Rừng lịch sử Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng – Điểm du khảo về nguồn ý nghĩa
Rừng Kiến An, xã An Lập nằm cách trung tâm huyện Dầu Tiếng khoảng 25km, có diện tích khoảng 245 ha.
Đường đến với rừng Kiến An ngày nay khá thuận tiện, khách ở xã chỉ cần gắn định vị đến UBND xã An Lập là có thể tìm đến di tích một cách dễ dàng. Từ năm 2012, di tích đã được tỉnh đầu tư xây dựng các hạng mục, gồm: Cổng chào, nhà bảo vệ, nhà trưng bày truyền thống, cây xanh và các khu hầm tái hiện hình ảnh đấu tranh của lực lượng cách mạng trong những năm kháng chiến. Căn cứ cách mạng rừng Kiến An, xã An Lập, Dầu Tiếng đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích cách mạng cấp tỉnh tại Quyết định 3875/QĐ-UB, ngày 02 tháng 6 năm 2004. Năm 2015, công trình đã được bàn giao cho UBND huyện Dầu Tiếng khai thác sử dụng.
Rừng Kiến An là căn cứ cách mạng từ thời Pháp thuộc. Khi ấy, Pháp phân loại khu rừng này là rừng cấm 124, giáp với rừng cấm 123 ở An Tây, Bến Cát. Với địa hình thuận lợi là một khu rừng già, nằm giữa 2 con sông Sài Gòn và Thị Tính, rừng Kiến An trở thành vị trí đắc địa, có tầm quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự trên cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn. Cùng với các vùng căn cứ kháng chiến ở Bến Cát, nơi đây đã trở thành căn cứ của cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, là cái nôi của chiến khu Bắc Bến Cát.
Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rừng Kiến An là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị chủ lực. Bước vào giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các lực lượng kháng chiến tiếp tục chọn rừng Kiến An làm căn cứ xây dựng lực lượng do có vị trí chiến lược sát với trung tâm Bến Cát. Nơi đây, đã trở thành căn cứ trọng yếu của các bộ máy quân sự trú đóng và là căn cứ trú đóng của Công an, lực lượng Sư 9, của Huyện ủy Bắc Bến Cát và các đơn vị chủ lực Miền. Với lợi thế tích hợp từ đất, từ cây, từ sông suối và ưu đãi của tự nhiên, rừng Kiến An đã trở thành cái nôi để các quân đoàn chủ lực tập kết lực lượng tấn công các điểm chiếm đóng của địch ở các khu vực lân cận, tạo thế và lực cho các lực lượng tiến công vào Sài Gòn.
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong lúc Mỹ – Diệm đang dìm cách mạng miền Nam trong biển máu và tưởng chừng như có thể dập tắt được phong trào thì trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, một phương thức đấu tranh mới hình thành, tiến hành đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, các căn cứ cũng được hình thành để đi cùng kháng chiến. Trong thời gian này, các khu rừng già tiếp giáp trải rộng được tận dụng để xây dựng căn cứ. Rừng Kiến An là một minh chứng sống động cho việc hình thành căn cứ cách mạng trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ. Rừng Kiến An đã phát huy hết khả năng, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình trong vai trò giữ quân, giấu cán bộ, đảm bảo an toàn cho các đơn vị chỉ huy, tạo ra nhiều thuận lợi cho các trận đánh của các lực lượng quân đội.
Rừng Kiến An cũng từng là vùng căn cứ địa cách mạng của lực lượng an ninh Thủ Dầu Một trong kháng chiến. Khi thành lập tỉnh Thủ Dầu Một, Tỉnh ủy quyết định chọn những cán bộ công an trong Ban địch tình, binh vận thành lập Ban bảo vệ an ninh tỉnh. Trong thời gian ngắn, Ban An ninh đã từng bước hình thành các bộ phận: Bảo vệ chính trị, điệp báo, trại giam đã đáp ứng yêu cầu thực tế công tác an ninh tại tỉnh Thủ Dầu Một, thực hiện tốt nhiệm vụ diệt ác, phá kiềm, chống địch càn quét, bảo vệ an ninh vùng giải phóng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trên mọi chiến trường đều có lực lượng công an, từ Bàu Bàng rực lửa, Bông Trang kiên cường đến Nhà Đỏ, Chiến khu D, lực lượng an ninh từ cơ sở đến huyện, tỉnh đều diệt ác, phá kiềm, trừ gian, chống càn quét, chống do thám, gián điệp, bảo vệ lãnh đạo, các cơ quan và căn cứ vùng kháng chiến, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cho lực lượng vũ trang tiêu diệt địch. Rừng lịch sử Kiến An đã từng là nơi chở che cho lực lượng chủ lực và địa phương mưu trí, dũng cảm thực hiện nhiều phương thức tác chiến chống giặc ngoại xâm, làm thất bại âm mưu đánh chiếm của kẻ thù, góp phần cho Đảng có những chủ trương, đường lối đúng đắn trong việc bố trí các mặt trận để hạn chế thiệt hại.Với tinh thần yêu nước của người con máu đỏ da vàng, các cán bộ cách mạng đã kiên trì kháng chiến, đặt trọn niềm tin vào sự nghiệp cách mạng, phát triển lực lượng, dựa vào dân và cơ sở trung kiên làm cầu nối để xây dựng cơ sở và khôn khéo vượt qua tai mắt của địch để hoạt động cách mạng. Một trận tiến công, một trận đánh thắng là thêm một lực đẩy cho phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân ta, để cùng cả nước bền gan chiến đấu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cánh rừng Kiến An vẫn đứng sừng sững, vẫn hiên ngang như trong những ngày mưa bom bão đạn chống giặc ngoại xâm, làm bàn đạp cho các cuộc tiến công của quân ta. Những hố bom giờ là dấu tích của cuộc cách mạng kiên cường đấu tranh chống giặc với tinh thần mưu trí và dũng cảm của các lực lượng vũ trang, sự chỉ huy sáng suốt sát với thực tiễn cách mạng của các đơn vị chủ lực trú đóng tại rừng Kiến An. Rừng Kiến An là một trong nhiều địa danh in đậm dấu ấn không chỉ về một vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng một màu xanh bạt ngàn của vùng đất rừng phương Nam, mà rừng Kiến An còn in đậm dấu ấn trong lịch sử của đấu tranh dân tộc về một thời đất và người kiên trung chống giặc.
Với những giá trị lịch sử gắn liền với di tích này, rừng Kiến An luôn là một địa chỉ về nguồn, một điểm đến ý nghĩa về mặt lịch sử. Những người đi sau khi đến với di tích này sẽ càng hiểu hơn về lịch sử, về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân ta, để từ đó thêm tự hào về truyền thống giữ nước của cha ông ta.
Duy Phúc (Trung tâm VH,TT&TT huyện DT)
Bài viết tiếp theo
Tổ chức chấm giải Cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch Bình Dương năm 2023”
Mời tham gia đề cử ẩm thực tiêu biểu địa phương
Thông báo Tác phẩm đạt giải Cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Bình Dương năm 2023”
Quảng bá du lịch Bình Dương tại Tuần lễ văn hóa, du lịch và ẩm thực tỉnh Đồng Nai năm 2023