TRƯỜNG MỸ NGHỆ ỨNG DỤNG ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG NAM BỘ - ĐỊA ĐIỂM THAM QUAN DU LỊCH
KHÁI QUÁT SỰ RA ĐỜI VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP TRONG ĐỜI SỐNG, KINH TẾ, VĂN HÓA XÃ HỘI CỦA TRƯỜNG MỸ NGHỆ ỨNG DỤNG ĐẦU TIÊN Ở ĐÔNG NAM BỘ.
Tóm tắt:
Giai đoạn chính quyền Nam Kỳ khi Pháp đô hộ đã mở ba trường nghệ thuật ứng dụng đầu tiên gồm: trường Thủ Dầu Một (1901), trường Biên Hòa (1903) và trường Gia Định (1913). Mỗi trường có một đặc trưng riêng trong chuyên môn đào tạo cho học sinh bản xứ và thường xuyên liên kế, giao lưu, trao đổi sản phẩm thủ công mỹ nghệ do học sinh làm ra. Bên cạnh đó, mặc dù đã trải nhiều lần thay tên và thay đổi cơ chế, cơ quan chủ quản nhưng Trường Bá nghệ Thủ Dầu Một vẫn có nhiều đóng góp về văn hóa, kinh tế đặc biệt bên lĩnh vực đào tạo các nghề truyền thống như sơn mài, mộc, điêu khắc… của tỉnh Bình Dương từ những giai đoạn đầu tiên thành lập Trường cho đến hôm nay.
Từ khóa: Trường mỹ nghệ ứng dụng Đông Nam bộ; Lịch sử và vai trò các trường các Trường Bá nghệ ở Nam kỳ, Trường Bá Nghệ Thủ Dầu Một.
DẪN NHẬP
Sau hiệp ước Patenôtre 1884, chính quyền Pháp sơ bộ hoàn thành cuộc xâm lược Việt Nam và tiến hành khai hóa thuộc địa, dùng chính sách “chia để trị” tách Việt Nam thành ba xứ riêng biệt, xứ thuộc địa Nam Kỳ và hai xứ bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nhân danh đi khai phá văn minh, chính quyền Pháp đã mở trường đào tạo, trường học văn hóa và nghề ở nhiều cấp nhằm thực thi bảo tồn văn hóa thuộc địa. Nam Kỳ thuộc về Pháp đô hộ đầu tiên, chính quyền đã mở các trường nghệ thuật ứng dụng (Les écoles d'art appliqué) nằm ở phía đông Nam Kỳ gồm trường Thủ Dầu Một (Ecole de Thu-Dau-Mot) được thành lập năm1901, trường Biên Hòa (Ecole de Biên-Hoa) thành lập năm1903 và trường Gia Định (Ecole de Gia-Dinh) thành lập năm 1913. Ba trường này được đặt dưới sự kiểm soát nghệ thuật của một thanh tra viên người Pháp theo trường phái nghệ thuật ứng dụng, khoảng cách địa lý giữa các trường khoảng 30km, vì vậy các trường thường xuyên liên hệ và phối hợp làm việc với nhau. Trường Gia Định cung cấp học sinh năng khiếu và hướng nghiệp, lên kế hoạch cho hai trường Thủ Dầu Một và Biên Hòa thực hiện. Trường Biên Hòa sản xuất những đồ dùng bằng sắt như khóa tủ, bản lề cung cấp cho trường Thủ Dầu Một, ngược lại trường Thủ Dầu Một cung cấp giá đỡ bình gốm cho trường Biên Hòa… Các trường nghệ thuật này đào tạo học sinh kỹ thuật sử dụng máy móc phương Tây, ứng dụng vào việc chế tác sản phẩm mang hồn phương Đông. Do đó sản phẩm tạo ra có chất lượng và thẩm mỹ cao hơn hẳn sản phẩm của thợ thủ công địa phương thời đó.
1. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Quá trình thành lập và phát triển của Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một
Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một (École d’art indigène de Thu Dau Mot) chính là tiền thân của Trường trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương ngày nay, đây là một trong những trường mỹ nghệ ứng dụng cổ nhất do chính quyền thuộc địa mở từ năm 1901. Giai đoạn 1901-1914, Trường đặt cạnh tòa tỉnh trưởng Thủ Dầu Một, đường Đinh Bộ Lĩnh ngày nay, do Trường Thủ Dầu Một dạy đa dạng nghề truyền thống nên dân gian đất Thủ gọi là Trường Bá nghệ. Năm 1913, trường mở lớp dạy đồ gỗ, điêu khắc, sơn mài ở Thủ Dầu Một, đây chính là một trường có ban dạy sơn mài đầu tiên ở Việt Nam. Giai đoạn 1914-1932, trường dời về địa điểm đối diện nhà việc Phú Cường, trước chợ Thủ Dầu Một. Đầu năm 1932 trường đổi tên là trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (École d'art appliqué de Thu Dau Mot), sau đó dời về đường Bạch Đằng cạnh bờ sông Sài Gòn cho đến nay. Truờng dạy tổng hợp tất cả nghệ thuật trang trí nội thất bao gồm bốn nghề, mỗi nghề tương ứng với một ban: Ban tế mộc công (nghề làm mộc, đóng tủ bàn ghế), Ban điêu khắc (chạm khắc gỗ, khảm và đá cẩm thạch), Ban sơn mài, Ban vẽ kiểu mộc và trang trí. Trường ban đầu có 68 học sinh trong khu vực, ngoại trừ một số học sinh được nhận học bổng từ các tỉnh khác, được hướng dẫn bởi một giáo sư người Pháp với sự hỗ trợ của hai thạc sĩ vẽ và năm quản đốc bản xứ, lãnh đạo trường hầu hết là những hiệu trưởng người Pháp. Từ khi thành lập đến năm 1932, trường đã đào tạo được gần 400 người, đây là lớp nghệ nhân đầu tiên trên đất Thủ có tay nghề giỏi, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, đa số trở thành nghệ sĩ, nhà giáo, nghệ nhân nổi tiếng sau này.
Giai đoạn từ năm 1932-1945, nhà trường đào tạo được 488 học sinh. Hầu hết giáo viên và quản lý người Pháp trước kia được thay thế bằng người Việt, được đào tạo từ trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và các học sinh tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại trường làm giảng viên. Trường đã đào tạo nhiều nghệ nhân, họa sĩ, nhà kinh doanh mỹ nghệ, họ đã thành lập nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống ở địa phương và khu vực, đã tác động việc chuyển hóa công tác đào tạo dạy nghề đến việc cung cấp nguồn nhân lực nghệ nhân giỏi phục vụ nhu cầu lao động có tay nghề cao.
Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa giải thể tỉnh Thủ Dầu Một, trường vẫn mang tên Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một và đào tạo các nghề như trước. Đến thập niên 60 nghề cẩn gỗ, ốc xà cừ và nghề đúc đồng không còn đào tạo nữa, bộ môn vẽ kiểu mộc và trang trí được thay thế bằng hình thức mới là trang trí nội thất, kết hợp kiến trúc với mỹ thuật và tăng cường thêm các kiến thức cơ bản về hội họa mỹ thuật hiện đại. Từ 1964-1975 trường đổi tên là trường Kỹ thuật Bình Dương, trực thuộc Bộ Giáo dục Sài Gòn. Được bổ sung các máy móc thiết bị chuyên dụng hiện đại của Mỹ và tiếp nhận văn hóa kỹ thuật mới, trường đã mở thêm ngành đào tạo kỹ thuật như kỹ nghệ sắt và điện kỹ nghệ, phương pháp đào tạo và các ngành nghề truyền thống vẫn được duy trì, bổ sung thêm phần lý thuyết, giảng dạy thực hành bài bản hơn. Quy chế tuyển sinh được cải tiến và mở rộng đến khu vực miền Trung, trường đào tạo theo hệ trung cấp, mở thêm các bộ môn Đồ họa công thương nghiệp, kỹ thuật cơ khí như hàn, tiện, nguội, rèn, đúc… giảng dạy thêm các môn văn hóa phổ thông như khoa học tự nhiên, xã hội. Ngoài nhiệm vụ chính là đào tạo mỹ thuật truyền thống trường đảm nhận thêm chức năng dạy nghề thử nghiệm. Lãnh đạo trường đều là người Việt.
Sau năm 1975, các Bộ, Vụ viện của Trung ương cùng với chính quyền cách mạng ở Sông Bé chủ trương mục tiêu đào tạo của trường chuyển từ kỹ thuật sang mỹ thuật thuần túy nhằm tiếp tục duy trì, kế thừa và phát huy vốn quý mỹ thuật truyền thống. Năm 1977 trường được đổi tên là Trường Trung học Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé do Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý. Trường đào tạo hệ trung học mỹ thuật công nghiệp và hệ công nhân mỹ thuật công nghiệp, gồm 4 chuyên ngành thiết kế đồ gỗ, sơn mài trang trí, điêu khắc trang trí và đồ họa công thương nghiệp. Đến năm 1982 trường được giao về tỉnh Sông Bé quản lý, trực thuộc Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh, nay là Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương, trường thu hẹp khu vực tuyển sinh, đào tạo theo hệ trung cấp chuyên nghiệp và bổ sung thêm ngành giáo viên hội họa ngành phổ thông cơ sở.
Năm 2000 trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương, đào tạo các chuyên ngành như Thiết kế gỗ - Trang trí nội thất, Sơn mài trang trí, Điêu khắc trang trí, Đồ họa công thương nghiệp. Từ năm 2004 trường mở thêm ngành Thiết kế thời trang. Phần lớn giáo viên giảng day tại trường đều được đào tạo ở các trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Tp HCM, Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Bách khoa Sài Gòn… và đội ngũ nghệ nhân có tay nghề giỏi tại địa phương. Ngày 07/07/2006, trường được công nhận là di tích cấp tỉnh. Do trường đào tạo những ngành nghề đặc thù có tính mỹ thuật nên tháng 10 năm 2007, UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định đổi tên trường thành Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Từ 1975 đến 2011, trường đã đào tạo 39 khóa trung học, 9 khóa công nhân và 2 khóa sư phạm mỹ thuật được gần 5000 học sinh, hầu hết các học sinh tốt nghiệp khác trở thành nghệ nhân, họa sĩ ở trong nước và nước ngoài, làm việc ở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh, chủ cơ sở kinh doanh mỹ nghệ, cán bộ công chức, viên chức nhà nước.
Tháng 8-2012, UBND tỉnh Bình Dương hợp nhất hai trường Trung cấp Mỹ thuật và trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch thành trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Tháng 3 năm 2017, trường được chuyển từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Những đóng góp trong đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội của Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một
Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2012, và nhiều cờ thi đua, bằng khen của UBND tỉnh Bình Dương.
Từ khi thành lập đến nay, trường đã từng bước từ dạy nghề đến lý thuyết khoa học và thực hành, rồi kế tiếp là giáo dục chuyên nghiệp về chuyên ngành mỹ thuật, đã góp phần xác lập một hệ thống đào tạo chính quy về mỹ thuật. Trường đã đào tạo nhiều lớp nghệ nhân giỏi nghề, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, từ thủ công đến thợ thủ công lành nghề rồi danh xưng họa sĩ, nhà thiết kế, đã có đóng góp thiết thực trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội ở trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn Pháp thuộc, đầu tiên trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một đã đào tạo thợ thủ công mỹ nghệ làm nghề mộc, rồi trường đổi tên là Mỹ nghệ thực hành đào tạo lý thuyết khoa học và thực hành, kết hợp thủ công với kỹ thuật sử dụng thiết bị máy móc trong các ngành điêu khắc, sơn mài, vẽ kiểu mộc và trang trí. Đặc biệt, trường chuyên đào tạo thợ mộc cao cấp, không chỉ thuần túy đóng kèo nhà, cột tường, bàn ghế tủ thông thường, mà là thợ giỏi về trang trí nội thất mang tính thẩm mỹ cao như một nhà điêu khắc, họa sỹ nội thất, vừa có tư duy thẩm mỹ, vừa chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ có chất lượng. Các nghệ nhân lấy cảm hứng những họa tiết, hình dáng từ các đồ vật trưng bày tại Cố Cung ở Huế và những đồ vật đẹp của Trung Quốc, đã cải biến và cách điệu, sáng tạo ra những bộ bàn ghế phù hợp về hình thức, trang nhã của đường nét, hoàn hảo các họa tiết, hoàn thiện cẩn thận quá trình thực hiện… đã gây ấn tượng giới thượng lưu, công chúng cả Đông Dương rất yêu thích và được gửi qua Pháp triển lãm, đã củng cố thêm danh tiếng của trường phái chế tác nội thất rất nguyên bản ở Nam Kỳ. Nghề thủ công bản địa của trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một đã lan rộng, các xưởng thiết kế và sơn mài mọc lên vừa làm nơi thực tập, vừa tuyển dụng học sinh đã tốt nghiệp đến làm việc, đã tác động việc chuyển hóa công tác đào tạo dạy nghề đến việc cung cấp nguồn nhân lực nghệ nhân giỏi phục vụ nhu cầu thị trường lao động có tay nghề cao, góp phần phát triển ngành nghề truyền thống ở địa phương và khu vực, đã hình thành lớp nghệ nhân đầu tiên trên đất Thủ có tay nghề giỏi, có tri thức về văn hóa thẩm mỹ, trở thành những nhân vật trụ cột trong giảng dạy, đào tạo nghề và mở mang sự nghiệp mỹ thuật truyền thống sau này.
Trong suốt thời gian Pháp tiến hành khai hóa thuộc địa, có hai vấn đề nổi bậc liên quan đến công tác đào tạo nghề. Đó là một mặt chính quyền Pháp chỉ chú trọng đào tạo những thợ trang trí người bản xứ để phụ giúp công việc chính cho mình và không có chủ trương đào tạo nên tầng lớp trí thức mới người Việt. Mặt khác qua các cuộc triển lãm, Pháp đã cố gắng chứng minh cho thế giới thấy các nền văn hóa đa dạng và nguồn lực to lớn tài sản thuộc địa của mình, nhằm làm nổi bật các nền văn hóa đặc hữu của các nước thuộc địa và hạ thấp nỗ lực của Pháp trong việc truyền bá ngôn ngữ và văn hóa riêng của mình ra nước ngoài, do đó thúc đẩy quan điểm rằng Pháp đang liên kết với các xã hội thuộc địa chứ không phải đồng hóa chúng. Chính vì vậy công tác đào tạo mỹ nghệ ứng dụng giai đoạn này được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng. Tay nghề của các nghệ nhân được nâng cao và chuyên sâu, sử dụng máy móc phương Tây ứng dụng vào việc chế tác sản phẩm mang hồn phương Đông, cải biến và cách điệu đồ vật cung đình, sáng tạo ra những sản phẩm hoàn hảo và tuyệt mỹ, ngành nghề thủ công mỹ nghệ được phát triển mạnh mẽ.
Kế tiếp là giai đoạn đầu thập niên 60, tình hình chính trị có những biến động đến văn hóa nghệ thuật, sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam ngày càng sâu hơn, lối sống và văn hóa Mỹ lan rộng ở các đô thị đã ảnh hưởng đến ngành đào tạo mỹ nghệ thực hành. Các nghề truyền thống giảm dần nhường chỗ đào tạo các ngành về kỹ thuật và kỹ nghệ, trường được trang bị các máy móc thiết bị chuyên dụng hiện đại của Mỹ và đổi tên thành trường Kỹ thuật Bình Dương thuộc Bộ Giáo dục Sài Gòn của chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, do đó chương trình đào tạo chuyển từ dạy thủ công mỹ nghệ sang lý thuyết khoa học và thực hành ứng dụng kỹ thuật mới vào các môn kỹ nghệ. Những đóng góp của trường trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội ở giai đoạn này có sự chia cắt giữa vùng giải phóng và vùng tạm chiếm ở miền Nam. Nhiều học sinh tham gia cách mạng, thành lập phòng Hội họa giải phóng, đảm nhận mọi công việc mỹ thuật, dùng kỹ năng nghề nghiệp như in ấn, khắc gỗ, vẽ tranh cổ động, vẽ minh họa báo, truyền đơn… phục vụ ở chiến trường trong vùng giải phóng. Trong khi đó, hoạt động mỹ nghệ trong vùng tạm chiếm vẫn tiếp diễn và có phần thuận tiện trong tiếp cận mỹ thuật thế giới để phát triển, điển hình là sự ra đời của của Nghiệp đoàn Hội họa và Mỹ nghệ Nam Việt được thành lập, thành viên ban chấp hành đều là các nhà điêu khắc, họa sĩ, nghệ nhân trang trí xuất thân từ ba trường Mỹ thuật ứng dụng phía Nam và trường mỹ thuật Đông Dương. Nhiều phòng trưng bày tranh được mở cửa, triển lãm cá nhân được tổ chức thường xuyên, nhiều phong cách mỹ thuật được sáng tác theo xu hướng nghệ thuật hiện đại. Người nghệ nhân giỏi nghề có điều kiện tiếp cận tri thức mới về văn hóa thẩm mỹ, đã tìm hiểu, thử nghiệm các hình thức nghệ thuật mới cho ra phong cách tạo hình riêng, độc đáo để tự chuyển đổi mình từ thợ thủ công lành nghề sang danh xưng là họa sĩ. Bên cạnh đó, các cơ sở sơn mài đã biết cách kết hợp kỹ thuật mới với nghề truyền thống để chế tác những mặt hàng mỹ nghệ chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho công chúng có trình độ thẩm mỹ ngày càng cao.
Giai đoạn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, trường chuyển từ kỹ thuật sang mỹ thuật thuần túy, đổi tên là Trường Trung học Mỹ thuật Công nghiệp Sông Bé thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, đến năm 1982 giao về Ban Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Sông Bé quản lý. Năm 2000 trường được đổi tên thành trường Trung học Kỹ thuật Bình Dương, năm 2007 trường đổi tên trường thành Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Đến năm 2012, trường đổi tên thành trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương và được chuyển từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương quản lý từ năm 2017 cho đến nay. Sau nhiều lần đổi tên, chuyển sự quản lý từ Bộ xuống các ngành ở địa phương, trường đã thích ứng và thay đổi chương trình đào tạo từ hệ trung học, công nhân mỹ thuật công nghiệp sang kỹ thuật rồi sư phạm mỹ thuật và hiện nay là đào tạo nghệ thuật các ngành mỹ thuật và quản lý văn hóa. Các ngành nghề trường đào tạo nhiều cấp học, đã cung cấp nguồn nhân lực giỏi nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cho sự phát triển của xã hội ở địa phương và khu vực, đã góp phần nâng cao trình độ dân trí ở lĩnh vực mỹ thuật, trong đó có góp phần phát triển sự nghiệp Văn hóa Nghệ thuật trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Thực trạng tồn tại và thách thức trong công tác đào tạo Trường Mỹ nghệ bản xứ Thủ Dầu Một
Sau năm 1975, nguyên nhân khách quan do vừa thoát khỏi chiến tranh, đất nước lâm vào cảnh khó khăn mọi mặt, nhiều vấn đề cần giải quyết cấp bách, cơ chế quản lý nhà trường chưa được quan tâm đúng mức từ phía chính quyền các cấp, cán bộ quản lý chuyên ngành mỹ thuật hạn chế, nhiều giáo viên giỏi nghề rời trường, chương trình đào tạo có mục tiêu bất nhất, có giai đoạn nghiêng về mảng công nghiệp, mảng mỹ thuật, rồi mảng kỹ thuật đã làm ảnh hưởng định hướng đào tạo và chiến lược phát triển của nhà trường. Bên cạnh đó, giai đoạn này nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu thụ chậm chạp, thị trường hàng cao cấp trước đây không kết nối được, các cơ sở mỹ nghệ nổi tiếng bị phá sản hoặc chuyển giao quyền quản lý… dẫn đến thế mạnh các ngành truyền thống không được phát huy, nghệ nhân giỏi nghề tìm nơi khác làm việc. Sau năm 1986, đất nước mở cửa đã tháo gỡ những bế tắc cho kinh tế, nhiều khách quốc tế đến Việt Nam du lịch và Việt kiều về thăm quê hương, họ yêu chuộng các sản phẩm sơn mài vẽ phong cảnh đồng quê, thiếu nữ mặc áo dài, đội nón lá… đã tạo cơ hội cho các cơ sở thủ công mỹ nghệ ra đời, khôi phục nghề truyền thống. Bên cạnh những nghệ nhân có trình độ thẩm mỹ, đầu tư xưởng sản xuất bài bản, đã phát triển cơ sở thành công ty, vẫn còn một số chủ cơ sở là thợ lành nghề không phải là họa sĩ, các sản phẩm họ làm ra chủ yếu sao chép không mang tính sáng tạo mỹ thuật, một số khác rút ngắn các công đoạn sản xuất, thay thế sơn ta bằng sơn công nghiệp làm mất đi vẻ tinh tế, dung dị và độc đáo của sơn mài truyền thống. Do nhu cầu đòi hỏi của thị trường, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng, một số cơ sở mỹ nghệ đã thay đổi mẫu mã, chất liệu, kết cấu, hình dáng… họ chạy theo lợi nhuận trước mắt, sản xuất đại trà, giảm giá thành để cạnh tranh nên làm hàng kém chất lượng, hàng dỏm hàng nháy chiếm lĩnh thị trường, làm mất lòng tin khách hàng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín ngành mỹ nghệ truyền thống. Nhiều hộ gia đình làm cơ sở chạm khắc, thủ công mỹ nghệ có quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, trang thiết bị lạc hậu, không duy trì được nguồn vốn đầu tư dài hạn, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường nên thợ lành nghề chuyển sang làm công nhân để có thu nhập ổn định hơn, dẫn đến các cơ sở mỹ nghệ bị phá sản. Bên cạnh đó, công tác quảng bá chưa được chú trọng và công tác hỗ trợ người làm nghề của các ngành, các cấp chính quyền ở địa phương chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Ngoài những hạn chế của lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương chịu nhiều vấn đề bất cập trong cơ chế quản lý. Từ năm 1977 đến nay, trường chịu sự quản lý của bốn đơn vị khác nhau chuyển từ Bộ xuống các ngành ở địa phương. Trong hơn bốn thập kỷ trường được đổi tên bốn lần, mỗi lần đổi tên mục tiêu đào tạo của trường cũng thay đổi, từ mỹ thuật công nghiệp sang kỹ thuật, thêm sư phạm mỹ thuật và hiện nay là đào tạo mỹ thuật - văn hóa. Điều này làm cho định hướng phát triển nhà trường không bền vững, mục tiêu đào tạo không ổn định, hoạt động kém hiệu quả cả về quy mô và chất lượng, đào tạo các ngành nghề không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến không tạo được thương hiệu riêng để thu hút người học.
Qua đề án thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS cho thấy, các trường trung cấp sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh. Thêm vào đó, cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt đầu có hiệu lực năm 2020, nhà trường tự chủ trong việc thực hiện đào tạo, lựa chọn và phát triển nhân sự và các vấn đề về tổ chức, nhà nước sẽ cấp tài chính theo cơ chế đấu thầu và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo dạy nghề. Ngoài ra còn có nhiều khó khăn khác như cạnh tranh trong kinh doanh giáo dục, sự kén chọn của người học, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội... Nếu các trường trung cấp không đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo có hiệu quả thì nguy cơ trường bị giải thể hoặc sáp nhập sẽ là điều tất yếu.
III. KIẾN NGHỊ
Hiện nay, việc gắn kết giữa Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, Nhà nước giữ vai trò đưa ra chủ trương, định hướng chính sách, đầu tư một phần ngân sách cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, còn doanh nghiệp tổ chức đào tạo nhân lực cho đơn vị mình, đồng thời phối hợp với các trường nghề trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề... Xây dựng được mối quan hệ này tốt đẹp sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương hút nguồn nhân lực dư thừa, tạo công ăn việc làm lao động tại chỗ. Đây sẽ là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, lực lượng lao động chất lượng góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, trường rất cần sự quan tâm đặc biệt từ phía chính quyền các cấp, sự đầu tư đúng mức các nguồn lực, tạo cơ chế quản lý đặc thù giúp trường linh hoạt đổi mới, định hướng mục tiêu đào tạo nhằm khôi phục, kế thừa và phát huy tinh hoa ngành nghề truyền thống, sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào mỹ thuật để đáp ứng sự phát triển của đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội hiện nay và tương lai./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1/ Mỹ thuật Bình Dương xưa và nay, Hội VHNT Bình Dương, 1998.
2/ Kỷ yếu 110 năm thành lập trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương, Bình Dương, 2011.
3/ Kỷ yếu 100 năm thành lập trường vẽ Gia Định - Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, 2013.
4/ Trang Phượng (2002) Mỹ thuật ứng dụng truyền thống và phát triển. Hội thảo Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc lần II-2020, Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai – Viện Mỹ thuật – Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, 12/2002, Bộ VHTT.
5/ Vũ Hy Thiều (2002) Định hướng phát triển nghề thủ công. Hội thảo Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc lần II-2020, Trường CĐ Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai – Viện Mỹ thuật – Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, 12/2002, Bộ VHTT.
6/ Phạm Trung (2006). 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới 1986-2006, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, Nhà xuất bản Mỹ thuật.
7/ Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Bùi Như Hương, Phạm Trung, Nguyễn Văn Chiến (2005) Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội - Viện Mỹ thuật, Hà Nội.
8/ Trương Phi Đức (2010). Địa chí Bình Dương, tập 4 Văn hóa xã hội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
9/ Hoàng Minh Phúc (2018). Thành tựu và triển vọng,
<https://hnue.edu.vn/Tintuc-Sukien/Trangtintonghop/PGSTSHoangMinhPhuc TruongDaihocMythuatthanhpho HoChiMinh.aspx, Đại học Sư phạm Hà Nội>, xem 01/3/2021
10/ Bộ sưu tập Đông Dương, http://sach.nlv.gov.vn/sach, La Cochinchine scolaire: L'enseignement dans le pays le plus évolué de l'union Indochinoise, 1931, Thư viện Quốc gia Việt Nam, xem 01/3/2021.
THÔNG TIN CÁ NHÂN
Tác giả: Lê Quang Lợi – Thạc sĩ Mỹ thuật tạo hình – Trưởng khoa Thiết kế Đồ họa
Đơn vị: Trường TC Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương,
Địa chỉ: 210 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, Tp.Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Điện thoại: 0913860479 – Email: lequangloidesign01@gmail.com
Bài viết tiếp theo
Di tích Đình Phú Long – giá trị văn hóa truyền thống
Danh mục di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ẩm thực Bình Dương: Những món ngon không thể bỏ qua
Đón đoàn du khách từ TP.Hồ Chí Minh đến với Bình Dương bằng du lịch đường sông
Bài viết liên quan
5 địa điểm vui chơi dịp lễ 2/9 năm 2024 tại Bình Dương mà bạn không thể bỏ qua
Xúc tiến và liên kết du lịch giữa Thuận An (Bình Dương) và Quận 12 (TP. HCM)
Tưng bừng các sự kiện chào mừng kỷ niệm Quốc Khánh 02/9 tại Phố Đi Bộ Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một
Lịch chạy tàu tăng cường có dừng tại ga Dĩ An dịp lễ Quốc khánh 2/9