm ở các làng nghề thủ công truyền thống, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch tâm linh… Đồng thời nghiên cứu, xây dựng và triển khai một số sản phẩm du lịch mới như du lịch công nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức hút du khách trong tỉnh và khu vực lân cận.

Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm mới tạo điểm nhấn về đêm của Bình Dương
Du lịch đường sông là một trong những sản phẩm mới tạo điểm nhấn về đêm của Bình Dương

Theo đó, ngày 09/12/2021, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực có liên quan để cùng phát triển, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống, đáp ứng cho nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của nhân dân địa phương.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là tham quan làng nghề truyền thống và nhóm sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan tìm hiểu các di tích, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, quy trình sản xuất, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đồng thời, củng cố duy trì các sản phẩm dịch vụ hiện có, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ các điều kiện để phát triển nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ. Theo đó, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh bao gồm: sản phẩm du lịch tham quan làng nghề truyền thống gắn với làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng heo đất Thuận An và Bảo tàng gốm sứ Minh Long.

Giai đoạn từ năm 2026 – 2030, sẽ đẩy mạnh công tác hoàn thiện, nâng cao giá trị gia tăng của nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng và nhóm sản phẩm du lịch chính, kết hợp với phát triển nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ… Qua đó, khai thác thế mạnh các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, các làng nghề, các giá trị ẩm thực đặc trưng, đăng cai tổ chức các chương trình hội nghị quốc tế, triển lãm quốc tế, giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế…

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Để làm được điều đó, tỉnh Bình Dương đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có tính nhân văn sâu sắc, tạo việc làm, đóng góp vào hội nhập kinh tế, góp phần tạo động lực cho các ngành khác phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, chính trị, đối ngoại và an ninh quốc phòng. Nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và thực hiện xây dựng thương hiệu Du lịch Bình Dương.

 

Tham quan làng nghề truyền thống sơn mài và gốm đang được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bình Dương
Tham quan làng nghề truyền thống sơn mài và gốm đang được định hướng phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bình Dương

Về công tác quảng bá, các cơ quan ban ngành sẽ phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp để cung cấp thông tin cần thiết về du lịch của tỉnh cho các chuyên gia và người lao động trong khu công nghiệp, nhằm thu hút lượng khách du lịch là dân cư nội tỉnh, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp của tỉnh, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nam bộ, những chuyên gia, nhà đầu tư đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương và vùng Đông Nam bộ. Các cơ sở lưu trú cung cấp thông tin đầy đủ và thuận lợi cho khách lưu trú; cung cấp thông tin về loại hình du lịch tham quan tìm hiểu về hệ thống các di tích để thu hút khách là đối tượng học sinh, sinh viên tạicác cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, chú trọng tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo chuyên để về xúc tiến du lịch nhằm tăng cường tính liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương, giữa khối Nhà nước và tư nhân trong phát triển du lịch của tỉnh. Đồng thời, tổ chức và tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, chủ động tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch Vùng (trong nước hoặc nước ngoài); tham gia các hội thảo, hội nghị quốc tế về xúc tiến du lịch; tranh thủ những diễn đàn du lịch, kinh tế quốc tế để giới thiệu nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho du lịch của tỉnh.

Đặc biệt là chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch, hệ thống nhận diện thương hiệu của tỉnh Bình Dương gắn với khẩu hiệu “Trải nghiệm và cảm nhận”. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt tour, đặt phòng lưu trú, thanh toán, thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch...

Mặt khác, chú trọng công tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ phát triển du lịch. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng hạ tầng giao thông thủy nội địa để phục vụ phát triển du lịch ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Tăng cường số lượng phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn xếp hạng sao nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ của hệ thống lưu trữ; khuyến khích các cơ sở kinh doanh lưu trú cải tạo, nâng cấp hệ thống chất lượng dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Phát triển hệ thống khách sạn cao cấp phục vụ cho đối tượng khách du lịch chi tiêu cao, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú của Bình Dương.

Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, cùng mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch tỉnh Bình Dương đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có tổng lượng khách du lịch đạt 8,1 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 480 nghìn lượt, khách nội địa đạt hơn 7,6 triệu lượt, mức doanh thu du lịch đạt mức 3.700 tỷ đồng...

                                                                                          Theo vtr.org.vn (Tạp chí du lịch)